Làm thế nào để ghi điểm tốt trong một cuộc phỏng vấn? Là câu hỏi có lượt tìm kiếm nhiều nhất hằng năm trên Google. Việc dành thời gian chuẩn bị trước cho một cuộc phỏng vấn có thể giúp bạn ghi điểm tốt trong buổi phỏng vấn đối với nhà tuyển dụng tiềm năng của mình. Bài viết dưới đây của Vietnamworks inTECH sẽ giúp bạn những điều cần chuẩn bị trước khi cuộc phỏng vấn diễn ra. 

Ôn lại kiến thức chuyên môn

Đối với phần phỏng vấn technical, nhà tuyển dụng sẽ luôn đặt những câu hỏi cơ bản liên quan đến mảng bạn đang làm việc, vì thế bạn cần phải nắm rõ các khái niệm cơ bản của những kiến thức đó. Chẳng hạn như vị trí Front-end Developer, bạn nên am hiểu các khái niệm như các framework của Javascript, jQuery, Typescript… Hay vị trí QA/QC bạn nên hiểu rõ về quy chuẩn thiết kế CSDL quan hệ, SQL/MySQL …

Lưu ý: Đừng nên “phông bạt” kinh nghiệm trong CV

Thực tế cho thấy nhiều ứng viên khi ứng tuyển thường “chém gió” khá nhiều ở phần mô tả công việc tại vị trí cũ, với suy nghĩ là “Thừa còn hơn thiếu”. Suy nghĩ như vậy cũng không hẳn sai, tuy nhiên sẽ khiến CV trở nên dài dòng và lan man, thiếu tập trung. Đặc biệt, để hiểu rõ hơn về những gì ứng viên đã làm được từ công việc cũ, nhà tuyển dụng sẽ luôn đặt câu hỏi liên quan đến những kinh nghiệm mà bạn ghi trong CV. Để tránh việc gây mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng, hãy chỉ nêu ra những scope of work và thành tựu nổi bật mà bạn đã từng làm ở vị trí cũ.

Phân tích công việc và tìm hiểu công ty

Một trong những điều quan trọng trước khi phỏng vấn là phải hiểu rõ về doanh nghiệp và vị trí ứng tuyển. Bạn cần phải tìm hiểu rõ yêu cầu và bản chất công việc mà công ty đang cần, để xem bản thân mình có đáp ứng được những điều ấy không và chuẩn bị thật tốt cho những câu hỏi liên quan đến những kỹ năng đó. Đầu tiên hãy xem trong phần mô tả tuyển dụng, xem công ty đang cần tìm ứng viên như thế nào. Lên kế hoạch các kỹ năng, kiến thức, phẩm chất mà nhà tuyển dụng yêu cầu.

Tiếp theo đó, việc nghiên cứu kỹ về doanh nghiệp sẽ giúp bạn trả lời các câu hỏi liên quan đến ngành hoặc lĩnh vực ứng tuyển, từ đó bạn có thể đặt câu hỏi ngược lại cho người phỏng vấn để chắc rằng  bản thân phù hợp với môi trường văn hoá tại công ty.

Hãy tham khảo trang web của công ty, đặc biệt là trang “Giới thiệu về chúng tôi”. Tìm hiểu công ty với các tổ chức khác trong cùng ngành bằng cách đọc các bài báo của công ty trên các tạp chí thương mại hoặc trên trang web. Bạn cũng nên xem những đánh giá của nhân viên hoặc khách hàng của công ty.

Mẹo: Hãy dành thời gian tìm hiểu trên mạng của bạn để xem liệu bạn có biết ai đó có thể giúp bạn vượt trội hơn các ứng viên khác trong một cuộc phỏng vấn hay không.

Thực hành phỏng vấn

Hãy dành thời gian để thực hành trả lời các câu hỏi phỏng vấn mà bạn có thể sẽ được hỏi. Một khi đã luyện tập thuần thục, bạn sẽ tự tin hơn, không bị rối và biết cách trả lời đúng và đủ.

Nghe và đặt câu hỏi

Trong một cuộc phỏng vấn xin việc, lắng nghe sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi một cách khôn ngoan. Nếu không chú ý bạn sẽ không đưa ra được câu trả lời tốt. Bạn phải lắng nghe người phỏng vấn, chú ý và nếu cần, hãy dành thời gian để viết một câu trả lời thích hợp.

Ngoài ra, hãy cố gắng tương tác thật nhiều với người phỏng vấn, chứ không nên trả lời các câu hỏi theo kiểu học vẹt, cố gắng chuẩn bị câu hỏi để hỏi người phỏng vấn, lưu ý nên biết đặt câu hỏi phù hợp với hoàn cảnh. Đối với phần phỏng vấn technical, để ghi điểm tốt hơn, hãy trả lời câu hỏi kèm với ví dụ, kinh nghiệm thực tế mà bạn đã từng gặp. 

Đừng quên, vào cuối buổi phỏng vấn, hãy cho nhà tuyển dụng biết rằng bạn nghĩ rằng công việc đó phù hợp và bạn quan tâm.

Những điều bạn nên tránh nói ra trong lúc phỏng vấn

  • Nói về công ty cũ một cách tiêu cực

  • Trả lời “Tôi không biết”

  • Từ chối trả lời câu hỏi

  • Thảo luận về quyền lợi kém tinh tế

VietnamWorks inTECH