Từ chối một lời nhờ cậy đến từ đồng nghiệp hay cấp trên không đồng nghĩa với việc bạn là người thiếu trách nhiệm hay không có tinh thần hỗ trợ. Tùy thuộc vào mức độ công việc bạn đảm nhận và năng lực bản thân, bạn có thể xem xét có nên đồng ý hay không. Nếu bạn vẫn ngại ngùng sợ làm mất lòng người khác, hãy tham khảo các cách từ chối khéo léo trong công việc trong bài viết sau đây.

1. Đồng nghiệp nhờ vả công việc, có nên từ chối không?

Dù là nhân viên mới hay đã đi làm lâu năm, đều rất e ngại khi nói lời từ chối với người khác. Bạn lo sợ sẽ làm tổn thương họ hoặc hủy hoại mối quan hệ này. Nhưng hãy nhìn thật rõ vấn đề, lý do gì khiến bạn muốn từ chối lời nhờ vả. Nếu sức khỏe của bạn đang không tốt, bạn đang vướng bận nhiều việc cần giải quyết hay việc được nhờ nằm ngoài khả năng… bạn đều có thể từ chối.

Không một đồng nghiệp nào có thể giận dữ hay ghét bỏ bạn vì bạn có một lý do chính đáng cả. Hãy mạnh dạn bày tỏ quan điểm cá nhân về công việc được nhờ cậy, biết đâu nó sẽ trở thành một điểm đặc biệt của bạn. Và nếu bạn cứ dễ dàng nhận lời bất kỳ người nào hay bất kỳ việc gì, thì bạn sẽ nhanh chóng biến thành một cỗ máy chuyên xử lý nhờ vả mất đấy!

2. Các trường hợp nên từ chối khi đồng nghiệp, cấp trên nhờ vả?

Khi công việc vượt quá khả năng

Công việc giống nhau, nằm trong khả năng, quyền hạn có thể xử lý, bạn có thể nhận. Nhưng nếu công việc vượt quá chuyên môn, hãy suy nghĩ thật kỹ về việc đồng ý. Bởi nếu nhận mà làm không tốt, bạn sẽ là người phải chịu trách nhiệm và gây ảnh hưởng đến cả tập thể. Cách từ chối khéo léo chính là đưa ra lý do chính đáng, trung thực để nhận được sự thông cảm từ người khác.

Đồng nghiệp dành thời gian cho công việc riêng

Đôi khi, đồng nghiệp của bạn đang nhận một dự án đên ngoài và họ dành thời gian để giải quyết chúng. Hay họ sử dụng quỹ thời gian làm việc để săn sale, để chơi nốt ván game hay xem livestream… Và họ sẽ nhờ bạn làm giúp phần việc để có thể rảnh rỗi và tập trung hơn. Khi gặp trường hợp này, hãy thẳng thắn bày tỏ họ nên “đúng việc đúng nơi” và tìm cách từ chối khéo léo. Nếu không sẽ luôn có lần sau và lần tiếp theo nữa đấy!

Nhờ quá nhiều lần

Nếu bạn được đồng nghiệp nhờ vả quá nhiều lần hay họ xem bạn như một chân sai vặt, hãy từ chối ngay. Nếu sự nhờ vả có liên quan đến chuyên môn thì xem xét hỗ trợ, nếu là việc cá nhân thì bạn không có trách nhiệm phải thực hiện. Mạnh dạn từ chối bằng một số lý do để còn dành thời gian phát triển năng lực.

3. Cách từ chối khéo léo, không làm mất lòng

Bạn không có lỗi

Trước tiên, để học được cách từ chối khéo léo, bạn hãy ngưng ngay việc cảm thấy áy náy khi không giúp đồng nghiệp. Vì điều quan trọng, là nhiệm vụ của bạn nhất định phải hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng. Nếu ngay bản thân mình còn chưa thực hiện tốt, bạn làm sao giúp được người khác.

Suy nghĩ cẩn thận trước khi từ chối

Luôn luôn suy nghĩ khi nhận được lời nhờ cậy. Xem xét từng góc độ như thời gian thực hiện, có đủ chuyên môn thực hiện hay không, công việc bản thân có ảnh hưởng hay không… Nhưng đừng suy nghĩ quá lâu, hãy thông báo sớm để tránh làm mất thời gian cả 2 nhé!

Lý do chính đáng để từ chối

Quan trọng nhất của cách từ chối khéo léo không làm mất lòng bất kỳ ai chính là một lý do hợp tình hợp lý. Chẳng hạn như: Bạn đang có quá nhiều việc, việc của bạn phải mất nhiều thời gian, nếu không hoàn thành đúng thời hạn bạn sẽ phải chịu một hậu quả nào đó… Thẳng thắn trình bày lý do, chắc chắn đồng nghiệp sẽ không giận dỗi nếu gây cho bạn nhiều phiền toái.

Tìm kiếm giải pháp thay thế

Tuy bạn không thể giúp đỡ, nhưng bạn có thể góp ý cách giải quyết hoặc đề xuất người phù hợp hơn. Đây cũng là một cách từ chối khéo, giúp bạn luôn được đồng nghiệp tôn trọng và yêu mến.

Đôi khi, bạn phải học cách từ chối khéo léo không làm mất lòng đồng nghiệp và sếp, nếu bạn đang có khối lượng công việc dày đặc. Nhưng nếu có thể làm được, bạn cứ đồng ý nhé, vì nó có thể là nền tảng giúp bạn thăng tiến trên con đường sự nghiệp.

HR Insider

VietnamWorks InTECH