Hành trình từ một Software Engineer trở thành Engineering Manager (EM) chưa bao giờ là dễ dàng. Bởi vị trí này không chỉ yêu cầu cao về chuyên môn mà còn đòi hỏi về kỹ năng quản lý đội nhóm.

Vì vậy trong bài viết này, VietnamWorks inTECH sẽ mang đến một góc nhìn rõ rệt hơn về vị trí Engineering Manager dưới sự chia sẻ của hai diễn giả đến từ Money Forward Vietnam (MFV), đó là anh Phạm Bá Đạt và anh Nguyễn Hà Nhân hay còn được mọi người gọi với cái tên thân mật là anh Bill và anh Aldo.

Đầu tiên anh Bill và anh Aldo có thể chia sẻ lộ trình trở thành Engineering Manager của mình và đâu là cột mốc đáng nhớ nhất trong hành trình sự nghiệp của hai anh?

Anh Bill: “Sau khi ra trường và đi làm khoảng 3-4 năm thì anh đã đảm nhận vai trò của 1 team leader, cho dự án khoảng 2-4 người và anh chịu trách nhiệm đảm bảo tiến độ và chất lượng của dự án cũng như hỗ trợ và hướng dẫn các thành viên trong nhóm. Khi vào MFV, anh bắt đầu là 1 Senior Software Engineer, sau đó được sếp tin tưởng giao cho làm team leader cho 1 dự án, rồi trở thành Section Manager, và  Engineering Manager (EM) vào giữa năm 2022. Đó cũng là 1 cơ duyên đối với anh, thực sự là lúc ấy anh cũng chưa đủ tự tin để trở thành 1 EM, nhưng anh Tobe - sếp của anh lúc đó đã tin tưởng và đề xuất anh đảm nhận vị trí này. “Nếu không thử thách mình, thì sao biết mình có phù hợp không.” là câu nói của anh ấy với anh lúc đó.”

Anh Aldo: “Anh  gia nhập MFV vào khoảng giữa năm 2019 với vai trò là một Senior Software Engineer. Lúc đó anh tham gia vào một dự án có sẵn, liên quan đến hoá đơn và giao dịch trực tuyến. Sau hơn một năm thì anh được tin tưởng giao trọng trách để bắt đầu một dự án hoàn toàn mới.

Việc được tham gia vào những dự án ở những giai đoạn khác nhau, xây dựng những sản phẩm từ lúc sơ khai cho đến khi thành hình và tiếp tục phát triển, đã cho anh cơ hội để trở thành Leader, Section Manager và là Engineering Manager (EM) như hiện tại.

Cột mốc đáng nhớ nhất có lẽ là việc được chọn để trở thành kỹ sư đầu tiên của một dự án hoàn toàn mới. Đối với anh đó là sự kỳ vọng từ cấp quản lý, sự háo hức từ trải nghiệm bản thân và trách nhiệm.”

Theo hai anh những kỹ năng mà một Engineering Manager cần có tại MFV là gì? 

Anh Bill: “Ở MFV, EM sẽ phụ trách quản lý dự án và con người trong dự án đó, nên 2 kỹ năng quản lý dự án và phát triển con người là rất cần thiết.

  • Về phía dự án: EM sẽ cần có kỹ năng lên kế hoạch, thực hiện, theo dõi và quản lý tiến độ công việc của cả nhóm và đảm bảo dự án đúng tiến độ và có chất lượng cao nhất.

  • Về phía con người: Trong quá trình phát triển dự án, EM sẽ làm việc nhiều với các thành viên trong nhóm: hỗ trợ, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm với các bạn; lắng nghe, cùng đồng hành với các bạn trong quá trình phát triển bản thân của các bạn và cả nhóm. Vì vậy các kỹ năng mềm như giao tiếp, lắng nghe, khích lệ, động viên … là rất cần thiết.”

Anh Bill - Engineering Manager tại Money Forward Vietnam

Anh Aldo: “Theo anh thì một EM nên có những tố chất sau:

- Sự chính trực: Anh nghĩ điều này không chỉ quan trọng với EM như mình, mà còn với tất cả các cấp quản lý khác, vì nó sẽ giúp xây dựng được niềm tin nơi đồng đội và tạo không khí làm việc hợp tác giữa các thành viên trong nhóm cũng như tổ chức.

- Tích cực: Anh luôn cố gắng giữ suy nghĩ tích cực và lan toả năng lượng đó tới những đồng nghiệp xung quanh, vì nó giúp anh bình tĩnh khi phải xử lý những tình huống thử thách của đội nhóm cũng như bản thân.

- Chia sẻ: Cùng nhau phát triển là điều anh thực sự tâm đắc khi làm việc nhóm. Chính vì vậy, việc giao tiếp tốt trở nên rất quan trọng. Những trải nghiệm dù thành công hay thất bại đều là những bài học đáng quý. Thường xuyên giao tiếp và chia sẻ sẽ giúp mình có thêm nhiều góc nhìn, hiểu đồng đội, và dễ dàng cùng nhau hướng tới mục tiêu chung.”

Đâu là thách thức khi là một EM và cách hai anh vượt qua thử thách đó là gì?

Anh Bill: “Khi mới trở thành EM, anh gặp khá nhiều khó khăn trong việc cân bằng giữa thời gian cho dự án/nhóm và các công việc ở phía công ty. Trước kia anh có nhiều thời gian dành cho dự án/nhóm hơn, cùng các thành viên phát triển các tính năng, sản phẩm… Nhưng khi là EM rồi thì anh cũng phải tham gia nhiều hơn các công việc phía công ty như phỏng vấn, phát triển cộng đồng Ruby ... 

Quản lý tốt thời gian và năng lượng của bản thân là cách anh vượt qua khó khăn đó. Anh lên kế hoạch cho các công việc chính trong tuần/ngày và sắp xếp các công việc đó cùng với các công việc nhỏ khác cho hợp lý. Anh cũng giữ cho năng lượng của bản thân được tái tạo và không bị khủng hoảng thông qua 1 vài thói quen như chơi thể thao, ăn uống, nghỉ ngơi điều độ, thư giãn và kết nối với gia đình, bạn bè nhiều hơn.”

Anh Aldo: “Anh chập chững bước vào làng EM, nên nhìn đâu cũng là thách thức. Anh luôn trăn trở làm thế nào để có thể tạo cơ hội và phát triển được khả năng của nhân viên; điều động nhân lực cho những dự án và công việc cụ thể; cũng như mở rộng tầm nhìn để suy nghĩ về tương lai xa hơn cho dự án và công ty nói chung.

Anh xuất thân từ kỹ sư nên cũng gặp nhiều trở ngại và bỡ ngỡ khi phải tập nghĩ về những điều mình kể trên. May mắn thay là ở MFV anh có thể dễ dàng tham khảo ý kiến từ sếp trực tiếp cho đến …sếp của sếp. Bên cạnh đó, nhờ các buổi trao đổi 1:1 định kỳ (cũng là một nét văn hoá đặc biệt của MFV), anh có cơ hội để lắng nghe nguyện vọng của các thành viên, trao đổi các giải pháp, theo sát và kịp thời hỗ trợ khi các bạn gặp khó khăn.

Một điểm nữa anh thật sự biết ơn là MFV thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo về kỹ năng lãnh đạo dành cho lớp Middle Manager (tay mơ như anh). Anh đã thật sự học hỏi và cố gắng áp dụng rất nhiều trong công việc hàng ngày.”

Anh Aldo - Engineering Manager tại Money Forward Vietnam

Theo VietnamWorks inTECH được biết, vai trò EM sẽ nghiêng về quản lý con người hơn, vậy làm thế nào để anh có thể luôn cập nhật những công nghệ mới cũng như duy trì và phát triển chuyên môn của mình?

Anh Bill: “Review code, xem xét và thảo luận về giải pháp technical với các thành viên trong nhóm giúp anh củng cố và phát triển thêm chuyên môn, đồng thời có nhiều cơ hội chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ mọi người phát triển kỹ thuật hơn. Ngoài ra anh còn tham gia cộng đồng Ruby và cross-department techleads team trong công ty, cùng trao đổi và chia sẻ các kinh nghiệm về technical trong từng dự án, từ đó anh học hỏi được rất nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm mới từ các thành viên khác. Cuối cùng là dành thời gian đọc thêm blog về technical.”

Anh Aldo: “Anh là người thích những hoạt động yêu cầu sự kiên nhẫn cao độ. Vì vậy, anh vẫn luôn có một niềm đam mê với công nghệ và thích nghiên cứu về nó. Anh luôn cố gắng sắp xếp thời gian để tìm hiểu về những chủ đề anh thích hoặc có thể là phù hợp với tình hình của nhóm, dự án tại thời điểm hiện tại.

Mặc dù vậy, như VietnamWorks inTECH đã đề cập, EM sẽ phải dành thời gian để quản lý con người nữa, nên nó sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến thời gian anh dành cho sở thích trên. Tuy nhiên, anh không coi đó là trở ngại, mà lại là cơ hội cho một thử thách mới. 

Dạo gần đây anh chợt nhận ra rằng, việc kích thích ý tưởng để các bạn trong nhóm tìm hiểu về một chủ đề nào đó thật sự rất thú vị. Nghĩa là anh gợi ý một công nghệ nào đó, và giao cho một hoặc nhiều bạn cùng tìm hiểu để đưa ra giải pháp. Từ đó, các bạn sẽ có cơ hội để tự tìm tòi học hỏi về chủ đề mình thích, có cơ hội để phát triển khả năng trình bày trước nhóm, khả năng tranh luận khi trả lời câu hỏi. Những người khác sẽ có cơ hội để học hỏi thêm về những điều mới mẻ, trong đó có cả anh. Qua đó tạo nên một môi trường mà chia sẻ là một thói quen giúp nhau phát triển.”

Nếu có cơ hội quay ngược thời gian lúc anh còn trẻ,  hai anh có lời khuyên nào dành cho chính mình cũng như các bạn trẻ định hướng trở thành EM không?  

Anh Bill: “Nếu được quay lại anh sẽ nói với bản thân anh khi còn trẻ là:

  • Học tập và phát triển tốt kỹ năng chuyên môn của mình

  • Trau dồi và thực hành các kỹ năng quản lý đội nhóm, các quy trình về quản lý dự án

  • Dành nhiều thời gian giao tiếp với mọi người để có thể lắng nghe và thấu hiểu mọi người hơn

  • Cuối cùng là tự tin chấp nhận thử thách ở các vị trí mới.”

Anh Aldo: “Từ kinh nghiệm của mình thì có 3 điều mà anh muốn chia sẻ với các bạn trẻ đó là:

  • Chăm chỉ.

  • Dám làm, dám sai, dám chịu trách nhiệm, có tinh thần học hỏi.

  • Trước khi được làm thứ mình thích thì hãy tập thích thứ mình đang làm.”

Cảm ơn những chia sẻ của anh Bill và anh Aldo

Lời kết

Có thể thấy, việc trở thành Engineering Manager chưa bao giờ là dễ dàng và mỗi cá nhân đều sẽ đối mặt với những thách thức và khó khăn của riêng mình. Tuy nhiên, chỉ cần bạn luôn tin tưởng vào khả năng của bản thân, dám nghĩ dám làm và luôn trong tinh thần chấp chận thử thách thì chắc hẳn bạn sẽ học hỏi được rất nhiều điều và tìm thấy niềm vui riêng trong công việc. 

Ngoài ra, như anh Bill và anh Aldo đã chia sẻ, nhờ vào các chính sách đào tạo và phát triển nhân sự của Money Forward Việt Nam (MFV), là chi nhánh nước ngoài đầu tiên của Money Forward - tập đoàn công nghệ tài chính lớn của Nhật Bản, đã phần nào giúp hai anh vượt qua những thách thức cũng như phát triển kỹ năng nghề nghiệp của mình hơn. 

Tiếp nối sứ mệnh của tập đoàn "Money Forward. Move your life forward", MFV đã luôn vận dụng triết lý đầu tư nhân sự, hỗ trợ nhân viên để mọi người được phát triển toàn diện với chính sách L&D và phúc lợi hiện tại. Bên cạnh các buổi đào tạo chuyên môn thì các Forwardian (tên gọi của nhân sự tại MFV) luôn có cơ hội hiểu về Value và Culture thông qua những buổi workshop, thảo luận sâu, . . . . 

Đôi nét về anh Phạm Bá Đạt và anh Nguyễn Hà Nhân:

VietnamWorks inTECH