Vào ngày 23 tháng 10 năm 2023 – VietnamWorks inTECH - thương hiệu việc làm & tuyển dụng ngành Công Nghệ Thông Tin, trực thuộc Navigos Group, cho ra mắt “Báo cáo Thực trạng Nhân sự & Xu hướng tuyển dụng ngành Công Nghệ giai đoạn 2022- 2023 ”.

Suy thoái kinh tế toàn cầu đã gây ra những tác động không nhỏ đến lĩnh vực Công nghệ Thông tin. Bên cạnh đó, thiếu hụt nhân sự chất lượng cao cùng những thách thức trong bài toán thu hút và giữ chân nhân tài đã buộc nhiều doanh nghiệp phải thay đổi lại cơ cấu nhân sự và chiến lược tuyển dụng. Từ đó, sự cạnh tranh giữa các ứng viên trong thị trường lao động ngày càng trở nên gay gắt hơn, khiến nhiều ứng viên phải không ngừng nâng cấp bản thân để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Vì vậy, với mong muốn được đồng hành cùng doanh nghiệp và ứng viên, VietnamWorks inTECH cho ra đời “Báo cáo Thực Trạng Nhân Sự Và Tuyển Dụng Ngành CÔNG NGHỆ Giai Đoạn 2022 - 2023”. 

Báo cáo nhằm mang đến cho doanh nghiệp và người lao động ngành CNTT góc nhìn đa chiều để tham khảo về thực trạng nhân lực hiện nay trước tác động mạnh mẽ của suy thoái kinh tế, nhu cầu tuyển dụng - tìm việc, những mục tiêu và sự chuẩn bị cần thiết đối với nhân sự ngành CNTT trong tương lai. 

Ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đối với doanh nghiệp và nguồn nhân lực CNTT

1. Đối với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp công nghệ nói riêng

  • Theo vị trí địa lý

Các doanh nghiệp tại Hà Nội và TP.HCM chịu tác động mạnh bởi làn sóng sa thải nhân sự hơn so với các tỉnh thành khác.

Dựa vào kết quả khảo sát, TP. HCM và Hà Nội là 2 thành phố lớn tập trung nhiều cơ hội việc làm nên bị tác động nhiều nhất: TP.HCM có tỉ lệ cắt giảm nhân sự cao nhất (22.2%), Hà Nội có tỷ lệ cắt giảm nhân sự thấp hơn, nhưng thay vào đó, các doanh nghiệp tại Hà Nội thường chọn cắt giảm lương, tiền thưởng hoặc phúc lợi khác (chiếm 14.7%).


  • Theo mô hình kinh doanh 

Doanh nghiệp có sản phẩm - dịch vụ không thuộc ngành công nghệ có tỉ lệ nhân sự ổn định nhất.

Nhóm doanh nghiệp có sản phẩm - dịch vụ không thuộc ngành công nghệ có số lượng nhân sự làm CNTT không quá nhiều so với doanh nghiệp là công ty công nghệ hoặc Outsource/Consulting (Hỗ trợ gia công các dự án công nghệ cho khách hàng), do vậy nhân sự CNTT ở nhóm này có tỉ lệ ổn định cao nhất (76,4%). Trong khi đó, 2 nhóm còn lại chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn, tỷ lệ nhân sự bị ảnh hưởng lên đến 42%. 

  • Theo quy mô nhân viên

Những công ty có quy mô nhân sự dưới 100 người có tỉ lệ cắt giảm nhân sự cao. Doanh nghiệp có số nhân viên từ 1.000 - dưới 3.000 có tỉ lệ nhân sự ổn định nhất (76.5%), tuy nhiên các công ty trên 3.000 nhân sự có tỉ lệ giảm lương, tiền thưởng hoặc phúc lợi khác khá cao (16.7%).

2. Đối với lực lượng nhân sự CNTT 

  • Theo số năm kinh nghiệm

Nhóm lao động CNTT dưới 1 năm kinh nghiệm chịu ảnh hưởng nặng nhất từ làn sóng cắt giảm nhân sự.

Xét theo số năm làm việc, các vị trí trong ngành CNTT từ 3 năm - 8 năm kinh nghiệm có tỷ lệ công việc ổn định cao nhất, chiếm đến 65.1%. Mặt khác, nhóm lao động dưới 1 năm kinh nghiệm chịu tác động lớn nhất khi chỉ có 23.8% người có công việc ổn định. Đồng thời, nhóm này cũng có tỷ lệ đã bị thôi việc và chưa có việc làm mới cao nhất lên đến 30.3%.

  • Theo vị trí địa lý

Lực lượng lao động CNTT tại khu vực TP.HCM chịu ảnh hưởng nặng từ làn sóng cắt giảm nhân sự.

Làn sóng cắt giảm nhân sự tác động không nhỏ đến lực lượng nhân sự CNTT, đặc biệt tại khu vực TP.HCM, tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng lên đến 47%, trong khi nhân sự tại khu vực Hà Nội có xu hướng tự thôi việc, tìm kiếm cơ hội mới nhiều hơn.

  • Theo mô hình kinh doanh 

Lao động CNTT làm việc tại doanh nghiệp Outsource/Consulting chịu ảnh hưởng cao nhất trong 3 mô hình kinh doanh. 

Nhìn chung, nhân sự CNTT thuộc cả 3 mô hình đều chịu ảnh hưởng lớn bởi suy thoái kinh tế. Theo đó, nhân sự CNTT làm việc tại các công ty thuần về công nghệ ghi nhận có công việc ổn định nhất, chiếm 61.3%. Tuy nhiên, tại các doanh nghiệp Outsource/Consulting, chỉ có 45.6% nhân sự có công việc ổn định và là nhóm bị ảnh hưởng cao nhất trong 3 mô hình. Đối với nhân sự CNTT làm việc ở các doanh nghiệp có sản phẩm - dịch vụ không thuộc ngành công nghệ thì lại có xu hướng tự thôi việc, tìm kiếm cơ hội mới cao hơn so với các mô hình khác, chiếm 21.6%.

Thực trạng ngành CNTT hiện nay

1. Các ngôn ngữ lập trình thông dụng

Javascript, Java tiếp tục dẫn đầu là những ngôn ngữ lập trình được nhiều lập trình viên và doanh nghiệp ưu tiên sử dụng. 

PHP tuy cũng được các doanh nghiệp quan tâm nhưng chỉ khoảng 5.2% số lượng lập trình viên đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Thêm vào đó, khoảng 2.2% doanh nghiệp cũng đang có nhu cầu tuyển dụng những ứng viên am hiểu ngôn ngữ Kotlin. Cũng theo số liệu khảo sát, SQL là ngôn ngữ truy vấn được nhiều ứng viên ưu tiên sử dụng (17.1%) và tuyển dụng nhiều nhất (10.7%).

2. Các Libraries & Frameworks thông dụng

.NET tiếp tục dẫn đầu là những libraries và frameworks thông dụng nhất

Theo sau đó, lần lượt React.js và Node.js được ghi nhận là những libraries và frameworks thông dụng tiếp theo. Tuy nhà tuyển dụng có nhu cầu cao đối với Angular và React Native, các lập trình viên có xu thế lựa chọn jQuery và ASP.NET nhiều hơn.

3. Chuyên môn của người lao động và nhu cầu của doanh nghiệp 

Software Developer, Tester/QA-QC, Business Analysis là ba vị trí được ứng viên và doanh nghiệp quan tâm nhất. 

Bên cạnh đó, từ kết quả khảo sát dành cho nhà tuyển dụng, DevOPs đứng thứ 3 trong những vị trí công việc khó tuyển dụng nhất, chiếm 18,6% trên tổng lượt trả lời. Vị trí có rất ít ứng viên đáp ứng (1.1%) dù nhu cầu tuyển dụng thường xuyên của doanh nghiệp đối với chuyên môn này lại khá cao (6.1%).

Nhu cầu, thách thức & mục tiêu tuyển dụng ngành CNTT trong giai đoạn tiếp theo

1. Nhu cầu tuyển dụng nhân sự CNTT của doanh nghiệp trong giai đoạn cuối năm 2023 đến năm 2024

Doanh nghiệp tại các thành phố vẫn có nhu cầu tuyển dụng nhân sự CNTT.

Chịu ảnh hưởng bởi làn sóng sa thải ào ạt, song các doanh nghiệp tại các thành phố vẫn có nhu cầu tuyển dụng nhân sự CNTT trong thời gian tiếp theo, cụ thể là khoảng từ 10 đến 30 lao động, trong đó Hà Nội chiếm tỷ lệ cao nhất (53.3%).

Đối với doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm công nghệ và doanh nghiệp có sản phẩm - dịch vụ không thuộc ngành công nghệ dự kiến có xu hướng tuyển dụng ổn định, chủ yếu vào khoảng dưới 30 nhân sự. Ngược lại, do tính chất công việc, doanh nghiệp CNTT Outsource/Consulting có xu hướng tuyển nhân sự liên tục theo từng dự án với số lượng nhiều hơn trong khoảng từ 50 - 100 người.

2. Thách thức đối với doanh nghiệp và người lao động

  • Yếu tố khó khăn doanh nghiệp gặp phải trong quá trình tuyển dụng 

Thiếu hụt nhân sự chất lượng cao tiếp tục là thách thức lớn của các doanh nghiệp.

Suy thoái kinh tế buộc các doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, giảm ngân sách dành cho hoạt động tuyển dụng. Thêm vào đó, dù nhu cầu nguồn nhân lực nhóm ngành công nghệ vẫn có nhưng thực trạng thiếu hụt nhân sự chất lượng cao vẫn còn là thách thức lớn. 

Product Owner/Product Manager, Full-stack Developer và DevOps Engineer là 3 vị trí hàng đầu mà các doanh nghiệp đánh giá là khó để tìm ra ứng viên phù hợp. Ngoài ra, khi được hỏi về các cấp bậc khó tuyển dụng, 89.9% doanh nghiệp cho biết là khó tìm ứng viên ở những vị trí cấp cao (senior) trở lên.

  • Yếu tố khó khăn ứng viên gặp phải trong quá trình tìm kiếm công việc mới

Ứng viên CNTT đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình tìm việc.

25.7% nhân sự CNTT thấy khó khăn khi tìm việc vì “Không có nhiều vị trí để ứng tuyển”, theo sau là “Tỉ lệ chọi ứng viên cao”, cũng như do sự chênh lệch giữa nhu cầu của doanh nghiệp và kinh nghiệm của ứng viên.

3. Mục tiêu tuyển dụng và mục tiêu sự nghiệp của doanh nghiệp và người lao động 

  • Mục tiêu tuyển dụng của doanh nghiệp

Các doanh nghiệp sẽ nâng cao yêu cầu tuyển dụng để có đội ngũ nhân sự CNTT chất lượng, giàu kinh nghiệm, và có khả năng đa nhiệm.

Giai đoạn sắp tới, các doanh nghiệp sẽ tập trung vào chất lượng tuyển dụng nhiều hơn, có yêu cầu khắt khe hơn, ưu tiên các ứng viên đa nhiệm, có thể đảm nhận nhiều công việc và có kinh nghiệm cao. 23.5% các doanh nghiệp cho biết sẽ tập trung vào việc duy trì đội ngũ nhân tài hiện có, tiếp đến là xây dựng thương hiệu tuyển dụng trong cộng đồng công nghệ. Mặt khác, có 15.2% nhà tuyển dụng sẽ ưu tiên việc mở rộng khối Nhân sự CNTT. 

  • Mục tiêu sự nghiệp của người lao động

Sau làn sóng cắt giảm nhân sự, nhân sự IT có phần bớt khắt khe và chủ động hơn trong quá trình tìm kiếm công việc.

“Trong giai đoạn kinh tế ổn định thì nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp CNTT gần như bùng nổ để phục vụ sự tăng trưởng nên nhân sự CNTT luôn được các doanh nghiệp chú trọng và “săn đón”. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại khi Việt Nam bị các yếu tố kinh tế tác động, các doanh nghiệp thu hẹp nhu cầu và ngân sách tuyển dụng, đồng thời đặt ra yêu cầu cao hơn, đòi hỏi nhân sự có nhiều kỹ năng, đảm đương nhiều trách nhiệm hơn. Người lao động ngành CNTT cũng có những thay đổi rõ rệt trong hành vi tìm việc: Lao động có ý định chuyển việc sẽ cân nhắc hơn trong quyết định, và mong muốn tìm được một công ty ổn định. Bên cạnh đó, các lao động đang tìm việc mới cũng có xu hướng lựa chọn công ty ít biến động bằng cách hạ thấp sự kỳ vọng về mức lương, phúc lợi, và môi trường làm việc. Ngoài ra, các lao động CNTT cũng chủ động tìm kiếm trau dồi kỹ năng để đáp ứng với yêu cầu của doanh nghiệp.”  - ông Cái Đăng Sơn, Giám đốc bộ phận phát triển Sản phẩm & Kỹ thuật, Navigos Group chia sẻ. 

mr-cai-dang-son-director-of-product-and-engineering-of-navigos-group

Ông Cái Đăng Sơn, Giám đốc bộ phận phát triển Sản phẩm & Kỹ thuật, Navigos Group

Theo kết quả khảo sát, có đến 42.4% ứng viên hiện đang tìm kiếm công việc mới và 23.7% có ý định chuyển việc trong trong 12 tháng tiếp theo, nhưng vẫn trong lĩnh vực công nghệ. Người lao động cũng cho biết họ sẽ tiếp tục trau dồi thêm các kỹ năng/chuyên môn và đặc biệt quan tâm đến công nghệ mới hoặc ngôn ngữ lập trình mới. Bên cạnh đó, ngoại ngữ cũng là một trong những yếu tố quan tâm hàng đầu của ứng viên CNTT, chiếm 37.6%. 

Các ứng viên ngành CNTT chủ yếu tìm việc trên các trang mạng xã hội (chiếm 20.6%), theo sau đó là các website tuyển dụng trực tuyến như VietnamWorks với 19.1%.

Tham khảo & tải về đầy đủ nội dung báo cáo tại đây

—————————

THÔNG TIN THƯƠNG HIỆU

VietnamWorks inTECH là thương hiệu việc làm & tuyển dụng ngành CNTT với sứ mệnh đem đến cho người lao động các công việc chất lượng cao với đa dạng vị trí và cấp bậc tuyển dụng từ những công ty công nghệ đầu ngành.  

VietnamWorks inTECH thuộc trang VietnamWorks.com và là thương hiệu thuộc sở hữu của Navigos Group -  đơn vị cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự hàng đầu Việt Nam. Từ năm 2013, Navigos Group Việt Nam chính thức trở thành thành viên của tập đoàn en Japan chuyên cung cấp các dịch vụ về tuyển dụng nhân sự có trụ sở chính tại Tokyo (Nhật Bản). Đến nay, Navigos Group đã đánh dấu hơn 20 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam và sở hữu hệ sinh thái tuyển dụng đa dạng bao gồm: Navigos Search và VietnamWorks. 

VietnamWorks inTECH

TẠO TÀI KHOẢN MỚI: XEM FULL “1 TÁCH CODEFEE” - NHẬN SLOT TƯ VẤN CV TỪ CHUYÊN GIA - CƠ HỘI RINH VỀ VOUCHER 200K