Trong thế giới giải trí sống động và phát triển không ngừng, công nghệ thực tế ảo (VR) đã nổi lên như một cơn sóng mạnh mẽ, thay đổi cách chúng ta trải nghiệm trò chơi điện tử. Từ những trải nghiệm hoàn toàn mới đầy ấn tượng đến việc mở ra cánh cửa cho sự sáng tạo không giới hạn, VR đã mang lại một làn gió mới cho ngành công nghiệp game. Tuy nhiên, như một con dao hai lưỡi, đi kèm với những mặt tích cực thì nhiều chuyên gia lo ngại rằng công nghệ này sẽ gây ra nhiều rủi ro đối với người chơi.

Trong bài viết này, hãy cùng VietnamWorks inTECH lắng nghe anh Nguyễn Hưng Tuấn Anh (Kody A. Nguyen) - đạo diễn kỹ thuật và CTO của Effoma, một thành viên của Meta Spark Partner, sẽ chia sẻ quan điểm của anh về sự phát triển và những thách thức mà VR mang lại cho ngành game, liệu nó có thể là "con dao hai lưỡi" đối với sự tiến bộ của ngành này không nhé.

1. Cơ hội và tích cực từ Công nghệ thực tế ảo trong ngành game

Theo chia sẻ của anh Kody, công nghệ thực tế ảo (VR) đã mở ra một loạt cơ hội và tiềm năng mới trong ngành game, mang lại những lợi ích và trải nghiệm độc đáo cho người dùng và nhà phát triển game:

  • Trải nghiệm chơi game mới mẻ và chân thực là điều mà VR mang lại. Người chơi có thể đắm chìm hoàn toàn vào thế giới ảo, tương tác một cách tự nhiên và trực tiếp với môi trường xung quanh, tạo ra trải nghiệm sâu sắc hơn so với game truyền thống.

  • Khả năng tương tác cao của VR cung cấp cho người chơi cảm giác như thực sự đang tham gia vào thế giới ảo. Ví dụ, trong trò chơi bắn súng VR, người chơi có thể nấp sau chướng ngại vật, nhắm bắn kẻ địch và cảm nhận được sự giật của súng.

  • VR mở ra không gian sáng tạo mới cho các nhà phát triển game, giúp họ tạo ra những trò chơi độc đáo và tuyệt vời hơn bao giờ hết. Sự tương tác và chi tiết của thế giới ảo cũng được nâng cao lên đáng kể.

  • Mở rộng thị trường và tăng doanh thu cũng là một lợi ích quan trọng cho doanh nghiệp. Các thể loại game VR có thể thu hút những người chơi mới và giúp các nhà phát triển tiếp cận thị trường quốc tế một cách dễ dàng hơn.

  • Cuối cùng, VR còn có thể thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ khác như phần cứng, phần mềm, trí tuệ nhân tạo và blockchain, tạo nên một hệ sinh thái phong phú và đa dạng trong ngành công nghiệp game.

  • Ngoài ra, việc ứng dụng VR không chỉ dừng lại ở thế giới game. Nó còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và đào tạo. Tại một số quốc gia, VR có thể được sử dụng để luyện tập thể dục thể thao, điều trị một số bệnh lý như lo âu và trầm cảm, cũng như nâng cao hiệu quả đào tạo trong nhiều lĩnh vực.

Anh Kody cũng chia sẻ thêm “Cùng với sự ra mắt của Apple Vision Pro vào tháng 2 năm 2024 vừa qua, công nghệ thực tế ảo cho thấy sức cuốn hút của nó với các tập đoàn lớn và nhà đầu tư, là cơ hội vàng ngay bây giờ để nắm bắt trào lưu của một cuộc định hình lại công nghệ của thế kỷ, kể từ kỷ nguyên điện thoại thông minh và cảm ứng thay thế dần điện thoại phím số truyền thống.” 

Anh Kody đang trải nghiệm Apple Vision Pro và Meta Quest Pro

2. Thách thức và khó khăn khi sử dụng công nghệ thực tế ảo trong ngành game

Công nghệ thực tế ảo (VR) không chỉ mở ra những cơ hội mới mà còn đối mặt với nhiều thách thức đáng kể đối với người chơi cũng như các lập trình viên game. Những thách thức này bao gồm:

  • Kỹ năng chuyên sâu và nguồn lực tài chính dồi dào: Phát triển game VR đòi hỏi kiến thức chuyên sâu về công nghệ VR và kỹ năng kỹ thuật cao. Đồng thời, chi phí phát triển nội dung VR cao hơn so với game truyền thống, yêu cầu nguồn lực tài chính dồi dào. Cần tối ưu hóa trải nghiệm VR để giảm thiểu các vấn đề như say tàu xe, buồn nôn và mỏi mắt, đồng thời thiết kế nội dung VR cần phù hợp với đối tượng người chơi khác nhau.

  • Khả năng tương thích với nhiều thiết bị: VR khác nhau và cần phải đối mặt với các rủi ro về an ninh mạng như tấn công mạng và đánh cắp thông tin cá nhân. Việc sử dụng VR quá nhiều có thể gây ra mỏi mắt, khô mắt và cận thị, đặt ra thách thức về sức khỏe.

  • Thiếu hụt nhân sự và thị trường còn non trẻ: Ngành công nghiệp game VR đang thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và kinh nghiệm phát triển game VR, và thị trường VR vẫn còn non trẻ và chưa được phổ biến rộng rãi, tạo ra thách thức trong việc tiếp cận người chơi và tạo ra doanh thu ổn định. Đồng thời, VR còn phải đối mặt với thách thức trong việc tái tạo phản hồi và cảm giác thực tế, đảm bảo rằng trải nghiệm của người chơi là một phần không thể tách rời khỏi thế giới ảo.

  • Còn đối với phía người dùng việc dành quá nhiều thời gian cho game VR có thể khiến người chơi mất kết nối với thế giới thực và các mối quan hệ xã hội. Người chơi có thể trở nên cô lập và ít giao tiếp với thế giới bên ngoài. Ngoài ra, nhiều người đánh giá quá cao công nghệ AR/VR, những vấn đề của cuộc sống có thể hoàn toàn giải quyết mà không cần tới công nghệ này. Vì vậy khi tích hợp công nghệ này, hãy suy nghĩ và phân tích thật kỹ tại sao cần phải sử dụng giải pháp này mà không sử dụng những giải pháp hiện hữu.

3. Công nghệ thực tế ảo (VR) là con dao hai lưỡi đối với ngành game?

Chia sẻ về quan điểm này anh Kody cũng cho rằng mặc dù VR mang lại những trải nghiệm game mới mẻ và tuyệt vời, nhưng cũng đồng thời đối diện với những thách thức và hạn chế không nhỏ.

Trước hết, khi nhìn vào mặt tích cực, VR mở ra một thế giới game hoàn toàn mới, nơi mà người chơi có thể tương tác với môi trường một cách chân thực và sâu sắc hơn bao giờ hết. Sự hòa mình vào thế giới ảo mang lại trải nghiệm sống động và hấp dẫn, kích thích sự tò mò và sự hứng thú của người chơi.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng VR cũng đối mặt với những thách thức đáng kể. Đầu tiên, giá thành cao và yêu cầu về phần cứng mạnh mẽ có thể làm cho việc tiếp cận VR trở nên khó khăn đối với một số người chơi. Ngoài ra, vấn đề về say sóng cũng là một thách thức đáng lưu ý, khiến cho một số người không thể thưởng thức trò chơi VR một cách thoải mái.

Anh Kody cho hay “Vì vậy, dưới góc độ này, chúng ta có thể thấy rằng VR thực sự là một "con dao hai lưỡi" đối với ngành game. Mặc dù VR hứa hẹn mở ra những cơ hội mới, nhưng để khai thác được tiềm năng đó, ngành game cần phải đối mặt và vượt qua những thách thức và rủi ro đi kèm.

4. Tầm quan trọng của việc tạo ra nội dung game VR chất lượng

Anh Kody chia sẻ rằng khi tiến hành phát triển nội dung VR, điều cốt lõi nhất là mang lại cho người dùng những trải nghiệm chân thực và hấp dẫn. Đối với anh, việc này đòi hỏi sự cẩn thận và sự tinh tế trong việc thiết kế đồ họa, âm thanh và các yếu tố khác để tạo ra một thế giới ảo sống động và cuốn hút.

Anh cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của tính tương tác và sự thú vị trong trải nghiệm VR. Anh lưu ý rằng nội dung VR cần được thiết kế sao cho khuyến khích sự tương tác và khám phá, giúp người chơi tương tác với môi trường ảo một cách tự nhiên và trực tiếp.

Một điểm không kém đó là an toàn cho người chơi. Anh nhấn mạnh về việc tránh các yếu tố có thể gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là với trẻ em. Anh khuyến nghị cần lưu ý đến thời gian chơi, độ tuổi phù hợp và các yếu tố khác để đảm bảo an toàn cho người chơi, cũng như là cần phù hợp với đối tượng mục tiêu, để từ đó các nhà phát triển game có thể thiết kế phù hợp với từng đối tượng người chơi khác nhau, dựa trên sở thích, nhu cầu và khả năng của họ.

Cuối cùng, anh Kody nhấn mạnh về việc nội dung VR cần phải có chất lượng cao và hấp dẫn để thu hút người chơi. Anh tin rằng tính hoàn thiện, sự sáng tạo và giá trị giải trí của nội dung VR là yếu tố quyết định cho sự thành công của sản phẩm.

5. Những yếu tố cần lưu ý khi thiết kế game VR

Trong việc đảm bảo hiệu suất và tương thích của sản phẩm VR, điều quan trọng là đảm bảo rằng trò chơi của bạn hoạt động mượt mà trên các thiết bị VR phổ biến như Oculus (Meta Quest), HTC Vive, PlayStation VR, và các nền tảng VR khác. Bằng cách tối ưu hóa hiệu suất và kiểm tra tương thích trên nhiều thiết bị, bạn có thể đảm bảo rằng người chơi không gặp vấn đề kỹ thuật khi trải nghiệm trò chơi.

Trong phần kiểm soát và tương tác, việc thiết kế các phương pháp kiểm soát và tương tác phù hợp với không gian 3D của VR là điều cần thiết. Sử dụng các cử chỉ và phản ứng tự nhiên của cơ thể để tạo ra trải nghiệm thú vị và chân thực hơn cho người chơi.

Để tránh gây ra cảm giác say sóng (motion sickness) trong trò chơi, bạn cần tối ưu hóa chuyển động của camera, giảm độ chói lóa và tối ưu hóa khung hình. Điều này giúp giảm thiểu cảm giác không thoải mái khi người chơi sử dụng VR.

Trong phần về cốt truyện và thiết kế môi trường, sử dụng không gian 3D của VR để tạo ra một thế giới đắm chìm và hấp dẫn. Thiết kế môi trường và cốt truyện sao cho phản ánh tốt nhất sức hút của thế giới ảo đối với người chơi.

Âm thanh không gian (spatial audio) cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường trải nghiệm VR. Âm thanh không gian giúp người chơi cảm thấy như mình thực sự đang ở trong môi trường ảo, tạo ra một trải nghiệm âm nhạc và âm thanh đa chiều.

Anh Kody chia sẻ “Hỗ trợ cộng đồng và cung cấp cập nhật thường xuyên giúp cải thiện trải nghiệm VR và giải quyết các vấn đề phản hồi từ cộng đồng người chơi. Cuối cùng, tích hợp VR vào trải nghiệm toàn diện của sản phẩm giúp tạo ra một trải nghiệm chơi game sâu sắc và hấp dẫn hơn.”.

6. Xu hướng thiết kế game VR trong tương lai

Trong tương lai, việc áp dụng công nghệ VR vào lĩnh vực game hứa hẹn sẽ chứng kiến sự xuất hiện của một loạt xu hướng đột phá nhằm nâng cao và mở rộng trải nghiệm của người chơi. Một trong những xu hướng quan trọng mà anh Kody chia sẻ đó là sự phát triển của trải nghiệm đa người chơi. Hiện tại, các trò chơi VR thường tập trung vào trải nghiệm đơn người chơi hoặc nhóm nhỏ. Tuy nhiên, trong tương lai, anh Kody dự đoán rằng sẽ xuất hiện sự mở rộng về quy mô và độ phức tạp của trò chơi đa người chơi trong không gian ảo. Các trò chơi có thể mang lại trải nghiệm đồng đội hoặc cạnh tranh lớn hơn, với hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn người chơi cùng tồn tại và tương tác trong cùng một thế giới ảo.

Một xu hướng khác mà anh có đề cập là sự kết hợp của thực tế hỗn hợp (Mixed Reality - MR) trong VR gaming. MR mở ra cánh cửa cho việc kết hợp thế giới thực và thế giới ảo trong cùng một trải nghiệm VR, tạo ra các trò chơi có khả năng tương tác với đối tượng và môi trường thực tế. Điều này theo anh Kody chia sẻ là sẽ mang lại trải nghiệm độc đáo và tương tác hơn cho người chơi, ví dụ như việc sử dụng các vật phẩm thực tế như dao, súng hoặc vật lý để tương tác với môi trường ảo.

Theo anh Kody cho rằng “xã hội trong VR gaming” cũng sẽ là một xu hướng mạnh mẽ trong tương lai. Môi trường ảo có thể trở thành nơi gặp gỡ, tương tác và tham gia các hoạt động xã hội như buổi hòa nhạc, hội thảo hoặc hội chơi. Anh Kody chia sẻ điều này mang lại trải nghiệm xã hội đa dạng và phong phú hơn cho người chơi, mà còn mở ra một thế giới mới của kết nối và giao lưu trong không gian ảo.

“Tóm lại, sự phát triển của công nghệ VR trong lĩnh vực game mở ra những cơ hội mới và đa dạng cho ngành công nghiệp game. Bằng cách tận dụng các xu hướng như trải nghiệm đa người chơi, thực tế hỗn hợp và trải nghiệm xã hội, các nhà phát triển có thể mang lại những trải nghiệm chơi game độc đáo và phong phú hơn cho người chơi trong tương lai.” Anh Kody cho hay.

7. Lập trình viên nên làm gì để đáp ứng nhu cầu và xu hướng của thị trường trong tương lai?

Qua những chia sẻ của anh Kody chúng ta có thể thấy rằng, việc ứng dụng công nghệ VR vào trong ngành game mở ra rất nhiều cơ hội tiềm năng cho các bạn trẻ đam mê lĩnh vực này, anh Kody khuyên rằng để trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực này và đáp ứng nhu cầu thị trường, các bạn hãy:

  • Phát triển kỹ năng mềm: Để phát triển sự nghiệp một cách toàn diện, các bạn cần có những kỹ năng về quản lý thời gian, giao tiếp hiệu quả với mọi người trong các bộ phận khác như Marketing, nhà phân tích, . . . . Việc biết cách trình bày thông tin một cách súc tích và linh hoạt, sử dụng từ ngữ phù hợp là điều quan trọng, nên hạn chế những từ ngữ quá chuyên môn và máy móc. 

  • Kiến thức nền tảng vững: Nếu bạn hiểu được lịch sử và cách mà công nghệ đã phát triển, từ việc tại sao máy tính được phát minh đến cách mà phần cứng và phần mềm đã được sử dụng qua các giai đoạn khác nhau, bạn sẽ dễ dàng nhận biết và hiểu lý do đằng sau những thay đổi sắp tới trong ngành công nghệ thông tin. Ngoài ra, khi phát triển một video game, những kiến thức về 2D, 3D, đồ hoạ, thiết kế câu chuyện, thiết kế nhân vật, hoạt họa khung xương (animation rigging), mô phỏng chuyển động, âm thanh, vân vân … cũng là những kiến thức ngoài chuyên ngành lập trình mà các bạn cần có khái niệm tốt.

  • Liên tục học hỏi và theo dõi các xu hướng ngành: Các xu hướng mới như kính thực tế ảo và khả năng dự đoán từ ngữ nhanh hơn trước đây thường đã được thảo luận trong giới học thuật từ lâu, và việc triển khai thực tế chỉ là vấn đề thời gian. Vì vậy, việc nắm bắt các kỹ năng như tìm kiếm và đọc những bài nghiên cứu khoa học research paper, white paper trên Google Scholar và theo dõi, tham gia các hội nghị là rất quan trọng. 

  • Khả năng ngoại ngữ tốt: Ngoài ngôn ngữ lập trình ra, thì ngoại ngữ còn là công cụ giao tiếp quan trọng trong lĩnh vực công nghệ, hơn hết nhờ vậy mà bạn còn có thể tiếp xúc những thông tin mới nhất trong ngành. Tùy theo định hướng nghề nghiệp của bản thân mà các bạn có thể trau dồi thêm cho mình về những ngoại ngữ khác nhau, bạn có thể tham khảo các ngôn ngữ như: Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn, Trung, . . .

  • Ngoài việc học về công nghệ thông tin và máy tính, việc nắm vững các kỹ năng như gõ nhanh, viết nhanh, đọc hiệu quả, và cách ghi chép cũng rất quan trọng. Những kỹ năng này thường bị coi nhẹ, nhưng thực tế, chúng có thể giúp bạn thích nghi tốt hơn với sự thay đổi không ngừng của xã hội.

  • Tham gia các cuộc thi về công nghệ: Để mài giũa những kỹ năng trên ngoài công việc hàng ngày, bạn có thể dành ít nhất một lần trong năm để tham gia các cuộc thi về công nghệ hoặc ý tưởng. Dù bạn có thắng hay không, các cuộc thi này cũng là cơ hội tuyệt vời để mở rộng mối quan hệ của mình.

Lời kết

Trong bài phát biểu gần đây, Chủ tịch tập đoàn Nvidia đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc chuyển hướng lập trình sang lĩnh vực Trí tuệ Nhân tạo (AI) trong tương lai. Tuy nhiên anh Kody cho rằng, dù là lập trình cho máy tính, điện thoại di động, hoặc các công nghệ mới như Thực tế tăng cường (AR), Thực tế ảo (VR), Thực tế hỗn hợp (MR), hay Thực tế mở rộng (XR), thì kiến thức cơ bản về logic và các nguyên tắc trong toán học và vật lý vẫn là điều cốt lõi và đóng vai trò quan trọng.

Nhắc đến ngành nhiếp ảnh, dù đã có sự phát triển của máy ảnh số và các thiết bị di động chụp hình thông minh, vẫn có một phần người dùng vẫn trung thành với công nghệ chụp ảnh phim truyền thống từ hàng thập kỷ trước. Anh nhấn mạnh rằng, dù công nghệ mới có thể tiết kiệm thời gian, nhưng quan trọng nhất vẫn là sản phẩm cuối cùng có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Do đó, bất kể sử dụng công nghệ nào, các yếu tố khác như cốt truyện, lối chơi, logic, lý thuyết trò chơi, hoặc trải nghiệm người dùng UX/UI vẫn là những yếu tố quan trọng không thể bỏ qua.

Như vậy, việc tập trung vào lập trình cho bất kỳ nền tảng nào, mới cũng như cũ, đều cần sự hiểu biết vững về kiến thức cơ bản và đa ngành. Điều này sẽ giúp các nhà phát triển tận dụng tối đa khả năng của mình và tạo ra các sản phẩm độc đáo và xuất sắc hơn trong tương lai.

Đôi nét về anh Kody Anh Nguyen:

VietnamWorks inTECH