Bạn có bao giờ thắc mắc một chiếc CV của những ứng viên thành công lọt vào mắt xanh phòng nhân sự tại các công ty công nghệ hàng đầu thế giới sẽ trông như thế nào? Cùng VietnamWorks inTECH điểm qua một vài lời khuyên trong quá trình build CV cá nhân chuẩn FAANG+ từ tác giả Sean - một kỹ sư phần mềm đang làm việc và sinh sống tại Mỹ nhé.

1. FAANG+ là gì?

FAANG+ là cách gọi không chính thống nhưng cũng khá phổ biến để chỉ những công ty công nghệ hàng đầu đã trưởng thành như Google, Facebook, Amazon, Netflix, Microsoft,...Hay hiểu một cách rộng hơn, FAANG+ dùng để chỉ những công ty có danh tiếng và đãi ngộ tốt dành cho những ai làm việc trong lĩnh vực công nghệ.

Theo đó, để có thể vượt qua đến vòng phỏng vấn, nhân sự cần phải hiểu và nắm rõ những quy tắc viết CV sao cho thật chuyên nghiệp.

2. 1001 chuyện build CV - Nên & Không nên

Bên cạnh việc “show-off” background học vấn “xịn sò” hay kinh nghiệm dày dặn, một CV tốt cần có sự ngắn gọn, súc tích, liệt kê những thông tin có giá trị nhất về ứng viên đối với vị trí họ quan tâm. Vì vậy, ta cần lưu ý những điểm nào nên tránh để đỡ làm mất chỗ những thông tin quan trọng và những chi tiết nào ghi điểm nên có để làm hồ sơ của mình thêm phần nổi bật.

Không nên - Đề cập đến những thông tin cá nhân không liên quan

Từ những dịp nói chuyện và xem qua CV của một số bạn IT ở VN, tác giả nhận định khoảng gần 50% có thói quen đưa những thông tin cá nhân không liên quan vào CV như là: hình cá nhân, ngày tháng năm sinh, địa chỉ chỗ ở, giới tính, tình trạng hôn nhân, quê quán/quốc tịch, sở thích, v.v…

Những thông tin này, ngoài chuyện không liên quan tới yêu cầu công việc của một kỹ sư phần mềm, còn có rủi ro trong việc tạo ra những sự thiên vị ngoài ý muốn. Sự thiên vị này có thể có lợi, cũng có thể có hại. Nếu ứng viên không chắc mình sẽ có lợi thì tốt nhất không nên đưa vào.

Ở Mỹ, khi đi phỏng vấn ứng viên ở các công ty lớn, một trong những điều cấm kỵ là hỏi về tuổi tác, tình trạng hôn nhân, quốc tịch/gốc gác, chỗ ở, hay ngày tháng năm sinh.

Không nên - Đề cập đến những kinh nghiệm không liên quan

Bạn không bắt buộc phải liệt kê tất cả những gì bạn đã làm trong CV. Những công việc ngoài chuyên môn như: gia sư, đi phụ việc trong nhà hàng hoặc quán cà phê, v.v… nhìn chung không phải là nội dung có liên quan tới vị trí kỹ sư phần mềm.

Ngoài ra, ngay cả những dự án nhỏ mà bạn chỉ tham gia trong một thời gian ngắn hoặc không có vai trò gì đặc biệt thì cũng không cần thiết phải đưa vào CV. Những thông tin đó sẽ trở thành thông tin gây nhiễu khiến cho nhà tuyển dụng khó khăn trong việc đánh giá về career path của bạn.

Những công việc đã làm và kết thúc ở một thời điểm quá lâu trong quá khứ cũng không nhất thiết phải đưa vào.

Tuy nhiên, sẽ luôn luôn có những ngoại lệ với những điểm được đưa ra ở trên. Đối với những trường hợp như vậy, ứng viên cần phải đảm bảo thông tin cung cấp phải thực sự có giá trị và liên quan đến JD, không nên chỉ ghi vào một thông tin vì nó là một việc đã từng diễn ra.  

Không nên - Bỏ vào những chứng chỉ và bằng cấp không liên quan

Mỗi ngành nghề riêng sẽ có những thông lệ khác nhau liên quan tới chứng chỉ và bằng cấp. Hiện nay, đối với ngành kỹ sư phần mềm ở Mỹ nói chung, việc tốt nghiệp từ một trường tốt là một lợi thế. Tuy nhiên, nó chỉ giúp ích ở thời điểm chưa tốt nghiệp hoặc vừa tốt nghiệp chưa lâu. Đối với người có kinh nghiệm làm việc lâu năm, bằng cấp và chứng chỉ chỉ là thứ yếu. Những gì đã làm được ở những vị trí, công việc trước đó mới là chủ yếu.

Các chứng chỉ chuyên môn được cấp bởi các công tư lớn như Google, Microsoft, Oracle, Cisco, v.v… nhìn chung không được sự chú ý đặc biệt từ nhà tuyển dụng ở các công ty FANG+. Chúng có thể được liệt kê trong CV để thể hiện ứng viên có kinh nghiệm nhất định ở một mảng kiến thức cụ thể. Tuy nhiên, việc sử dụng cần được cân nhắc để tránh chiếm chỗ của những thông tin khác.

Nên - Kinh nghiệm, kinh nghiệm và kinh nghiệm (Điều quan trọng cần nhắc lại 3 lần)

Kinh nghiệm luôn là yếu tố quan trọng nhất đối với nhà tuyển dụng. Một ứng viên có nhiều kinh nghiệm sẽ luôn tìm được nhiều cơ hội và luôn được săn đón trên thị trường.

Có một công thức trong việc diễn đạt một kinh nghiệm chuyên môn có thể làm cho CV dễ đọc hơn và giúp người tuyển dụng dễ dàng nhìn thấy những điểm mạnh và như tiềm năng của ứng viên, đó là tập trung vào vị trí, hành động, cách thức, và kết quả.

  • Vị trí: liệt kê vị trí và công ty đã làm, ví dụ như Software Engineering Intern, Software Engineer, Senior Software Engineer, v.v… Nếu bạn có trách nhiệm quản lý thì có thể đưa thêm vào vai trò Team Lead hoặc Software Engineering Manager.

  • Hành động: liệt kê những gì bạn đã làm ở vị trí đó. Cần tập trung vào việc liệt kê các hành động có ý nghĩa về mặt chuyên môn, ví dụ như: xây dựng một ứng dụng, thiết kế một hệ thống, lãnh đạo một nhóm có X người, chịu trách nhiệm về mặt kỹ thuật của sản phẩm Y, hướng dẫn Z kỹ sư khác, v.v…

  • Cách thức: đối với mỗi hành động liệt kê ở trên, ứng viên cần cho biết họ đã làm việc đó như thế nào, ví dụ như sử dụng công nghệ gì.

  • Kết quả: ghi rõ kết quả của những hành động đã thực hiện. Ví dụ như nếu xây dựng một ứng dụng thì ứng dụng/hệ thống đó đã làm được gì có ích về mặt kỹ thuật và/hoặc về mặt kinh doanh của công ty

Đối với 4 nhóm thông tin ở trên, ứng viên cần chú ý sử dụng những từ ngữ chuyên ngành chính xác và phổ biến để tạo cảm giác chuyên nghiệp. Điều đó giúp cho người tuyển dụng dễ dàng nhận ra là kinh nghiệm của ứng viên phù hợp như thế nào. Ngoài ra, ứng viên phải đảm bảo diễn đạt một cách ngắn gọn, rõ ràng.

Có 2 điều cần lưu ý khi trình bày kinh nghiệm làm việc trong CV:

  • Không phải kinh nghiệm nào cũng cần được trình bày có dài như nhau. Kinh nghiệm nào có mức độ liên quan cao với công việc hoặc thể hiện được nhiều điểm mạnh cần được tập trung hơn.

  • Những kinh nghiệm khác nhau có thể phù hợp với những công việc khác nhau. Vì vậy, đôi khi chúng ta cần chuẩn bị một vài bản CV khác nhau để phục vụ cho những mục đích khác nhau.

Nên - Bằng cấp và thành tích học tập

Đối với sinh viên mới ra trường hoặc người đi làm chưa lâu, kết quả học tập có vai trò khá quan trọng. Về mặt bằng cấp, với viên tốt nghiệp đại học ở Việt Nam, hầu như không có nhiều điều ta có thể làm để gây ấn tượng về mặt này. Tuy nhiên, nếu kết quả học tập tốt thì cũng nên đưa vào, ví như như tốt nghiệp loại giỏi hoặc xuất sắc. Nếu có đưa điểm trung bình khi tốt nghiệp thì cần cung cấp thêm thông tin về điểm số tương đương ở quốc gia đang xin việc.

Ngoài kết quả học tập ở trường đại học, có một số thành tích ở những cuộc thi có liên quan đến chuyên môn có thể rất có ích cho hồ sơ của bạn, ví dụ như ACM — ICPC, Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam, Google Code Jam, Facebook HackerCup, Microsoft Imagine Cup, v.v…

Nhìn chung, nếu có thành tích ở những cuộc thi này thì nên trình bày thành tích đó theo một cách ấn tượng nhất có thể, ví dụ như đoạt huy chương vàng trong tổng số 300 thí sinh, hoặc lọt vào vòng thứ n của Google Code Jam cùng với 1000 thí sinh khác trên toàn thế giới.

Riêng thành tích dự thi Hackathon có thể tính như một kinh nghiệm thực thụ nếu có giải cao (đối với sinh viên hoặc những ứng viên mới ra trường).

Nên - Kỹ năng

Kỹ năng bao gồm khả năng làm việc với một số công nghệ/ngôn ngữ lập trình cụ thể, hoặc khả năng làm những việc không liên quan tới kỹ thuật, như khả năng giao tiếp, quản lý nhóm, làm việc nhóm, v.v…

Nhìn chung, ứng viên có thể dành một phần nhỏ trong CV để tóm tắt những kỹ năng mình có. Ngoài ra, ứng viên nên dùng phần kinh nghiệm nghề nghiệp để nhấn mạnh về những kỹ năng để giúp người đọc cảm thấy thuyết phục hơn. Vì vậy, phần liệt kê kỹ năng có thể cần thiết nhưng không nên chiếm quá nhiều không gian.

Một số Tips để xây dựng CV

Có được CV tốt dĩ nhiên vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, việc làm CV có thể tốn rất nhiều thời gian song nhân sự vẫn chưa thể yên tâm về mặt trình bày, ngôn ngữ, v.v… Dưới đây là một vài phương pháp giúp IT tối ưu và tiết kiệm thời gian:

Công cụ chỉnh sửa CV - WowCV trên VietnamWorks.com

Sử dụng template sẵn có

Một vài ứng dụng như: Google Docs hay WowCV trên VietnamWorks.com có sẵn một tập hợp các template dùng cho việc viết CV. Điểm chung của các CV này là được cấu trúc chuẩn mực và chuyên nghiệp theo đúng các tiêu chí “chấm điểm” từ những doanh nghiệp hàng đầu trong và ngoài nước. Khi sử dụng những templates sẵn có này, bạn chỉ cần phải điền vào thông của mình ở những đã có sẵn mà không phải bận tâm nhiều về việc trình bày màu sắc, kiểu chữ, v.v…

Xây dựng CV dần dần theo thời gian

Thay vì tốn vài ngày để xây dựng một CV từ đầu, hãy update những thông tin đó bằng những dịch vụ lưu trữ trên internet như Google Drive, Dropbox, hoặc tốt hơn nữa là dùng hẳn một file Google Docs. Khi có một kinh nghiệm mới, bạn chỉ việc thêm nó vào và hầu như lúc nào bạn cũng có sẵn một CV để nộp ứng tuyển mà không mất quá nhiều thời gian để cập nhật lại.

Xem CV của người khác

Sẽ rất khó để biết CV của mình tốt hay không nếu không có những CV khác để so sánh. Để giải quyết vấn đề này, bạn có thể hỏi xin CV của những người khác làm việc trong những lĩnh vực mà bạn quan tâm. Một cách khác để làm việc này là tìm kiếm những người có cùng nghề nghiệp, vị trí, v.v… trên LinkedIn và xem họ trình bày về bản thân như thế nào trên LinkedIn. Từ đó mình có thể học và thậm chí sao chép cách thức người khác làm một CV ấn tượng.

Phỏng vấn ứng viên cho công ty hiện tại

Quá trình phỏng vấn sẽ giúp cho bạn có dịp tiếp xúc với CV của nhiều ứng viên khác nhau, tốt cũng có mà không tốt cũng có. Kinh nghiệm này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quát hơn về việc một CV sẽ được đánh giá như thế nào, qua đó có thể rút kinh nghiệm cho bản thân mình. Tuy nhiên, nếu môi trường làm việc có quá nhiều CV lệch chuẩn dẫn tới công ty đôi khi phải thoả hiệp với chất lượng của CV thì cách này chưa chắc có tác dụng.

Ghi chép lại về những việc mình làm ở công việc hiện tại

Nếu bạn không làm việc này, sau khoảng 1, 2 năm làm việc, đến lúc bạn phải cập nhật CV để xin việc mới, bạn sẽ rất khó để có thể nhớ hết những việc đã làm và kết quả của nó.

Ghi chép tốt những việc đang làm ở công ty hiện tại không chỉ giúp bạn update CV tốn ít thời gian hơn mà còn giúp cho bạn chuẩn bị cho những câu hỏi phỏng vấn liên quan tới công việc cũ dễ dàng hơn. Ngay cả khi bạn không có ý định nhảy việc, việc ghi chép này cũng giúp bạn dễ dàng trình bày những thành tích của mình đối với cấp trên và những người xung quanh.

Nguồn: Medium

VietnamWorks inTECH