Tôi đã dành gần hai năm qua cố thuyết phục các “ông khổng lồ công nghệ” Google, Facebook, Microsoft, DeepMind và OpenAI rằng họ cần phải bổ sung ngay những triết gia vào bộ máy nhân sự. Và rằng những nghiên cứu trí tuệ nhân tạo mà họ đang thực hiện, mang ý nghĩa còn vĩ mô hơn thế. 

 

Lợi ích từ việc đó là gì?

Cho đến gần đây, chúng ta mới hiểu được “làm người” là như thế nào. Chúng ta biết rằng ta có một thứ mà không một giống loài nào khác sở hữu: trí tuệ. Khả năng tư duy và hiểu biết khiến chúng ta đặc biệt và khác biệt so với muôn loài. Trong khi con người sở hữu trí tuệ thì các loài “con” khác chỉ sống với bản năng và máy móc thì hoạt động theo cơ chế đơn thuần. Nói ngắn gọn, trí tuệ là thứ đã định hình con người là “con người”, hơn hẳn một loài động vật hay một cỗ máy đơn thuần. 

Chúng ta cũng biết rằng có một sự khác biệt muôn thuở giữa những thứ tự nhiên và nhân tạo, giữa các sinh vật và máy móc, cũng như giữa những thứ sống, những thứ hữu tình và đồ vật vô tri. Chúng ta đã cho rằng chỉ có những sinh vật tự nhiên mới có thể cảm nhận, nhận thức và suy nghĩ.

Dường như chúng ta đã tin chắc vào điều đó cho đến khi nhận ra… tất cả chỉ là tương đối. Ngày nay, không có sự phân biệt hay khái niệm nào về con người trước đây còn giữ được sự vững chãi đã từng. Và điều này có liên quan đến nhiều thứ như nghiên cứu microbiome, biến đổi khí hậu, và một thứ trọng tâm mà bài viết này sẽ nói đến - trí tuê nhận tạo. 

 

Khi mọi thứ trở nên… sâu hơn

Lấy ví dụ về học sâu, khi máy móc có hàng ngàn lớp như tế bào thần kinh với khả năng học và ghi nhớ. Điều này cho phép máy suy luận và đưa ra quyết định.

Vì thế, có vẻ không hợp lý lắm khi cho rằng con người chúng ta thông minh trong khi máy móc thì không, hay chỉ những sinh vật sống mới có thể suy nghĩ. Và sự phân biệt rõ ràng giữa những thứ tự nhiên và những thứ nhân tạo giờ ở đâu? Trong thời đại hiện nay, có lẽ nó đã dần chuyển đổi thành một mối liên kết chặt chẽ.

 

Phòng Triết học và Nghệ thuật… ở Google

google

Có thể nói sự ra đời tương đối gần đây của trí tuệ nhân tạo (AI) là một sự kiện triết học sâu rộng. Và các phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo hay các gã khổng lồ công nghệ như Google, Facebook, Microsoft, OpenAI chính là các phòng thí nghiệm triết học lớn mạnh nhất, nơi mà con người tạo ra các khái niệm mới về chính con người và thế giới xung quanh.

Hiện nay các nghiên cứu trí tuệ nhân tạo tiên tiến nhất đều được thực hiện ở các công ty và hầu hết ban lãnh đạo không biết rằng họ đang phát minh lại một cách triệt để định nghĩa của chúng ta về ý nghĩa của con người. Họ nghĩ đơn giản: “Mình chỉ là những người làm việc tại các công ty công nghệ”. Và một trong những tham vọng lớn trong công việc của tôi là thay đổi điều này. 

Tôi muốn các phòng thí nghiệm và các công ty này hiểu trách nhiệm triết học to lớn của họ. Đó là lý do tại sao tôi và các đồng nghiệp đã đặt các nhà triết học và nghệ sĩ ở những nơi như Google. Hãy để tôi nhấn mạnh rằng, mục đích của chúng tôi trong việc này không phải là sử dụng triết học và nghệ thuật để giúp đưa ra các chiến lược tiếp thị mới lạ. Thay vào đó, tham vọng của chúng tôi là thử nghiệm và tìm ra ý nghĩa triết học về con người trong thế giới hiện đại của chúng ta, thông qua việc kết hợp các công ty trí tuệ nhân tạo tầm cỡ nhất vào một dự án triết học và nghệ thuật có phạm vi rộng lớn.

 

Từ đâu và từ khi nào khái niệm cũ về con người không còn phù hợp?

Đó là vào khoảng năm 2013 khi lần đầu tiên tôi nhận ra rằng khái niệm hiện đại về con người, chính khái niệm đã định hình ý thức của chúng ta về bản thân và trải nghiệm của chúng ta về thực tại đã không còn phù hợp.

Giả dụ trong tương lai các nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo thành công trong việc chế tạo máy móc có mạng lưới thần kinh học được, trải nghiệm được, nhớ được, và suy nghĩ được thì cũng là lúc chúng ta không thể tiếp tục bám víu vào giả định về sự khác biệt muôn thuở giữa con người và máy móc, giữa trí tuệ và cơ chế, giữa vật sống và vật vô tri.

Chúng ta đều biết rằng không thể tiếp tục sống theo các khái niệm lỗi thời. Nhưng câu hỏi khiến tôi quan tâm nhất là phải làm gì đây?

 

Chúng ta có thể phát minh lại khái niệm của con người không?

triết học về con người

Câu hỏi này đã gây rắc rối cho tôi trong một thời gian dài, cho đến khi tôi nhận ra rằng các lĩnh vực như nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, microbiome hoặc sinh học tổng hợp không chỉ làm suy yếu cách mà chúng ta nghĩ về con người trong lịch sử mà còn mở ra những khả năng hoàn toàn mới để hiểu thế giới.

Tôi chợt nhận ra rằng tôi có thể nhìn vào từng lĩnh vực này, không chỉ trí tuệ nhân tạo và microbiome, mà cả sinh học tổng hợp, hóa sinh học và các lĩnh vực khác, như thể chúng là một loại phòng thí nghiệm triết học để tái hiện thực tế của chúng ta. Có phải trí tuệ nhân tạo, bằng cách tháo gỡ mối liên kết độc quyền trước đây giữa con người và trí thông minh, đã dần mở ra những tiềm ẩn về cách thế giới được tổ chức và con người phù hợp với thế giới này như thế nào?

Trí thông minh bây giờ không còn là tài sản của riêng con người, mà là thứ mà động vật và máy móc cũng có. Bằng cách thiết lập sự kết nối giữa tự nhiên và nhân tạo, nghiên cứu AI cho phép chúng ta nghĩ về máy móc như các thực thể có tính tự nhiên và kỹ thuật như một kiểu thực hành tự nhiên (sinh học).

 

Từ ngẫu nhiên đến có chủ đích

Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mang sự kiện triết học sâu rộng nhất: Sự tái hiện triệt để về con người và mối quan hệ giữa con người, thiên nhiên và công nghệ.

Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, không ai thực sự nói về “chất lượng triết học” của công nghệ. Do đó, không ai chú ý đến nó, với hậu quả tất yếu là sự tái hiện sâu rộng của con người diễn ra xung quanh chúng ta một cách ngớ ngẩn và hoàn toàn vô thức.

Chúng ta có nên thay đổi điều này không?

Khi tôi chia sẻ nhiệt huyết của mình với các đồng nghiệp trong học viện, tôi nhận ra rằng điều thú vị này với tôi lại là sự khiêu khích sâu sắc đối với nhiều người khác.

Giả thiết của tôi là “câu hỏi về con người” đã di chuyển vào các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật - các lĩnh vực không hề liên quan đến nghiên cứu truyền thống về con người, và điều này được xem là mối đe dọa đối với các học giả trong nghệ thuật. Nếu con người không còn hơn tự nhiên hay máy móc, thì nghệ thuật còn có giá trị gì?

Ý tưởng rằng cách tốt nhất để bảo vệ loài người là phát minh lại nó của tôi đã bị loại bỏ.

Thực chất đề nghị của tôi không hề mang ý muốn từ bỏ triết học hoặc nghệ thuật. Thay vào đó, tôi muốn nhấn mạnh rằng cách các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (hoặc nghiên cứu microbiome hoặc sinh học tổng hợp) thực chất cũng thuộc lĩnh vực triết học.

Nhưng vấn đề không chỉ ở nghệ thuật. Hầu hết các kỹ sư mà tôi nói chuyện đều quá bận rộn để làm kỹ sư. Họ hoàn toàn bị thu hút bởi các câu hỏi nghiên cứu của họ và tỏ ra ít quan tâm đến những gì tôi gọi là cổ phần triết học trong công việc của họ.

 

Khi giáo dục là một phần của vấn đề

Tôi đã phải chấp nhận rằng trường đại học lại là một phần của vấn đề chứ không phải giải pháp. Sự tái phát minh của con người về triết học, nghệ thuật và kỹ thuật không thể xảy ra, ít nhất là bây giờ, trong giới học viện. Năm 2016, tôi quyết định từ bỏ vị trí quý giá của mình và rời khỏi trường đại học. Hơn một năm sau, nhờ vào một chút may mắn, nhà đầu tư và người sáng lập Viện Berggruen, Nicolas Berggruen đã cho tôi cơ hội xây dựng một chương trình thử nghiệm nhỏ về các ý tưởng mà tôi ấp ủ bấy lâu nay về sự biến đổi đương đại của con người.

Triết học + Nghệ thuật + Kỹ thuật

trí tuệ nhân tạo

Vào mùa xuân năm 2018, tôi bắt đầu gọi các nhà nghiên cứu trong các trang web về trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học và đề nghị họ thuê các nhà triết học và nghệ sĩ làm việc cùng với các kỹ sư của họ.

Tôi đã giải thích bằng tất cả nhiệt huyết rằng các phòng thí nghiệm và công ty nghiên cứu trí tuệ nhân tạo là những phòng thí nghiệm triết học thầm lặng nhưng lại mạnh mẽ và thảm khốc nhất, nơi mà các khái niệm mới về con người, chính trị, tự nhiên và thực tiễn công nghệ được nghĩ ra.

Tôi nói với những kỹ sư công nghệ AI rằng công việc của họ là trung tâm của một sự kiện triết học rộng lớn, có tỷ lệ lịch sử tương tự như thời Phục hưng hoặc Cách mạng Khoa học. Tôi đã không ngừng dùng sự nhiệt tâm của chính mình để thuyết phục họ đặt một tia hy vọng vào lý tưởng mà tôi đang theo đuổi.

Hiện nay, chúng tôi có các nhóm triết học và nghệ thuật tại Element AI, Facebook và Google, tại các phòng thí nghiệm AI tại MIT, Berkeley và Stanford. Các nhà nghiên cứu của chúng tôi trò chuyện thường xuyên với DeepMind, OpenAI và Microsoft.

Và đây chỉ mới là khởi đầu.

 

Tạm kết

Công việc của tôi trong hai năm qua đã giúp tôi đi đến kết luận rằng những nền tảng nghiên cứu và hợp tác mà tôi đã có cơ hội xây dựng tại Viện Berggruen chỉ có thể là bước đầu tiên trong một quy trình to lớn hơn rất nhiều.

Những gì chúng ta cần bây giờ là một mô hình hoàn toàn mới cho một tổ chức giáo dục, một mô hình có thể tạo ra một loại học viên mới. Chúng ta cần một lực lượng lao động có suy nghĩ khác biệt, có thể hiểu về kỹ thuật, từ nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, microbiome đến sinh học tổng hợp đến địa kỹ thuật và nhiều lĩnh vực khác, như một thực tiễn triết học và nghệ thuật không ngừng tái tạo con người.

Hầu như mỗi tháng, bạn có thể thấy tin tức về các khoản tài trợ hàng tỷ đô cho một trường công nghệ mới. Một mặt thì điều này chẳng có gì sai trái, tôi đồng ý rằng chúng ta luôn cần trở nên tốt hơn, thông minh hơn, công nghệ cao hơn. Nhưng mặt khác, các trường công nghệ này có xu hướng tái tạo sự phân công lao động cũ giữa khoa nghệ thuật và các khoa khoa học kỹ thuật. Họ có xu hướng hiểu công nghệ chỉ là công nghệ đơn thuần chứ không hề mang tính triết học hay nghệ thuật.

Nhưng chúng ta không cần quá nhiều trường công nghệ, mà là một ngôi trường kết hợp triết học, nghệ thuật và kỹ thuật, một nơi có thể đào tạo nên lực lượng lao động của tương lai như một phong trào Bauhaus đương đại, phong trào mang luồng gió mới khi không chỉ tập trung vào kiến trúc, mà cả vào công nghệ.

Nếu chúng ta không nhận ra và nắm bắt kịp thời được những khác biệt và định nghĩa đương thời về thế giới chúng ta đang sống thì các lực lượng bảo thủ ngoan cố sẽ tiếp tục đóng khung thế giới đang thay đổi nhanh chóng này theo cách cũ.

Và đó chắc chắn là một công thức của thảm họa.

 

Bài viết là những triết lý và nền tảng ý tưởng của Tobias Rees – giám đốc sáng lập chương trình Transformations of the Human. Chương trình Transformation of the Human được thiết kế như một nghiên cứu triết học và khám phá nghệ thuật về những cách thức đa dạng trong đó trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học thách thức các quan niệm đã được thiết lập của chúng ta về ý nghĩa của con người.

 

Theo Quartz
VietnamWorks InTech