Đến với tập 4 của chuỗi Podcast Video Một Tách Codefee, anh Trần Duy Vinh - Operation Director tại Secutix, Elca Việt Nam đã cùng anh Hiếu PC tán gẫu về những câu chuyện thú vị về startup trong ngành Tech. 

1. Mô hình Startup Intrapreneurship là gì?

Dù cùng mang tinh thần startup nhưng Intrapreneurship và entrepreneurship là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Intrapreneurship được bắt đầu trong một doanh nghiệp và trong quá trình khởi nghiệp họ nhận được sự hỗ trợ từ công ty mẹ với mục đích sáng kiến hoặc cải thiện sản phẩm. Trong khi, Entrepreneurship dùng để chỉ những startup “tự lực cánh sinh” để hiện thực ý tưởng của mình.

Anh Vinh chia sẻ hiện nay rất nhiều công ty lớn trên thế giới đã áp dụng mô hình này, ví dụ:

  • Facebook đã khuyến khích Intrapreneurship thông qua các dự án như Facebook Like button và Facebook Live, được phát triển bởi các nhân viên trong công ty.

  • Google đã cho phép nhân viên dành một phần thời gian làm việc tự do trên các dự án mới thông qua chương trình "20% time," góp phần tạo ra nhiều sản phẩm và dự án mới, Gmail là phần mềm được phát triển thông qua Intrapreneurship.

 Với những điểm khác biệt về bản chất như vậy, mô hình này mang lại rất nhiều lợi ích, đặc biệt đây là một hướng đi tiềm năng dành cho IT muốn startup nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm:

  • Không có rủi ro tài chính: Khi tham gia Intrapreneurship, các thành viên sẽ không phải chịu các rủi ro liên quan đến tài chính bởi vì đã có công ty mẹ hỗ trợ.

  • Tăng cường sáng tạo và đổi mới: mô hình được nuôi dưỡng trong nội bộ doanh nghiệp với mục đích đi tìm các ý tưởng cải tiến hoặc, phát triển sản phẩm/dịch vụ mới giống như một startup thực thụ.

  • Nhân viên học được cách thức làm sản phẩm chuyên nghiệp: bởi vì được kế thừa từ những giá trị từ công ty mẹ nên các thành viên sẽ học hỏi được nhiều kỹ năng: quy trình quản lý team lớn làm product, kỹ năng kỹ thuật chuyên sâu để giải các bài toán đáp ứng tải lớn, các công nghệ mới trong quá trình phát triển hay cải tiến/tái phát triển sản phẩm...

Tuy nhiên, anh Vinh cũng lưu ý với những bạn mong muốn theo đuổi hướng đi này cần phải có sự kiên nhẫn. Bởi trong quá trình phát triển, phải chấp nhận có lúc cần đập đi xây lại sản phẩm để tiếp tục phát triển hay mở rộng tập khách hàng mới.

Việc làm CNTT lương thưởng hấp dẫn, mới nhất dành cho bạn!

2. Startup chỉ cần ý tưởng hay là đủ?

Chắc chắn một điều rằng chúng ta không thể nào startup mà thiếu sản phẩm, trong quá trình phát triển sản phẩm, nhiều người cho rằng chỉ cần có ý tưởng hay là đủ. Thế nhưng, với kinh nghiệm hơn 20 năm trong ngành, anh Vinh cho rằng “Ý tưởng chỉ là điểm khởi đầu và để đạt được thành công của startup - nghĩa là sản phẩm đã thương mại hóa, có nhiều khách hàng và đạt được quy mô mong muốn thì cần rất nhiều công đoạn và năng lực khác: phát triển sản phẩm đạt chất lượng cao, tính năng tốt, có sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh, mang lại giá trị cho Khách hàng; ngoài ra còn phải biết cách làm marketing, sales; cũng như các việc quản trị doanh nghiệp như tài chính, nhân sự, . . .”

1 tách codefee, vietnamworks intech

3. Nên chọn khởi nghiệp hay khởi nghề?

Kinh tế toàn cầu giảm sút sau hậu Covid và Việt Nam có nền kinh tế mở nên dẫn đến ít nguồn lực đầu tư vào startup, không những thế nhiều công ty gặp khó khăn buộc phải sa thải nhân sự. Tuy nhiên, theo góc nhìn của anh Vinh ở thời điểm hiện tại startup Việt Nam vẫn còn nhiều điểm sáng và cơ hội phát triển:

  • Công nghệ mới như AI/ChatGPT đang phát triển như vũ bão, hứa hẹn sẽ bùng nổ trong những năm tới.

  • Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn về phát triển phần mềm ở châu Á sau khi Mỹ và Việt Nam ký kết hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn, nhiều công ty lớn tiếp tục tăng quy mô (Samsung, Apple...) 

Tuy thị trường startup Việt vẫn còn nhiều điểm sáng như thế, nhưng theo anh Vinh giữa bối cảnh kinh tế đầy biến động này các bạn trẻ hãy khoan khởi nghiệp mà thay vào đó tập trung tích lũy kinh nghiệm, trau dồi thêm một số kỹ năng quản lý, đặc biệt là nghiên cứu các trào lưu công nghệ mới như AI/ChatGPT để tự mình làm tốt hơn công việc hiện tại. Hoặc các bạn có thể xin vào làm các startup trong doanh nghiệp để học hỏi cách làm sản phẩm tốt, cho đến khi kinh tế phát triển mạnh trở lại, nhiều nhà đầu tư hơn...thì nhiều cơ hội tới các bạn sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn.

Lời kết

Có thể thấy startup luôn là mảnh đất tiềm năng cho những bạn IT muốn khai phá bản thân. Tuy nhiên, đây là thời điểm mà còn bạn nên tập trung tích lũy kinh nghiệm, để đón chờ sự bùng nổ trở lại của thị trường startup.

VietnamWorks inTECH