“Chủ động trong công việc, lắng nghe với thái độ cầu thị, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó khăn nhiều thử thách, có kế hoạch xây dựng và phát triển nghề nghiệp cho bản thân” là một trong những yếu tố giúp sinh viên IT nhanh chóng đạt được vị trí mà mình mong muốn.

Kỳ thực tập là một trong những yêu cầu bắt buộc để sinh viên tốt nghiệp, không những thế đây còn chính là cơ hội giúp các bạn sinh viên IT rèn luyện kiến thức và tích lũy thêm kỹ năng kinh nghiệm quý giá trước khi rời ghế nhà trường. Tuy thế, không phải Newbie nào cũng biết đâu là những yếu tố giúp bạn lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng giữa hàng nghìn ứng viên trẻ khác.

Vậy các bạn sinh viên IT cần chuẩn bị gì cho kỳ thực tập sắp tới của mình? Hãy cùng lắng nghe anh Phan Thanh Tuấn - Technical Manager tại Navigos Group chia sẻ dưới góc nhìn là một nhà tuyển dụng nhé! 

1. Chuẩn bị kiến thức

Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) đến năm 2024, Việt Nam vẫn thiếu hụt 200.000 lập trình viên/kỹ sư hằng năm. Mỗi năm có khoảng 57.000 sinh viên IT tốt nghiệp, tuy nhiên chỉ có 35% đáp ứng nhu cầu nhanh nghiệp, số còn lại phải đào tạo lại. Qua thống kê trên, chúng ta thấy cơ hội cho ngành IT rất rộng lớn và có nhiều đãi ngộ. Tuy nhiên, cần xác định rõ ở đây là doanh nghiệp cần nguồn lực IT có chất lượng, có năng lực, chịu khó làm việc và có khả năng thích nghi trong môi trường công việc năng động. 

Vì thế điều đầu tiên và vô cùng quan trọng là các bạn sinh viên cần hiểu rõ các kiến thức từ các thầy cô, đó là các nền tảng cơ bản rất cần thiết để sau này khi đi làm các bạn sẽ nhanh chóng hoà nhập với môi trường làm việc thật sự. Nhưng để tạo ra sự khác biệt ngoài các kiến thức đã được dạy các bạn nên thực hành nhiều hơn và cập nhật thêm kiến thức mới về lĩnh vực mình đang học, qua đó bạn sẽ được đánh giá tốt và thực sự khác biệt so với các bạn còn lại, thể hiện thông qua sự trau dồi bản thân.

Hãy học hỏi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm và trao dồi kỹ năng thiết yếu cho vị trí công việc mà bạn nhắm tới. Để làm được điều này bạn cần tìm hiểu các công ty trên thị trường, đọc kỹ mô tả/yêu cầu công việc và dành thời gian chất lượng chuẩn bị trước khi nộp hồ sơ. Lấy ví dụ các vị trí lập trình viên Web, Mobile hay DevOps, bạn cần phải nắm nền tảng lập trình web, lập trình mobile, ngôn ngữ lập trình, frameworks, thiết kế cơ sở dữ liệu, giải quyết vấn đề, bảo mật cơ bản, quản lý source code (Git commands, Gitflow, Code Conflicts, Merge Requests), khả năng làm việc với các hệ điều hành họ Linux/Unix (Ubuntu, Debian, MacOS, Centos), setup môi trường phát triển Local (Docker, Nginx) và quy trình làm việc (Agile/Scrum) . Đặc biệt hơn, trong thời đại Chat GPT đang bùng nổ, bạn cần học được cách cộng tác với các loại “Bots" như thế này nhằm hỗ trợ công việc và mang lại hiệu quả cao nhất.

Một số kiến thức cơ bản theo từng vị trí mà bạn có thể tham khảo:

- Vị trí Frontend: 

  • Nắm các kiến thức về Responsive Web Design, DOM, HTML5, CSS 3, Javascript ES 6, TypeScript, basic testing/ debugging.

  • Từng sử dụng ít nhất một library/framework như: React, Vuejs, Angular, NextJS, Nuxt.

- Vị trí Backend: 

  • Nắm vững các kiến thức về Cấu trúc dữ liệu & Giải thuật, OOP, SVM.

  • Biết ít nhất một ngôn ngữ Backend phổ biến như JavaScript, PHP, Python, Go, C#, Java.

- Vị trí Mobile: các kiến thức cơ bản về Kotlin(Android), Swift(IOS).

- Vị trí DevOps: 

  • OS: cài đặt package ( support by exist repo, manual), hiểu được boot init, run level.

  • Container: chạy service trong docker, build được docker images bằng dockerfile, nắm được kiến trúc của k8s, chạy được một service trong k8s và kết nối được.

  • Observation: cài đặt prometheus, elasticsearch, node-exporter and đẩy các metrics về prometheus hoặc elasticsearch, xây dựng dashboard trong grafana và kibana.

  • Network: hiểu ipv4 là gì, cách hoạt động của gói tin, đọc hiểu bảng route.

2. Lựa chọn môi trường làm việc phù hợp với định hướng của bản thân

Theo anh Tuấn, mỗi môi trường làm việc sẽ mang lại giá trị riêng, nên chọn lựa thế nào là tùy bạn. Với thời gian hơn 4 năm làm việc trong môi trường Outsourcing và hơn 10 năm trong môi trường Product, dưới đây là một số chia sẻ cá nhân của anh:

  • “Nhìn chung với môi trường Outsourcing, bạn sẽ cần hoàn tất khối lượng công việc càng lớn càng tốt trong thời gian tối thiểu, đối mặt với rất nhiều công nghệ thay đổi tùy theo mỗi dự án, chịu áp lực về thời gian hoàn tất, có khả năng ước lượng công việc tốt (do các dự án tính tiền dựa trên ước lượng theo tính năng - Main Hours/Days), có khả năng quản lý thời gian và biết hoạch định dự án và ước lượng thời gian hoàn thành, sẵn sàng overtime cũng như hỗ trợ ngoài giờ (do các dự án nước ngoài, trái múi giờ). Đổi lại, bạn sẽ có khả năng thích nghi cao với công nghệ, khả năng xây dựng dự án lõi nhằm tăng khả năng dùng lại, khả năng setup/configure/deploy lên server theo yêu cầu, khả năng ước lượng, hoạch định cải thiện theo thời gian (sau vài lần trượt), chịu áp lực tốt.

  • Với môi trường Product, bạn sẽ cần hướng đến yếu tố chất lượng sản phẩm (cả bên ngoài lẫn bên trong), thước đo cuối cùng là sự hài lòng của khách hàng, bạn sẽ cần release tính năng liên tục mỗi tuần, mỗi 2 tuần, nhận phản hồi và điều chỉnh cho phù hợp, cải thiện chất lượng bên trong thông qua quá trình Code Review & Refactoring. Bạn sẽ đối mặt với rất nhiều yêu cầu không chỉ của khách hàng sử dụng sản phẩm mà còn là nội bộ doanh nghiệp. Bên cạnh đó là nhiệm vụ đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, liên tục nhằm phục vụ khách hàng. Trong những mùa cao điểm (mùa bán hàng hay Marketing chạy campaigns) bạn cần phải đảm bảo khả năng chịu tải của hệ thống. Và còn rất nhiều nhiệm vụ khác nữa. Với tất cả yếu tố trên, bạn sẽ học được tính cẩn thận, chu đáo trong công việc, cách đo lường và cải thiện trải nghiệm khách hàng, xác định ưu tiên và ra quyết định, cách một hệ thống phát triển và trưởng thành qua thời gian, cách phát hiện và xử lý lỗi mà không ảnh hưởng đến khách hàng và cách quản trị một hệ thống lớn.”

“Trên đây là vài điều trải nghiệm, với mỗi doanh nghiệp, văn hoá, môi trường và công nghệ sẽ còn rất nhiều trải nghiệm khác đón chờ bạn tham gia. Tôi đảm bảo với bạn tất cả sẽ rất thú vị và là bài học để phát triển và đi xa hơn trong nghề nghiệp IT.” Anh Tuấn cho hay.

3. Liệt kê CV ít nhưng chắc chắn 

Với các bạn chưa có nhiều kinh nghiệm, đứng dưới góc độ là một nhà tuyển dụng, anh Tuấn chia sẻ khi chuẩn bị CV các bạn hãy nắm chắc những yếu tố sau:

  • Hãy hiểu rõ những điều mà các bạn học được trên trường. Vì đây chính là yếu tố tiên quyết mà Doanh nghiệp đánh giá về thái độ học tập cũng như công việc sau này của bạn.

  • Tìm hiểu rõ mô tả công việc cũng như thông tin về công ty mà bạn muốn ứng tuyển. Điều này có thể giúp bạn chuẩn bị kỹ những kiến thức cần có để match với yêu cầu công việc, qua đó cho thấy rằng bạn là một người cầu thị có tinh thần học hỏi và đây sẽ chính là điểm cộng cho bạn trong mắt nhà tuyển dụng.

  • CV không nên quá lan man liệt kê quá nhiều công nghệ mà mình không nắm rõ. Anh khuyên rằng các bạn nên “liệt kê ít nhưng chắc chắn”, chỉ cần bạn nắm chắc những gì bản thân liệt kê trong CV thì người phỏng vấn đã có góc nhìn khác về năng lực của bạn.

Bên cạnh đó, để giúp CV của bạn trở nên nổi bật hơn so với những bạn khác, các bạn hãy xây dựng các dự án cá nhân chất lượng trên GitHub và bắt buộc phải hiểu rõ toàn bộ source code, hoặc những dự án nhóm nhưng phải nắm rõ phần mình làm. Kỹ hơn nữa là liệt kê ra được những kinh nghiệm mà bản thân đã tích lũy được thông qua các dự án ấy. Cuối cùng, bạn có thể rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề thông qua ngôn ngữ lập trình tại các nền tảng thử thách lập trình hoàn toàn miễn phí: HackerRank, LeetCode, Geeks For Geeks, Topcoder.

Ngoài ra, các bạn có thể theo dõi bài viết “6 lỗi phổ biến khi viết CV khiến Newbie bị đánh rớt ngay vòng gửi xe” để giúp CV của mình trở nên chỉn chu hơn.

4. Xây dựng mạng lưới quan hệ rộng rãi

Để tìm kiếm các công việc phù hợp với bản thân, các bạn có thể truy cập một số trang web tìm việc uy tín như VietnamWorks inTECH. Đây là thương hiệu việc làm có đa dạng vị trí từ Software, Hardware/ Networking, QA/QC, Data, các ngành công nghệ mới…; và mở rộng cơ hội không chỉ với người đã có kinh nghiệm mà còn cho cả những sinh viên vừa tốt nghiệp.

Ngoài những trang web tìm việc uy tín, anh Tuấn gợi ý rằng các bạn nên tạo các mối quan hệ với các anh chị khối trên hoặc các bạn đồng môn. Vì đây chính là nguồn tìm việc giá trị giúp bạn nhanh chóng tìm kiếm được công việc phù hợp với bản thân. Việc tạo dựng với các anh chị và đồng môn là cách dễ dàng và hiệu quả nhất, chẳng hạn như sau này bạn cần tìm kiếm công việc bạn có thể hỏi han về những công ty anh/chị đang làm việc và các yêu cầu mà công ty đó cần là gì, . . . để bản thân có thể chuẩn bị tốt nhất. Bật mí, cũng nhờ mối quan hệ đồng môn mà anh Tuấn đã tìm được công việc đầu tiên và gắn bó với nó trong 3 năm. Đó thật sự là một công việc tuyệt vời và giúp anh Tuấn tích lũy nhiều kinh nghiệm kỹ thuật. Đặc biệt, thầy cô cũng là một trong những đơn vị chất lượng, chỉ cần bạn thể hiện tốt trong quá trình học tập, thầy cô sẽ giới thiệu bạn đến những công ty khác, giúp bạn gia tăng cơ hội nghề nghiệp.

Chỉ trong tầm 10 - 20 năm gần đây, đã có nhiều công nghệ mới ra đời, đã và đang phát triển như: ChatGPT, Machine Learning, Artificial Intelligence, Blockchain, Microservices, Cloud Services (SaaS), Mobile Development, HTML 5 / CSS 3, cũng như dần lụi tàn Apache Cordova, PhoneGap, Adobe Flash. Điều này đặt yêu cầu cho các bạn trẻ ngày nay cần liên tục thay đổi, học hỏi, đào luyện và ứng dụng công nghệ mới nhằm mang lại giá trị vượt trội cho doanh nghiệp. Do vậy, để thành công trong nghề nghiệp IT, anh Tuấn khuyên rằng các bạn nên có ít nhất 3 điều sau:

  • Trước tiên, chúng ta cần xác định rõ vị trí, vai trò và nhiệm vụ mà công việc cần hướng tới. Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành CNTT hiện nay sẽ có rất nhiều vị trí công việc như: Front End Developer, Back End Developer, Full Stack Developer, Software Developer, Mobile Developer, Blockchain Developer, AI/ML Engineer, DevOps, Manual & Automation QC, QA, Product Owner, Scrum Master, Project Manager, Business Analysis và còn rất nhiều vị trí khác. Để nắm rõ career path và những kiến thức cần có theo vị trí công việc mà bạn hướng tới, bạn có thể tìm hiểu tại trang Developer Roadmaps.

  • Điều thứ hai, đó là tố chất thiết yếu để thành công trong nghề: chủ động trong công việc (tự research giải quyết vấn đề, raise các vấn đề ngoài tầm càng sớm càng tốt), lắng nghe với thái độ cầu thị (tâm thái chiếc ly rỗng), hãy dành thật nhiều thời gian để nghiên cứu (quy tắc 10.000 giờ), học hỏi và ứng dụng những thứ mình chưa biết (Technology Radar, Stackoverflow Survey), hướng tới mục tiêu mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó khăn nhiều thử thách, có kế hoạch xây dựng và phát triển nghề nghiệp cho bản thân, cam kết, nỗ lực hết sức để hoàn thành nhiệm vụ được giao và tham vọng để làm điều tốt nhất. Nếu bạn xây dựng những tố chất này, không sớm thì muộn bạn sẽ đạt được vị trí mà mình mong muốn. 

  • Cuối cùng, chúng ta cần chú tâm quan sát môi trường và đồng nghiệp xung quanh để học hỏi từ họ, phát triển kỹ năng giao tiếp hiệu quả nhằm truyền đạt thông tin chuẩn xác và khéo léo thể hiện năng lực của mình. Hãy luôn tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp và hiệu quả với các thành viên khác trong công ty. Những mối quan hệ này sẽ mang lại giá trị và kết quả không ngờ đến.

Đôi nét về anh Phan Thanh Tuấn:

VietnamWorks inTECH

TẠO TÀI KHOẢN MỚI: XEM FULL “1 TÁCH CODEFEE” - NHẬN SLOT TƯ VẤN CV TỪ CHUYÊN GIA - CƠ HỘI RINH VỀ VOUCHER 200K