Trong thời đại công nghệ số bùng nổ, việc sở hữu một sản phẩm đột phá là chìa khóa dẫn đến thành công cho bất kỳ doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, để tạo ra một sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường và mang lại lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp cần có sự dẫn dắt của một "linh hồn" - đó chính là Product Owner. Họ không chỉ là người đứng đầu việc phát triển sản phẩm, mà còn là cầu nối giữa người dùng, đội ngũ phát triển và các bên liên quan khác. 

Trong bài viết này, hãy cùng VietnamWorks inTECH lắng nghe chia sẻ của anh Nguyễn Vũ Thành Nhân - Product Owner Executive để khám phá vai trò cũng như là những kỹ năng mà một Product Owner cần có để dẫn dắt dự án thành công và tạo ra những sản phẩm xuất sắc. 

Theo anh, Product Owner nghĩa là gì và vị trí này có khác gì với Business Analyst không?

Product Owner là người chủ chốt trong việc xác định và định hướng sản phẩm, đồng thời là cầu nối giữa người dùng, đội ngũ phát triển và các bên liên quan. Với tầm nhìn rõ ràng và hiểu biết sâu sắc về thị trường, Product Owner đảm bảo sản phẩm cuối cùng phù hợp với nhu cầu người dùng và đạt được mục tiêu kinh doanh.

Trái ngược lại, Business Analyst tập trung vào việc phân tích và đưa ra giải pháp kỹ thuật cho các vấn đề trong tổ chức. Họ làm việc với dữ liệu và yêu cầu để hỗ trợ các nhóm kỹ thuật hiểu rõ nhu cầu kinh doanh, đồng thời xác định các tiêu chuẩn và ràng buộc kỹ thuật cho sản phẩm.

Vậy vai trò chính của một Product Owner trong quá trình phát triển sản phẩm là gì và tố chất cần có của một người Product Owner để làm tốt vai trò này?

Theo anh, vai trò chính của một Product Owner là đảm bảo rằng mọi tính năng và cải tiến được thực hiện đều mang lại giá trị tối đa cho người dùng và đóng góp vào sự thành công của sản phẩm. Điều này bao gồm việc quản lý hiệu quả danh sách công việc (product backlog), ưu tiên các tính năng dựa trên giá trị kinh doanh và người dùng, và đảm bảo rằng đội ngũ phát triển hiểu rõ các yêu cầu để tạo ra giải pháp tối ưu.

Để trở thành một Product Owner thành công, theo cá nhân anh các bạn cần hội tụ đầy đủ những tố chất sau:

  • Hiểu biết sâu về sản phẩm và thị trường: Product Owner cần có hiểu biết sâu sắc về sản phẩm, thị trường, và lĩnh vực mà sản phẩm đó phục vụ. Điều này giúp bạn định hướng phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng và xu hướng thị trường.

  • Kỹ năng giao tiếp và thuyết trình: Các bạn cần có khả năng giao tiếp rõ ràng và hiệu quả. Để từ đó các bạn có thể truyền đạt ý tưởng, yêu cầu, và phản hồi một cách mạch lạc và thuyết phục với các bên liên quan, từ đội ngũ phát triển, các bên kinh doanh, đến khách hàng.

  • Kỹ năng đàm phán: Trong quá trình phát triển sản phẩm, xung đột là điều không thể tránh khỏi. Vì thế một Product Owner cần có kỹ năng đàm phán và giải quyết xung đột một cách hòa nhã và hiệu quả.

Ngoài những tố chất trên, anh nghĩ các bạn cũng cần có niềm đam mê với sản phẩm và mong muốn mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho người dùng. 

Anh Nguyễn Vũ Thành Nhân - Product Owner tại VietnamWorks (Navigos Group)

Trong quá trình phát triển sản phẩm, có nguyên tắc quan trọng nào mà theo anh một Product Owner cần phải nắm không?

Với anh, một nguyên tắc cốt lõi mà mọi Product Owner cần theo đuổi là "Luôn đặt người dùng vào vị trí trung tâm của mọi quyết định". Điều này có nghĩa là bạn phải thường xuyên thu thập phản hồi từ người dùng và sử dụng thông tin đó để hướng dẫn sự phát triển của sản phẩm. 

Ví dụ: khi phát triển một ứng dụng di động, anh luôn đảm bảo rằng mỗi tính năng mới được thiết kế và thử nghiệm kỹ lưỡng với người dùng thực tế trước khi triển khai rộng rãi. Để đạt được điều này, anh thường thực hiện một quy trình cụ thể: 

  • Trước tiên, anh sẽ tiến hành khảo sát và phỏng vấn người dùng để hiểu rõ nhu cầu và mong đợi của họ, đồng thời phân tích hành vi từ dữ liệu hiện tại để nhận biết những điểm cần cải thiện. 

  • Sau đó, hợp tác chặt chẽ với đội ngũ thiết kế để phát triển các prototype theo nguyên tắc UX/UI, giúp thể hiện ý tưởng và tính khả thi của tính năng. 

  • Tiếp theo, thực hiện Usability Testing định kỳ với người dùng thực tế để thu thập phản hồi về các prototype và phiên bản đầu, cùng với A/B Testing để so sánh hiệu quả giữa hai phiên bản tính năng. 

  • Sau khi triển khai, anh tiếp tục thu thập phản hồi qua các kênh như diễn đàn và email hỗ trợ, và sử dụng công cụ phân tích để theo dõi cách người dùng tương tác với tính năng mới. 

Quy trình này đảm bảo rằng mọi tính năng mới không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn mang lại trải nghiệm người dùng tốt nhất. Mỗi bước trong quy trình đều là cơ hội để học hỏi, điều chỉnh và cải tiến, đó là chìa khóa để phát triển sản phẩm thành công.

Mô phỏng quy trình thiết kế sản phẩm - Nguồn: Design Team VietnamWorks

Trong tình huống mâu thuẫn giữa yêu cầu của khách hàng và đội ngũ phát triển sản phẩm, làm thế nào một Product Owner có thể giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả?

Khi đối mặt với mâu thuẫn, với anh điều quan trọng là phải duy trì một quan điểm cân bằng và trung lập, giúp các bên hiểu và thừa nhận các thách thức và giới hạn của nhau. Một cách hiệu quả để giải quyết mâu thuẫn là thông qua việc tổ chức các workshop (Focus group, Grooming), nơi mà mọi người có thể trình bày quan điểm và cùng nhau tìm kiếm giải pháp phù hợp. Việc sử dụng các phương pháp thử nghiệm giả định và phản hồi sớm từ khách hàng cũng có thể giúp làm rõ những yêu cầu thực tế và thiết thực nhất.

Trong hành trình sự nghiệp của mình, anh cũng gặp không ít trường hợp như vậy. Chẳng hạn như có một lần, trong dự án phát triển phần mềm mới, bộ phận kinh doanh muốn tích hợp quá nhiều tính năng chỉ trong một lần phát hành, trong khi đội ngũ kỹ thuật lại lo ngại về khả năng triển khai kịp thời với chất lượng cao.

Để giải quyết vấn đề này, anh đã tổ chức một loạt các cuộc họp giữa các bên liên quan và đội ngũ kỹ thuật. Trong các cuộc họp đó, bọn anh đã dùng phương pháp MoSCoW (Must have, Should have, Could have, Won't have) để ưu tiên các tính năng. Điều này giúp mọi người hiểu rõ hơn về những gì cần được hoàn thành trước và những gì có thể chờ đợi. Thông qua đó, các bên đã đạt được sự đồng thuận và đã lập kế hoạch phát triển sản phẩm một cách linh hoạt hơn, đảm bảo rằng các tính năng quan trọng nhất được triển khai trước tiên, trong khi vẫn duy trì chất lượng sản phẩm cao.

Một sản phẩm thành công không chỉ là về tính năng mà còn là về trải nghiệm người dùng. Vậy làm thế nào để một Product Owner đảm bảo rằng sản phẩm đáp ứng các tiêu chí trải nghiệm người dùng tốt nhất?

Một Product Owner giỏi phải luôn chú trọng đến trải nghiệm người dùng cuối cùng. Điều này bao gồm việc:

- Thường xuyên cập nhật và áp dụng các xu hướng thiết kế mới, đồng thời làm việc chặt chẽ với đội UX để đảm bảo rằng mỗi tính năng không chỉ đẹp mắt mà còn dễ sử dụng. Có một số nguồn anh thường hay theo dõi mà các bạn có thể tham khảo:

  • Các trang web chuyên ngành như Smashing Magazine, cung cấp nhiều bài viết chuyên sâu về UX, UI và thiết kế web; A List Apart, tập trung vào thiết kế, phát triển và nội dung web; và Nielsen Norman Group, nơi nghiên cứu và báo cáo về trải nghiệm người dùng. 

  • Tham gia vào các cộng đồng và diễn đàn như Dribbble, nơi các nhà thiết kế chia sẻ các dự án và xu hướng mới, và Behance, nơi cung cấp nhiều dự án thiết kế sáng tạo từ khắp nơi trên thế giới. 

  • Đọc các sách chuyên ngành như "Don’t Make Me Think" của Steve Krug, một cuốn sách kinh điển về thiết kế UX, hay "The Design of Everyday Things" của Don Norman, giúp hiểu sâu hơn về tâm lý học trong thiết kế. Với anh có thể nói đây chính là hai cuốn sách gối đầu giường mà các bạn không nên bỏ lỡ. 

  • Ngoài ra, theo dõi các chuyên gia về UX/UI trên LinkedIn và cập nhật nhanh chóng các xu hướng và thảo luận từ các nhà thiết kế hàng đầu trên Twitter cũng giúp bạn luôn nắm bắt được những thay đổi và cải tiến trong lĩnh vực thiết kế.

- Thực hiện các bài kiểm tra A/B thường xuyên và thu thập phản hồi liên tục từ người dùng giúp đảm bảo rằng sản phẩm không những hấp dẫn mà còn mang lại giá trị thực sự. Để đạt được điều này, các bạn có thể áp dụng những phương pháp:

  • Khảo sát trực tuyến người dùng thông qua: Hotjar, Google form.

  • Phân tích dữ liệu người dùng bằng Google Analytics.

  • Phân tích hành vi người dùng thông qua Posthog, Hotjar, Microsoft Clarity

  • Phản hồi qua kênh hỗ trợ: Chat, Social media và customer support tickets.

Anh Nhân đang chia sẻ về quy trình làm việc tại team Product Engineering (Navigos Group) 

Để kết thúc buổi trò chuyện, anh có lời khuyên nào muốn dành cho các bạn đang theo đuổi vị trí Product Owner?

Để thành công trong vai trò Product Owner, việc phát triển kỹ năng giao tiếp và đàm phán là điều mà anh nghĩ các bạn không thể thiếu. Vị trí này đặc biệt đánh giá cao khả năng làm việc hiệu quả giữa các bộ phận và cá nhân với nền văn hóa làm việc đa dạng. Các bạn cần có khả năng lắng nghe và hiểu rõ nhu cầu của các bên liên quan, đồng thời đưa ra các quyết định ưu tiên phù hợp nhất. Điều này đảm bảo đội ngũ phát triển có đủ nguồn lực và thời gian để tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Thành thạo các kỹ năng này sẽ giúp bạn trở thành một Product Owner xuất sắc, có khả năng dẫn dắt dự án tới thành công trong môi trường cạnh tranh và đòi hỏi cao như hiện nay.

Một số tài liệu tham khảo:

Sách:

  • "Agile Product Management with Scrum" của Roman Pichler

  • "User Story Mapping" của Jeff Patton

  • "The Lean Product Playbook" của Dan Olsen

Khóa học:

  • "Professional Scrum Product Owner" trên Scrum.org

  • "Certified Scrum Product Owner" (CSPO) trên Scrum Alliance

  • Các khóa học về Agile và Product Management trên Coursera và Udemy

Blog và website:

Kênh YouTube:

  • Product School

  • SVPG (Silicon Valley Product Group)

Đôi nét về anh Nguyễn Vũ Thành Nhân

VietnamWorks inTECH

TẠO TÀI KHOẢN MỚI: XEM FULL “1 TÁCH CODEFEE” - NHẬN SLOT TƯ VẤN CV TỪ CHUYÊN GIA - CƠ HỘI RINH VỀ VOUCHER 200K