Với những thuận lợi như: nhu cầu nhân lực IT lớn, nền công nghệ hiện đại, phúc lợi xã hội toàn diện, cũng như sở hữu nền văn hóa đa dạng và thú vị, Nhật Bản luôn là một trong những quốc gia được các Lập trình viên mong muốn mở rộng nấc thang sự nghiệp tại nước ngoài quan tâm và cân nhắc.
Đây cũng chính là điểm đến đầu tiên trong chủ đề "“From Local to Global” ở tập tiếp theo của "1 Tách Codefee". Sở hữu bề dày kinh nghiệm 15 năm gắn bó với Nhật Bản cùng FPT Software từ vị trí BrSE, PM đến hiện tại là CPO phát triển nguồn lực và đội ngũ nhân sự cho FPT Japan, khách mời Trịnh Văn Thảo sẽ mang đến những góc nhìn thú vị về câu chuyện "IT xuất ngoại" tại xứ sở Phù Tang.
Cùng điểm qua những chia sẻ thú vị của khách mời trong Tập 7: “NHẬT BẢN - MIỀN ĐẤT HỨA CHO NGÀNH IT?”
1. Ngành IT đến năm 2030 dự kiến sẽ thiếu khoảng 300.000 người tại Nhật
Theo chia sẻ của anh Thảo, một trong những thách thức lớn mà xã hội Nhật Bản đang phải đối mặt là tình trạng dân số già hóa, dẫn đến sự thiếu hụt nguồn lao động trẻ. Dự báo cho thấy đến năm 2030, ngành IT tại Nhật Bản sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt khoảng 800.000 nhân lực.
Trước đây, Nhật Bản thường giải quyết vấn đề này bằng cách thuê ngoài (outsource) các công việc IT sang Trung Quốc, quốc gia nổi tiếng về đào tạo kỹ sư IT biết tiếng Nhật. Tuy nhiên, hiện nay, do những rủi ro liên quan đến bảo mật thông tin và vấn đề địa chính trị (Geopolitical Risks), việc outsource sang Trung Quốc đã phải giảm bớt, nhiều công việc buộc phải đưa trở lại Nhật Bản hoặc tìm đối tác khác. Điều này càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nhân lực IT.
Với nền văn hóa và tư duy tương đồng, khoảng cách địa lý không quá xa, và mối quan hệ chiến lược về chính trị, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để trở thành đối tác tin cậy của Nhật Bản. Kỹ sư IT Việt Nam hiện được đánh giá cao về chuyên môn và kỹ năng kỹ thuật, đồng thời việc đào tạo tiếng Nhật cũng đang được chú trọng. Tất cả những yếu tố này khẳng định vị thế của Việt Nam như một đối tác hàng đầu trong việc giúp Nhật Bản giải quyết hai vấn đề nan giải trên. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Việt Nam nâng cao năng lực và phát triển hơn nữa trong lĩnh vực IT.
2. Việt Nam được kỳ vọng sẽ giữ vai trò quan trọng hơn thay vì chỉ code và test
Để trả lời câu hỏi về chất lượng nguồn nhân lực IT tại Việt Nam và khả năng đáp ứng yêu cầu của thị trường Nhật Bản, anh Thảo nhận định rằng Việt Nam đã phần nào đáp ứng được, nhưng vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện.
Anh Thảo cho biết Việt Nam có lợi thế về lực lượng lao động trẻ và khả năng nhanh chóng tiếp thu các công nghệ mới. Do đó, các doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng kỳ vọng nhiều hơn vào vai trò của các kỹ sư IT Việt Nam trong quy trình phát triển phần mềm. Họ không chỉ mong đợi nhân sự Việt Nam thực hiện các công việc như coding và testing, mà còn muốn họ đảm nhiệm các vai trò cao hơn như tư vấn, phân tích, đưa ra giải pháp và thiết kế hệ thống.
Thực tế cho thấy, đã có nhiều kỹ sư Việt Nam đạt được những tiêu chuẩn này, nhưng số lượng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ thị trường Nhật Bản. Điều này đặt ra yêu cầu cần thiết cho Việt Nam trong việc tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng nhân lực IT.
3. Nhật thường coi trọng sự ổn định trong công việc hơn là sự đột phá, sáng tạo
Theo anh Thảo, người Nhật hay các khách hàng từ Nhật Bản thường coi trọng sự ổn định trong việc đảm bảo chất lượng hơn là những yếu tố hào nhoáng hay đột phá. Điều họ tìm kiếm là những nhân sự có khả năng làm việc nhóm tốt, có thể phối hợp cùng cả đội để đưa ra các giải pháp đảm bảo sản phẩm vận hành ổn định. Ngược lại, họ không quá ưu tiên những cá nhân quá sáng tạo nhưng lại thường làm việc độc lập hoặc gánh vác công việc một mình. Sự ổn định và phối hợp hiệu quả là những yếu tố mà thị trường Nhật Bản đánh giá cao trong môi trường phát triển phần mềm.
4. Nếu so sánh trước thời kỳ Covid với đầu năm 2024, đồng Yên giảm tầm 30%
Theo nhận định của anh Thảo, thực trạng biến động tỷ giá Đồng Yên đang khiến thị trường Nhật Bản trở nên kém hấp dẫn, không chỉ đối với người lao động nước ngoài mà còn với chính người dân trong nước.
Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ tích cực, việc Đồng Yên giảm giá có thể làm giá trị tiền tệ khi mang về Việt Nam giảm nhẹ so với trước đây. Dù vậy, mức thu nhập, cơ hội nâng cao năng lực, cũng như hệ thống giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng tại Nhật Bản vẫn rất đáng để trải nghiệm. Điều này có thể mở ra nhiều cơ hội quý giá cho những ai tìm kiếm sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp tại xứ sở hoa anh đào.
5. Trong giao tiếp, người Nhật rất ngại phủ định và không nói rõ ràng yes or no
Những mâu thuẫn khi giao tiếp do khác biệt văn hoá không chỉ diễn ra ở giữa hai quốc tịch khác nhau mà chỉ cần khác vùng miền trong cùng một nước thôi là đã có thể xảy ra hiểu lầm. Theo đó, IT làm việc tại môi trường Nhật Bản cũng cần lưu ý những đặc thù về văn hoá nước bạn. Một trong số đó chính là khi giao tiếp, người Nhật không nói rõ ràng yes or no, đặc biệt rất ngại việc phủ định ý kiến của người khác và thường tránh đưa ra những suy nghĩ, lập luận rõ ràng, trực tiếp mà để mọi người tự suy luận nhận ra. Điều này rất dễ dẫn đến những miscommunication không đáng có.
Đừng quên đón chờ những tập tiếp theo của “Một Tách Codefee” vào lúc 20h, Thứ 5 cuối cùng mỗi tháng, trên Fanpage và Youtube VietnamWorks inTECH nhé!
Tìm hiểu thêm chương trình TẠI ĐÂY
TẠO TÀI KHOẢN MỚI: XEM FULL “1 TÁCH CODEFEE” - NHẬN SLOT TƯ VẤN CV TỪ CHUYÊN GIA - CƠ HỘI RINH VỀ VOUCHER 200K