“Bạn dự định làm cho chúng tôi trong bao lâu?" là một trong những câu hỏi phỏng vấn khó mà không phải ứng viên nào cũng có câu trả lời vừa lòng nhà tuyển dụng.

Bên cạnh các câu hỏi phỏng vấn về mục tiêu và kinh nghiệm làm việc, một số nhà tuyển dụng sẽ đưa ra câu hỏi “Bạn dự định làm cho chúng tôi trong bao lâu?” để đánh giá tính cách và nhiệt huyết của ứng viên với công ty, công việc mà bản thân ứng tuyển. Và bài viết sau đây sẽ giúp bạn có câu trả lời ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng và trở thành ứng viên tiềm năng cho công việc mới. 

Tại sao nhà tuyển dụng đặt câu hỏi:“Bạn sẽ gắn bó với công ty trong bao lâu?”

Tìm hiểu về mục tiêu dài hạn và ngắn hạn của ứng viên là cách để nhà tuyển dụng có thể đánh giá nhiệt huyết trong công việc của ứng viên, từ đó đưa ra sự lựa chọn phù hợp nhất. Bên cạnh đó, câu trả lời cũng sẽ cho nhà tuyển dụng biết một phần nào đó sự cống hiến và tinh thần làm việc của ứng viên trong thời điểm hiện tại.

Ngoài ra, đây cũng là một “mẹo” để nhà tuyển dụng loại bỏ những ứng viên chưa sẵn sàng đi làm việc trong thời gian gần hoặc chỉ ứng tuyển vì đang “chênh vênh” trên con đường sự nghiệp của bản thân.

Cách trả lời câu hỏi phỏng vấn:“Bạn sẽ gắn bó với công ty trong bao lâu?”

Đối với câu hỏi này, bạn không nên trả lời một cách trực tiếp bằng cách đưa ra cụ thể một con số liên quan đến thời gian bởi vì việc này sẽ khiến bạn giống như “kẻ bao hoa”,  giảm đi sự tin tưởng từ nhà tuyển dụng. Thay vào đó, hãy chia sẻ với nhà tuyển dụng những kế hoạch dài hạn mà bạn dự định thực hiện nếu nhận việc tại công ty.

Vì nhà tuyển dụng nào cũng mong muốn tìm kiếm một ứng viên sẵn sàng gắn bó với công việc trong thời gian dài. Nên ngoài việc chia sẻ những mong muốn, dự định tương lai, bạn có thể nói đến mục đích, nhiệt huyết làm việc cũng như các yếu tố bạn mong muốn ở một công việc. Đó có thể là sự thăng tiến, thách thức trong công việc, cơ hội được tăng lương thường xuyên, môi trường làm việc phù hợp,…

Những điều này sẽ giúp nhà tuyển dụng có cái nhìn rõ ràng, khách quan hơn cũng như đánh giá cao tính cách chân thật, thẳng thắn của bạn. Và một điều giúp bạn ghi điểm trong câu hỏi phỏng vấn này chính là không thể hiện những góc nhìn tiêu cực hay biểu hiện cá tính quá mạnh. Vì đa phần nhà tuyển dụng đều ngần ngại trước ứng viên có khuynh hướng bảo thủ, thiếu sự mềm mỏng.

Một số câu trả lời bạn có thể tham khảo:

Tốt nhất là bạn hãy nói về triển vọng hợp tác giữa bạn và doanh nghiệp. Nếu bạn có thể cống hiến những giá trị thực tế hữu ích, giúp công ty phát triển hơn nữa và đổi lại, công ty trả cho bạn mức lương xứng đáng, có các chương trình đào tạo, thúc đẩy nhân viên cũng như có môi trường làm việc lý tưởng thì bạn có thể gắn bó lâu dài. Ngược lại, 1 trong 2 bên hoặc cả 2 bên đều cảm thấy không thể tiếp tục hợp tác thì rõ ràng mọi "dự định" bạn đưa ra từ trước sẽ không còn giá trị.

Bạn có thể tham khảo một số câu trả lời mẫu sau:

Tiếng Việt:

“Tôi đã luôn tìm một công ty để tôi được thử thách bản thân và mang đến những giá trị tốt đẹp cho mọi người. Ở công ty bạn, có lẽ tôi đã tìm thấy những cơ hội đó và tôi chắc chắn sẽ làm việc trong một thời gian dài.”

“Theo tôi thấy, công ty bạn cho ứng viên một số cơ hội tuyệt vời để phát triển sự nghiệp. Vì vậy, nếu công ty thấy rằng năng lực của tôi phù hợp với công việc thì tôi luôn sẵn sàng làm việc cho công ty.”

Tiếng Anh:

“I have always been looking for a company where I can challenge myself and bring good values to everyone. In your company, perhaps I have found those opportunities and I will definitely work for a long time."

“As far as I can see, your company gives candidates some great opportunities for career development. Therefore, if the company finds that my qualifications are suitable for the job, I am always ready to work for the company. "

Một số gợi ý trả lời khác là:

"Rất khó để tôi đưa ra một con số chính xác và thời gian tôi muốn làm việc ở công ty mình. Tôi hi vọng tôi có thể mang đến những đóng góp và thay đổi tích cực cho công ty, đồng thời được cung cấp một môi trường tốt để xây dựng sự nghiệp. Nếu được như vậy, tôi sẽ làm càng lâu càng tốt".

"Tôi biết rằng trong toàn lĩnh vực, danh tiếng của công ty thuộc top tốt nhất. Tôi sẽ rất tự hào khi được làm việc ở đây và nỗ lực phấn đấu để công ty phát triển lớn mạnh hơn. Hy vọng rằng nếu có thể hợp tác, chúng ta sẽ hợp tác lâu dài nhất có thể".

"Trong công việc, tôi là người có tư duy nhanh và sẵn sàng đổi mới để tiến bộ. Tuy vậy, tính cách của tôi thiên về gắn bó với những thứ, những nơi tôi yêu thích và cảm thấy phù hợp. Nếu như môi trường làm việc của công ty phù hợp, tôi sẽ muốn làm việc ở đây thật lâu, ít nhất là trong vài năm tới".

"Ai đi làm cũng muốn được gắn bó với nơi làm việc vì thời gian ở văn phòng mỗi ngày có khi còn dài hơn ở nhà. Tôi cũng vậy. Tôi hi vọng công ty sẽ trở thành ngôi nhà thứ 2 của mình, do đó tôi sẽ phấn đấu để đóng góp nhiều hơn và được hợp tác với công ty lâu hơn".

Tránh nói điều gì trong cuộc phỏng vấn về mục tiêu, dự định?​

Trước tiên, bạn không bao giờ nên đề cập đến một số năm cụ thể. Nếu bạn nói là "tôi sẽ làm việc ở đây tạm thời hoặc chỉ trong một thời gian ngắn" thì chắc chắn đây không phải là một câu trả lời thích hợp. Thay vì vậy, câu trả lời của bạn nên ngắn gọn và mở rộng nó với kế hoạch tương lai của bạn.

Nếu câu trả lời của bạn là "tôi không chắc sẽ làm trong bao lâu" thì nó lại cho thấy bạn không tự tin về năng lực của bản thân hoặc bạn là người thích "nay đây mai đó" và không có định hướng cho tương lai. Nhà tuyển dụng đôi khi còn có thể sẽ nghi ngờ rằng bạn không có tinh thần cống hiến cho công ty, bạn sẽ bỏ việc giữa chừng,... Theo đó, bạn không nên dùng câu trả lời này.

Với những ứng viên có kỹ năng trả lời phỏng vấn tốt sẽ gây ấn tượng được với nhà tuyển dụng. Lời khuyên cho những ai đang chuẩn bị ứng tuyển vào vị trí nào đó là đi phỏng vấn, đừng chỉ ngồi nghe và trả lời câu hỏi của người phỏng vấn mà hãy chủ động đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng để họ thấy được bạn là người thật sự quan tâm và nghiêm túc với công việc này.

Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn vượt qua buổi phỏng vấn và thành công sở hữu một công việc đúng ý trong tương lai nhé!

Nguồn: Tổng hợp

VietnamWorks inTECH