Khi vào môi trường làm việc mới, sếp của bạn không đào tạo gì cho bạn, việc mà họ làm đó chính là giao việc vào buổi sáng và cuối ngày nhận kết quả. Họ cũng không khen ngợi nhưng khi bạn mắc lỗi, họ sẽ chỉ trích bạn ngay vào thời điểm đó. Vậy, làm thế nào để dân IT như chúng ta tự thân vận động khi bước vào môi trường làm việc mới?

1. Kết thân với đồng nghiệp nhanh chóng

Khi không có người hướng dẫn bên cạnh thì chiếc phao cứu sinh cho bạn chính là đồng nghiệp vì đã có kinh nghiệm và thành thạo nên họ sẽ người giúp bạn trong làm quen công việc mới như cách vận hành công việc, cách thức chạy service, tải tools, chia sẻ config và nhiều thứ nữa. Vì vậy, bạn hãy bắt đầu cuộc trò chuyện thân thiện ngay từ đầu. 

Tuy nhiên, họ không thể dành một phần lớn thời gian làm việc của họ để giải thích chi tiết, cặn kẽ vấn đề của công việc cho bạn. Do đó, bạn cần phải tạo mối quan hệ với càng nhiều đồng nghiệp của bạn càng tốt, như thế bạn có thể hỏi được nhiều người. Quan trọng hơn bạn cần phát triển các mối quan hệ và văn hóa làm việc theo nhóm trong suốt quá trình làm việc.

2. Nỗ lực thêm

Nếu như bạn mới bắt đầu nhận việc, bạn cần phải nỗ lực nhiều hơn. Dù các nhân viên khác đều kết thúc công việc của họ vào lúc 17h, nhưng bạn có thể kết thúc công việc muộn hơn vì bạn cần ở lại để tìm hiểu và học hỏi nhiều hơn về công việc của mình.

Tùy vào vai trò của bạn và lĩnh vực mà bạn đang làm ở ngành Công nghệ thông tin, việc note lại những gì bạn học hay những cách để xử lý tình huống không phải là điều thừa thãi. Có lẽ bạn cần thêm nhiều thời gian vào buổi tối yên tĩnh để hiểu về những kiến thức chuyên môn của công việc hay tham gia vào các khóa học thêm để nâng cao tay nghề. Dù bạn lựa chọn cách tiếp cận ra sao, việc bỏ thêm chút thời gian và nỗ lực trong vài tuần đầu tiên sẽ giúp bạn tạo ra sự khác biệt lớn.

3. Hãy hỏi khi bạn cần giúp đỡ

Có một số nhân viên mới gặp khó khăn trong vấn đề nhờ sự trợ giúp từ sếp, họ không dám hỏi và cảm thấy buồn bực khi sếp không chú ý tới mình. Mặc dù việc đề nghị sếp giúp đỡ bạn là việc đáng sợ, nhưng điều này rất quan trọng. Nếu bạn gặp khó khăn khi bạn chưa nắm rõ được quy trình làm việc, hay kiến thức của công việc nằm ngoài khả năng của mình thì bạn nên nhờ tới sự giúp đỡ của sếp. Dù sếp bận rộn nhiều việc nhưng họ vẫn muốn bạn thành công trong công việc.

Tuy nhiên, không nên hỏi và yêu cầu sự giúp đỡ khi bạn chưa thực sự làm gì hết. Sếp sẽ không biết chính xác những gì bạn đang hỏi và những gì bạn cần giải quyết, họ sẽ gặp khó khăn trong việc đưa ra định hướng giúp bạn. Vì thế, hãy trình bày bạn đã tìm hiểu được những gì, bạn biết quy trình nào và bạn gặp vướng mắc ở đâu, sau đó, bạn sẽ được sếp dẫn hoặc nhờ một nhân viên khác chỉ giúp bạn. Bạn sẽ chẳng bị mất miếng thịt nào khi hỏi sếp nên bạn nên mạnh dạn hỏi.

4. Thay đổi công việc và người quản lý 

Đã đến lúc, bạn cần chấp nhận việc tìm kiếm một nơi dừng chân khác và tìm một người dẫn đầu tuyệt vời. Nếu họ không quan tâm đến phát triển sự nghiệp của bạn, họ sẽ không ủng hộ bạn và khó có thể mong đợi đó dành thời gian xem xét việc nhận chính thức, tăng lương, hoặc thăng chức. Mọi người đều xứng đáng có một công việc tốt, một người quản lý quan tâm đến thành tích cũng như mục tiêu làm việc của nhân viên. Bạn không thể tìm thấy điều đó ở công việc hiện tại, thì bạn nên dành thời gian tìm kiếm một công việc mới, chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều so với việc giao phó sự nghiệp của mình cho một ông chủ không có định hướng đến việc phát triển sự nghiệp của bạn.

Nguồn: HR Insider

VietnamWorks inTECH