Nếu như trước đây, nghĩ đến AI, chúng ta thường liên tưởng về một thứ công nghệ cao siêu, chỉ dành cho những người có background xuất chúng, thì ở thời điểm hiện tại, với sự bùng nổ của Data và Vi mạch xử lý, IT ngày càng có nhiều cơ hội tiếp xúc, học tập trong lĩnh vực này.
Đó cũng là chủ đề tập 3 của “1 Tách Codefee” - chuỗi podcast video dành riêng cho ngành Tech từ VietnamWorks inTECH. Xuất phát điểm là Software Engineer, diễn giả Phan Công Bình - AI Engineer Leader tại FPT Software, AI Center, sẽ chia sẻ chuyến hành trình chinh phục vùng đất Trí tuệ Nhân tạo đầy lý thú: những khó khăn, trăn trở khi chuyển đổi vị trí và cả niềm hân hoan, phấn khởi khi được làm công việc hằng mơ ước. Theo đó, ai cũng có thể theo đuổi Trí tuệ Nhân tạo nếu thật sự đam mê.
Cùng VietnamWorks inTECH điểm qua những chia sẻ đắt giá của Tập 3: “AI CŨNG CÓ THỂ HỌC A.I?” nhé!
1. Sức mạnh của AI đang bị truyền thông thổi phồng
Đầu năm nay, khi hai ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo "gây bão" trên các nền tảng internet là AI Sora và Devin, gây chú ý nhờ sức mạnh ấn tượng của chúng. Nhiều người lo ngại đây là tín hiệu về việc con người có thể bị IT thay thế, nhưng cũng có không ít ý kiến phản đối, cho rằng các ứng dụng này đang bị truyền thông thổi phồng để thu hút vốn đầu tư.
Anh Bình có xu hướng đồng tình với ý kiến thứ hai nhiều hơn. Anh nhận định rằng AI đã phát triển từ lâu nhưng chủ yếu tập trung vào khía cạnh khoa học và thuật toán, chưa thực sự chú trọng đến sản phẩm cuối dành cho người dùng. Gần đây, nhờ sự cải tiến của dữ liệu và tốc độ xử lý vi mạch, AI mới bùng nổ mạnh mẽ. Tuy nhiên, thị trường hiện tại đang thiếu hụt đội ngũ AI Engineer, do đó việc truyền thông mạnh mẽ sẽ không chỉ thu hút vốn đầu tư mà còn kêu gọi nhiều nhân sự IT tham gia sau khi nhận thấy tiềm năng ứng dụng thực tế.
Khi được hỏi liệu AI có thay thế vị trí công việc của IT hay không, anh Bình khẳng định rằng điều này sẽ không xảy ra. Anh nhắc lại bài học từ quá khứ, khi máy tính bỏ túi từng được coi là mối đe dọa cho nghề giáo viên dạy toán, nhưng cuối cùng, nó chỉ là công cụ hỗ trợ. Tương tự, AI cũng sẽ trở thành trợ thủ đắc lực, giúp con người nâng cao năng suất. Điều quan trọng là mỗi người cần liên tục cập nhật kiến thức để sử dụng tốt công cụ này.
2. AI Engineer vẫn là 1 engineer, vẫn cần phải biết viết code
Anh Bình cho rằng Software Engineer và AI Engineer có cách tiếp cận vấn đề và tư duy khá khác nhau:
-
Với Software Engineer: cách làm việc rất cụ thể và rõ ràng, "bảo 1 làm 1, bảo 1 làm 2 là sai", nghĩa là mã lệnh được viết rõ ràng để cho ra kết quả đúng hoặc sai (như trong việc viết câu lệnh if-else).
-
Đối với AI Engineer: họ làm việc dựa trên xác suất, nên không bao giờ có chuyện kết quả đúng 100%.
Tuy nhiên, anh Bình nhấn mạnh rằng AI vẫn dựa trên mã code của phần mềm, chẳng hạn như ngôn ngữ lập trình Python. Do đó, một AI Engineer trước hết cần nắm vững kỹ năng phần mềm và lập trình, sau đó mới đến những kiến thức chuyên sâu về AI như thuật toán để lập trình các mô hình AI, sử dụng thành thạo các framework liên quan, thậm chí mở rộng sang những kỹ năng về cloud cao cấp như Azure hay AWS.
Anh Bình cũng cho rằng việc trở thành một Software Engineer cứng từ ban đầu sẽ mang lại rất nhiều lợi ích khi chuyển sang AI Engineer. Điều này giúp xóa bỏ rào cản giữa những người làm AI với những bài toán lý thuyết và những người làm phần mềm thực tiễn, đưa những ứng dụng vào thực tế một cách hiệu quả.
3. Software Engineer hoàn toàn có thể chuyển sang AI Engineer
Với xuất phát điểm từ vị trí Software Engineer các bạn hoàn toàn có thể ứng tuyển vào vai trò AI Engineer. Để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng, các bạn nên trang bị cho bản thân 3 điều sau:
-
Về kiến thức: Chuẩn bị các kiến thức căn bản và trau dồi kỹ năng liên quan.
-
Về CV: Chuẩn bị một mini demo để minh họa khả năng. Mô tả kinh nghiệm thông qua các từ khóa chuyên ngành, ví dụ: AI thuộc mảng gì? Sử dụng bài toán nào? Có các tiêu chí (matrix) nào để đánh giá?
-
Về quá trình phỏng vấn: Tự tin thể hiện sự vững vàng trong chuyên môn, kiến thức nền tảng tốt và có tầm nhìn dài hạn. Chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy niềm đam mê và nhiệt huyết bằng cách thể hiện tinh thần luôn sẵn sàng học hỏi kiến thức mới.
4. Không cần phải thật sự cao siêu mới học được AI, có đam mê và sự lì lợm là đủ
Anh Bình chia sẻ rằng AI là một lĩnh vực tương đối mới, đòi hỏi người học phải có tư duy tự học rất tốt. Hầu hết các bạn làm IT đều có chỉ số IQ cao, vì vậy anh Bình tin rằng nếu không thể tiếp cận theo một cách, ta hoàn toàn có thể tìm ra phương pháp khác phù hợp. Quan trọng nhất là không bao giờ bỏ cuộc. “Đừng nghĩ rằng AI là quá cao siêu; chỉ cần đủ nhiệt huyết, đam mê và lòng kiên trì, bạn hoàn toàn có thể chinh phục thành công lĩnh vực này.” anh Bình cho hay.
Lời kết
Nếu như trước đây, AI vẫn còn là một cái gì đấy cao siêu, xa lạ thì giờ đây, thông qua những chia sẻ từ anh Bình, bất kỳ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào cũng đều có thể dễ dàng tiếp cận và chinh phục lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo nếu có đủ đam mê, kiên trì và một mindset vững vàng.
Đừng quên đón chờ những tập tiếp theo của “Một Tách Codefee” vào lúc 20h, Thứ 5 cuối cùng mỗi tháng, trên Fanpage và Youtube VietnamWorks inTECH nhé!
Tìm hiểu thêm chương trình TẠI ĐÂY