Từ việc xác định hướng đi chiến lược cho sản phẩm đến việc đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đội nhóm phát triển, Product Owner là nhân tố chính quyết định sự thành công của mọi dự án công nghệ.
Trong Tập 6, "1 Tách Codefee" đã đưa bạn vào thế giới của Product Owner – vị trí quan trọng trong việc quyết định thành công hay thất bại của một sản phẩm. Qua lăng kính của chị Nguyễn Thị Thảo Quyên – Product Manager tại Navigos Group cùng với host Hiếu PC, khán giả sẽ được lắng nghe những câu chuyện, bài học và lời khuyên quý giá để trở thành một Product Owner thành công.
Hãy cùng điểm lại những chia sẻ ấn tượng từ khách mời trong Tập 6: “PRODUCT OWNER - NGƯỜI QUYẾT ĐỊNH SỰ THÀNH BẠI CỦA SẢN PHẨM”
1. Nhảy việc hay làm lâu đều có 2 mặt, quan trọng là mình có đang tạo được giá trị hay không
Theo chị Thảo Quyên, nhảy việc có thể giúp mở rộng kiến thức nhờ tiếp xúc với nhiều dự án khác nhau. Tuy nhiên, chị cũng nhấn mạnh rằng không nhất thiết phải thay đổi công ty để học hỏi thêm; ngay cả khi gắn bó lâu dài tại một nơi, mọi người vẫn có thể liên tục cập nhật kiến thức qua công việc. Vì theo quy trình Agile/Scrum, sản phẩm được phát hành liên tục, dẫn đến việc các tùy chỉnh hệ thống, quy trình và báo cáo cũng thường xuyên được cập nhật. Đặc biệt, khi doanh nghiệp thay đổi mô hình kinh doanh, hệ thống phải thích ứng, thậm chí có thể cần cải tiến toàn diện.
Chị khẳng định rằng việc nhảy việc hay gắn bó lâu dài đều có những ưu và nhược điểm riêng. Điều quan trọng nhất vẫn là người đó có thực sự tạo ra giá trị cho công ty, đội nhóm, hệ thống và cho bản thân mình hay không.
2. Các bạn nam đang mất lợi thế hơn các bạn nữ đối với vị trí Product Owner
Chị Quyên cho rằng các bạn nữ thường phù hợp hơn với vai trò Product Owner (PO), bởi họ thường chú trọng đến chi tiết, sâu sắc, và có khả năng thấu hiểu người dùng tốt hơn. Nhờ vào kỹ năng giao tiếp vượt trội, họ có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến những chi tiết nhỏ trong hệ thống. Vì vậy, “Quyên nhận thấy các bạn nam có thể gặp một chút bất lợi khi đảm nhận vị trí PO”.
Tuy nhiên, chị cũng nhấn mạnh rằng dù là nam hay nữ, ai có nhiều kinh nghiệm hơn về hệ thống hay nền tảng đó sẽ luôn có ưu thế vượt trội.
3. Product Owner không cần am hiểu sâu về kỹ thuật
Theo chị Quyên, là một Product Owner các bạn chỉ cần có kiến thức nhất định về kỹ thuật cũng như hiểu rõ sản phẩm mà họ đang phát triển. Tuy nhiên, chị cho rằng không cần thiết phải am hiểu quá sâu về mặt kỹ thuật. Bởi khi quá tập trung vào chi tiết kỹ thuật, PO có thể dễ dàng tự giới hạn ý tưởng, bỏ lỡ những ý tưởng sáng tạo chỉ vì cho rằng chúng khó thực hiện. Thay vào đó, hãy tận dụng sự hỗ trợ từ các Technical Lead trong nhóm. Họ sẽ đưa ra những tư vấn cần thiết, giúp PO tập trung vào việc phát triển sản phẩm một cách hiệu quả hơn.
4. Một Product Owner thành công các bạn cần am hiểu user và sản phẩm
Chị Quyên cho rằng đối với một Product Owner, việc thấu hiểu người dùng là kỹ năng vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, "hiểu" ở đây không chỉ đơn giản là hiểu những gì người dùng nói, mà còn phải nắm bắt được những "pain points" mà họ đang gặp phải. Điều này đòi hỏi PO cần biết cách đặt câu hỏi để khám phá sâu hơn về vấn đề mà người dùng đưa ra, từ đó xác định được gốc rễ của vấn đề và phát triển sản phẩm đúng hướng. Việc này giúp tránh lãng phí thời gian cho cả team, đặc biệt là các developer, khi họ không phải làm đi làm lại nhiều lần, đảm bảo tiến độ và sự hài lòng trong quá trình phát triển.
Ví dụ, khi người dùng muốn đạt được mục tiêu A, họ có thể nghĩ rằng giải pháp B sẽ giúp họ giải quyết vấn đề, nhưng vì không phải người làm kỹ thuật, đôi khi B lại không thật sự phù hợp. Vấn đề là họ không chia sẻ rõ mục tiêu A với PO. Vì vậy, trách nhiệm của PO là phải nhận ra được mục tiêu thực sự (A) và từ đó tư vấn một giải pháp hiệu quả hơn.
Để thực sự am hiểu người dùng, yếu tố quan trọng nhất chính là kinh nghiệm. Điều này không đến từ những mẹo vặt hay bí quyết phức tạp, mà từ quá trình làm việc lâu dài, tranh luận thường xuyên, và cả những lần hiểu nhầm hoặc mắc sai lầm. Những trải nghiệm đó giúp PO hiểu rõ hơn về người dùng, từ đó đưa ra các giải pháp chính xác và phù hợp hơn.
Đối với người dùng bên ngoài (external users), ngoài việc sử dụng các công cụ để thu thập hành vi người dùng, một Product Owner cần có cái nhìn nhạy bén, đi trước và hiểu rõ nhu cầu của người dùng, từ đó định hướng sản phẩm theo cách phù hợp nhất.
Đừng quên đón chờ những tập tiếp theo của “Một Tách Codefee” vào lúc 20h, Thứ 5 cuối cùng mỗi tháng, trên Fanpage và Youtube VietnamWorks inTECH nhé!
Tìm hiểu thêm chương trình TẠI ĐÂY
TẠO TÀI KHOẢN MỚI: XEM FULL “1 TÁCH CODEFEE” - NHẬN SLOT TƯ VẤN CV TỪ CHUYÊN GIA - CƠ HỘI RINH VỀ VOUCHER 200K