Trong thế giới công nghệ không ngừng phát triển, Frontend Developer vẫn đang là một trong những lĩnh vực hấp dẫn và đầy tiềm năng. Việc nắm vững kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực này không chỉ mở ra cơ hội việc làm rộng lớn mà còn mang lại những trải nghiệm thú vị trong việc xây dựng và thiết kế giao diện người dùng. Trong bài viết này, hãy cùng VietnamWorks sẽ giới thiệu 32 tip quan trọng giúp bạn nâng cao kỹ năng, tối ưu hóa công việc và tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành một Frontend Developer siêu đẳng. 

1. Nắm vững các nguyên tắc cơ bản

Một ngôi nhà được xây dựng trên nền móng không vững chắc thì dù là rung động nhỏ cũng có thể khiến ngôi nhà sụp đổ.

Tương tự, nếu bạn không có nền tảng vững chắc:

  • Bạn sẽ gặp khó khăn với các framework JavaScript

  • Bạn sẽ cảm thấy khó khăn và không biết cách giải quyết khi gặp phải những vấn đề mới

  • Bạn sẽ không nắm bắt được những điểm chung giữa một số vấn đề

Vì vậy, nếu bạn muốn cải thiện kỹ năng của mình, trước tiên hãy thành thạo HTML , CSS và JavaScript.

2. Hiểu cách hoạt động của web

Sự phát triển Frontend dần trở nên phức tạp, ngày càng nhiều công cụ được ra đời và sử dụng (bundlers, transpilers, v.v.)

Nếu bạn không hiểu cách hoạt động của web, bạn sẽ khó hiểu tại sao lại cần có rất nhiều công cụ để chạy code như vậy.

3. Làm quen với Cấu trúc dữ liệu & Thuật toán

Cấu trúc dữ liệu & Thuật toán thường không được đánh giá cao trong các cuộc phỏng vấn technical.

Tuy nhiên, điều quan trọng là phải hiểu những điểm chính và sự phức tạp của chúng. Nếu không có kiến ​​thức này, bạn sẽ không thể viết code cho các chương trình phức tạp hoặc đánh giá hiệu quả code của mình.

Dưới đây là một số Cấu trúc dữ liệu/Thuật toán mà bạn cần biết:

  • Cấu trúc dữ liệu: Ngăn xếp, Hàng đợi, Hashma, Đồ thị , v.v.

  • Các thuật toán: Lập trình động, Thuật toán tham lam, Đệ quy , v.v.

>> Xem thêm: 8 thuật toán hàng đầu mà mọi lập trình viên nên biết

4. Học bằng cách thực hành thay vì đọc và xem

Các bài viết hướng dẫn dễ gây đánh lừa bạn rằng bạn có cảm giác như mình đang tiến bộ. Chúng khiến bạn tin rằng bạn đang học hỏi và tiến bộ, nhưng thực chất bạn vẫn đang dậm chân tại chỗ. Việc học thực sự diễn ra thông qua thực hành hoặc giảng dạy lại cho người khác.

Vì vậy, hãy luyện tập thật nhiều và tránh phụ thuộc nhiều vào các hướng dẫn.

5. Yêu cầu giúp đỡ khi gặp khó khăn

Bạn không cô đơn. Rất có thể xung quanh bạn có rất nhiều lập trình viên khác giỏi hơn mà bạn có thể yêu cầu sự trợ giúp từ họ.

Vì vậy, đừng lãng phí thời gian mày mò một vấn đề nếu bạn có người trợ giúp. Mục tiêu của bạn là cung cấp giá trị và bạn sẽ không đạt được điều đó nếu lãng phí thời gian giải quyết các vấn đề mà người khác đã giải quyết.

6. Yêu cầu giúp đỡ đúng cách

Yêu cầu giúp đỡ từ người khác không có gì xấu, nhưng trước tiên bạn cần phải tự mình tìm ra giải pháp trước, chẳng hạn như:

  • Tìm kiếm giải pháp trên Google/Stack Overflow/ChatGPT

  • Hiểu mục tiêu của bạn và tại sao phương pháp đó lại không hiệu quả

  • Ghi lại tất cả những lần thử thất bại của bạn

Ngoài ra, đừng liên tục yêu cầu trợ giúp cho cùng một vấn đề. Khi được giúp đỡ hãy ghi chú vào đâu đó để không quên nhé.

7. Đừng sao copy/paste code mà bạn không hiểu

Điều này thực sự rất tệ, bởi vì:

  • Bạn có thể gặp phải code không an toàn và dẫn đến làm lộ thông tin nhạy cảm.

  • Quá trình debug của bạn sẽ trở nên vô cùng khó khăn.

  • Khi đồng nghiệp thắc mắc về đoạn code đó, bạn sẽ không thể giải thích được

8. Hoàn thành tốt hơn hoàn hảo

Việc theo đuổi sự hoàn hảo thường dẫn đến những kết quả sau:

  • Sự trì hoãn

  • Mất thời gian

  • Phức tạp vấn đề

Vì vậy, hãy cố gắng triển khai/xác thực phiên bản V0 trước khi tiến xa hơn.

9. Luôn chia nhiệm vụ thành những nhiệm vụ có thể quản lý được

Hãy luôn chia dự án thành những nhiệm vụ nhỏ hơn, điều này sẽ:

  • Giúp bạn không cảm thấy choáng ngợp trước những task khó

  • Làm cho PR (pull request) của bạn dễ dàng được xem xét hơn

  • Mang lại cảm giác tiến bộ

10. Hãy tạo sự tin tưởng bằng cách chủ động tìm sự giúp đỡ khi cần

Khi mới bắt đầu làm việc, ưu tiên hàng đầu của bạn là xây dựng lòng tin từ quản lý. Họ nên cảm thấy yên tâm khi nghĩ về bạn và tin rằng:

  • Bạn đáng tin cậy với những nhiệm vụ đơn giản

  • Bạn sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết

  • Bạn sẽ thông báo khi có bất cứ vấn đề nào xảy ra

  • Bạn không muốn làm tăng khối lượng công việc của quản lý bằng cách trở thành một vấn đề mà họ phải liên tục giám sát.

11. Thể hiện sự nhiệt tình với công việc

Bạn có thể bù đắp cho nhiều thiếu sót bằng sự nhiệt tình. Khi bạn mới bắt đầu vào nghề, hãy tỏ ra háo hức và hứng khởi.

Chỉ những lập trình viên có kinh nghiệm mới có thể cho phép mình thiếu nhiệt tình. Không ai muốn phải liên tục thúc giục người khác làm việc. Việc hướng dẫn đã đủ khó khăn; phải động viên ai đó càng làm cho công việc trở nên thách thức hơn.

12. Luôn sẵn sàng học hỏi những điều mới, công cụ và phương pháp mới

Lập trình Frontend luôn không ngừng thay đổi. Vì vậy, bạn cần sẵn sàng trong tư thế học hỏi những công nghệ mới.

Đừng quá bám chặt vào các công cụ hiện tại của bạn. Thay vào đó, hãy thể hiện sự khao khát học hỏi. Hãy thành thạo các công cụ lập trình:

  • IDE (ví dụ: VSCode)

  • Hệ thống quản lý mã nguồn của bạn (ví dụ: Github)

  • Trình duyệt và công cụ kiểm tra (ví dụ: Chrome inspector) v.v.

13. Tập trung vào việc cung cấp giá trị

Mỗi dòng code bạn viết nên cung cấp giá trị cho:

  • Khách hàng của bạn

  • Công ty của bạn

  • Các bên liên quan của bạn

Sự đền bù của bạn gắn liền với giá trị bạn cung cấp, không phải lượng code bạn viết. Vì vậy, hãy ưu tiên viết mã hiệu quả phục vụ một mục đích nhất định.

14. Hãy tự quảng bá cho công việc của mình: công việc không thể tự nói lên tất cả

Có lẽ một trong những sai lầm phổ biến nhất của các lập trình viên mới vào nghề (đặc biệt nếu bạn đến từ một nền văn hóa coi trọng sự khiêm tốn).

Bạn đã làm được điều gì đó đáng chú ý, nhưng không ai biết về điều đó. Như thế công việc đó sẽ không có ý nghĩa gì. Vì vậy, hãy chia sẻ công việc của bạn thông qua việc viết, trình diễn, v.v.

15. Ưu tiên viết code đơn giản thay vì code phức tạp

Mã được đọc nhiều hơn là được viết. Vì vậy, hãy tránh viết những đoạn code phức tạp mà chỉ mình bạn hiểu được.

Tính dễ đọc > Hiệu suất > Tính phức tạp.

Nếu bạn muốn đồng nghiệp của mình có thể làm việc với code của bạn một cách hiệu quả, hỗ trợ bạn khi cần, v.v. hãy đừng phức tạp hoá vấn đề.

16. Quản lý là đồng minh tốt nhất của bạn

Trừ khi bạn vô cùng xui xẻo, quản lý của bạn sẽ luôn ở đó để hỗ trợ sự phát triển của bạn. Họ thường muốn bạn phát triển, đóng góp cho nhóm và ở lại với công ty thay vì tìm kiếm cơ hội ở nơi khác.

Vì vậy, hãy chắc chắn rằng bạn sẽ nhờ cậy họ để đạt được mục tiêu của mình. Chia sẻ những thành công, thất bại (một cách tích cực) và những khó khăn của bạn thay vì tự mình đấu tranh.

17. Hãy làm cho cuộc sống của quản lý dễ dàng hơn

Điều này dễ làm nhưng thường bị mọi người bỏ qua. Quản lý của bạn có thể có những vấn đề mà bạn có thể giúp đỡ:

  • Họ có thể cần thêm tài liệu nhưng thiếu thời gian

  • Khối lượng công việc của họ có thể quá tải và họ cần hỗ trợ

  • Và nhiều vấn đề khác

Đây có lẽ là cách đơn giản nhất để nhận được sự ủng hộ của quản lý (cho các đợt thăng chức, tăng lương, v.v.). Họ đã biết về các nhiệm vụ và có thể thấy rõ tác động của chúng.

18. Hiểu bức tranh toàn cảnh đằng sau các nhiệm vụ của bạn

Đừng chỉ là một người viết code theo lệnh. Điều này có thể phục vụ bạn tốt khi mới bắt đầu, nhưng để đạt đến cấp độ tiếp theo, bạn cần hiểu bối cảnh đằng sau các nhiệm vụ của bạn:

  • Tại sao chúng có giá trị

  • Tại sao bạn được giao nhiệm vụ đó

  • Chúng phù hợp như thế nào trong chiến lược tổng thể của công ty

Hiểu biết này là cần thiết để tiến lên cấp độ tiếp theo trong sự nghiệp của bạn.

19. Đóng góp cho nhóm (tài liệu, thảo luận kỹ thuật, v.v.)

Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho công ty mà còn cho bạn cá nhân. Bằng cách tổ chức các buổi chia sẻ kiến thức, tài liệu, và những hoạt động tương tự, bạn không chỉ thể hiện được kỹ năng của mình mà còn giúp tăng cường hiệu suất làm việc của nhóm.

Hãy luôn hướng tới việc nâng cao hiệu suất làm việc của nhóm một cách tối đa: điều này không chỉ thú vị mà còn đáng giá và mang lại sự hài lòng

20. Trở thành "người đáng tin cậy" trong một lĩnh vực cụ thể

Ở giai đoạn đầu của sự nghiệp, việc khám phá nhiều lĩnh vực là hoàn toàn ổn. Tuy nhiên, để tiến thêm lên đến mid/senior, hãy tập trung vào việc phát triển chuyên môn trong một lĩnh vực cụ thể. Điều này có ý nghĩa hơn cho việc thăng chức so với việc trung bình ở nhiều lĩnh vực.

Vì vậy, hãy hướng đến việc có những kỹ năng dạng chữ T, nghĩa là bạn có kiến thức rộng về nhiều lĩnh vực (phần ngang của chữ T), nhưng cũng sở hữu chuyên môn sâu trong một hoặc vài lĩnh vực cụ thể (phần dọc của chữ T). Điều này cho phép bạn linh hoạt và hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp, vì vừa có kiến thức tổng quan và vừa có chuyên môn sâu về các khía cạnh cụ thể của dự án.

21. Phát triển kỹ năng giao tiếp của bạn

Tất cả các hoạt động liên quan đến giao tiếp là vô cùng quan trọng đối với các nhà phát triển. Thường xuyên, chúng ta phải tham gia vào việc:

  • RFCs (Request for Comments) - các tài liệu đề xuất, thảo luận về các ý tưởng, các vấn đề kỹ thuật và quyết định về hướng phát triển của dự án.

  • Buổi demo - trình bày về sản phẩm, tính năng mới, hoặc các bản cập nhật cho đồng đội hoặc khách hàng.

  • Buổi thuyết trình - trình bày ý tưởng, công nghệ, hoặc giải pháp kỹ thuật trước một nhóm hoặc một đám đông.

  • Và nhiều hoạt động khác.

Vì vậy, việc có một trình độ giao tiếp cơ bản là rất quan trọng để có thể thực hiện những nhiệm vụ này một cách hiệu quả.

22. Nghỉ ngơi khi bạn gặp khó khăn với một vấn đề

Đôi khi, khi bạn đắm chìm vào một vấn đề, việc dừng lại có thể trở nên khó khăn. Tuy nhiên, có một điều thú vị là sau mỗi lần nghỉ ngơi, ý tưởng mới luôn xuất hiện. Vì vậy, nếu bạn đã mắc kẹt quá lâu trong một vấn đề, hãy dừng lại và làm một điều gì đó khác. Điều này thường giúp tái tạo tinh thần và mang lại sự sáng tạo mới.

23. Làm việc từ những điểm mạnh của bạn, chứ không phải từ những điểm yếu

Hãy dừng việc lãng phí thời gian cố gắng sửa chữa những điểm yếu rõ ràng. Nếu một công việc mà người khác cùng cấp độ của bạn hoàn thành trong dưới 5 phút, nhưng bạn mất hơn 1 giờ để làm, thì hãy tránh xa công việc đó.

Có thể việc đầu tư nhiều năng lượng không làm cho bạn trở nên xuất sắc hơn trong nó. Thay vào đó, hãy tập trung vào những điểm mạnh của bạn và làm những việc cần thiết. Nếu bạn có một kỹ năng tự nhiên và có giá trị, hãy phát huy nó.

24. Chịu trách nhiệm về lộ trình sự nghiệp của bạn

Không ai sẽ lên kế hoạch cho sự nghiệp của bạn. Và nếu không có một kế hoạch, bạn sẽ làm việc theo kế hoạch của người khác. Vì vậy, hãy đảm bảo bạn tạo ra một kế hoạch cho những gì bạn muốn đạt được trong 1/2/5 năm.

25. Kết nối với các lập trình viên khác

Bạn có cảm thấy mình không tự tin, như mình không xứng đáng với vị trí hoặc thành tựu mà mình đạt được không? Đó gọi là hội chứng giả mạo. Nếu bạn cảm thấy như vậy, hãy dành thời gian giao tiếp với các lập trình viên khác. Khi làm điều này, bạn sẽ thấy rằng không chỉ mình bạn gặp phải vấn đề này. Kết nối với các đồng nghiệp có thể giúp bạn học được những kinh nghiệm mới, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau trong công việc.

26. Mentor các lập trình viên trẻ

Đây là một trong những biện pháp hàng đầu để chữa trị hội chứng giả mạo.

Khi bạn bắt đầu làm việc như một người mentor hướng dẫ cho các lớp trẻ:

  • Bạn sẽ nhận ra rằng bạn có kiến thức, kinh nghiệm mà bạn có thể chia sẻ.

  • Bạn sẽ xây dựng và củng cố hình ảnh của bản thân mình như là một nhà lập trình viên ở level mid/senior.

Trong bối cảnh này, việc trở thành mentor có thể giúp bạn tự tin hơn về kiến thức và kỹ năng của mình, và đồng thời cũng đem lại lợi ích trong việc phát triển sự nghiệp của bạn.

27. Đa dạng hóa các vấn đề bạn giải quyết

Nếu bạn liên tục đối mặt với những vấn đề giống nhau, tiến triển của bạn sẽ dừng lại.

Đảm bảo rằng bạn đang giải quyết các vấn đề đa dạng để:

  • So sánh các phương pháp khác nhau.

  • Phát triển một bộ công cụ cho việc giải quyết vấn đề.

Trong ngữ cảnh này, việc giải quyết các vấn đề đa dạng sẽ giúp bạn phát triển kỹ năng phân tích và làm việc với các vấn đề khác nhau, đồng thời mở rộng kiến thức và phương pháp giải quyết vấn đề của bạn.

28. Tìm cho mình một mentor

Có một người mentor tốt là điểm sáng trong sự nghiệp của mỗi người. Họ sẽ giúp bạn cảm thấy ổn định và tự tin hơn, bởi vì họ đã trải qua những thách thức giống tương tự. Họ không chỉ chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của họ, mà còn dẫn dắt bạn tránh những sai lầm mà họ từng gặp phải. Vì vậy, việc có một người hướng dẫn tốt không chỉ giúp bạn phát triển cá nhân mà còn định hình và định hướng sự nghiệp của bạn sau này.

Làm thế nào để tìm một người hướng dẫn? 

  • Bạn có thể tìm kiếm một nhà phát triển có kinh nghiệm hơn và kết nối với họ thông qua các cộng đồng chuyên ngành hoặc sự kiện, sau đó thảo luận với họ, hỏi câu hỏi và chia sẻ về sự nghiệp của bạn. 

  • Nếu bạn không có cơ hội tiếp cận với những người này trực tiếp, bạn cũng có thể tìm kiếm mối quan hệ trên các diễn đàn trực tuyến hoặc các nền tảng xã hội chuyên ngành, sau đó xây dựng một mối quan hệ và yêu cầu họ giúp đỡ khi bạn cần.

29. Cam kết với một framework JavaScript và thành thạo nó

Framework tốt nhất là framework giúp bạn đạt được mục tiêu của mình nhanh nhất. Bạn không nên dành quá nhiều thời gian so sánh các framework JavaScript trên internet. Thay vào đó, hãy chọn một framework mà bạn cảm thấy thoải mái và cần thiết cho dự án của mình, sau đó hãy tập trung vào việc học và thành thạo nó. Khi bạn đã thành thạo một framework, việc chuyển sang framework khác sẽ dễ dàng hơn, đặc biệt khi bạn có kiến thức cơ bản vững chắc về JavaScript.

30. Luôn nghĩ đến trải nghiệm người dùng

Là một nhà phát triển frontend, bạn nên suy nghĩ về người dùng.Ngay cả khi có các quản lý sản phẩm hoặc nhà thiết kế, việc tạo ra một trải nghiệm người dùng tốt vẫn là trách nhiệm của nhà phát triển frontend. Điều này bao gồm việc sử dụng các trạng thái tải, thông báo tiến độ và cung cấp phản hồi để cải thiện trải nghiệm người dùng.

31. Liên tục đầu tư vào kỹ năng của bạn

Bằng cách lựa chọn trở thành một nhà phát triển frontend, bạn đã quyết định theo đuổi một sự nghiệp mà bạn phải liên tục học hỏi. Vì vậy, hãy tiếp tục đầu tư vào kỹ năng của mình bằng cách học các ngôn ngữ mới, nắm vững các kỹ thuật mới, và những điều tương tự nếu bạn không muốn bị đào thải sớm.

32. Cố gắng hiểu rõ các đồng nghiệp của bạ (designer, lập trình viên Backend, v.v.)

Luôn tôn trọng và hiểu biết về quan điểm, vai trò của đồng nghiệp trong dự án như Backend Developer, Designer, hoặc Project Manager. Khi phát triển ứng dụng, bạn không chỉ làm việc một mình mà là một nỗ lực của toàn bộ nhóm. Khi có sự hợp tác và giao tiếp tích cực giữa các thành viên, không chỉ tạo ra một môi trường làm việc thoải mái và hạnh phúc, mà còn nâng cao hiệu quả làm việc và chất lượng sản phẩm.

Lời kết

VietnamWorks inTECH hy vọng với những chia sẻ trên đây bạn đã bỏ túi được cho mình một vài tip hay để trở thành một Frontend Developer xuất sắc. Hãy nhớ rằng, hành trình trở thành một nhà phát triển Frontend không chỉ là về việc học các ngôn ngữ lập trình và công nghệ mới, mà còn là về việc phát triển các kỹ năng mềm, hiểu biết về quy trình làm việc nhóm, và tôn trọng đồng nghiệp. Bằng việc áp dụng những mẹo này và không ngừng rèn luyện, bạn sẽ có cơ hội đạt được những thành công đáng kinh ngạc trong sự nghiệp của mình.

VietnamWorks inTECH