Trong bài viết này, VietnamWorks inTECH sẽ thông tin đến bạn 5 quy định cần nắm giúp “chia tay” công ty trong “êm đẹp” bạn nhé!

1. Offer Letter có thể thay thế Hợp đồng thử việc, miễn có chữ ký 2 bên

Nếu bạn không có Hợp đồng thử việc thì có thể lấy Offer Letter thay thế, miễn trong đó có chữ ký của cả 2 bên là được. Trường hợp không có Hợp đồng thử việc mà cũng chẳng có Offer Letter, nếu chẳng may xảy ra tranh chấp thì hãy tìm mọi bằng chứng chứng minh bạn có đi làm và không sai phạm gì. 

Sau đó, bạn có thể dùng bằng chứng này kiện lên Phòng Lao động Quận nơi công ty cư trú để đảm bảo quyền lợi bản thân. Hiện nay, Luật Lao động có nhiều quy định bảo vệ người lao động nên bạn có thể yên tâm nhé.

2. Nghỉ việc đúng luật phải được trả lương, dù chỉ đi làm 1 ngày

Nghỉ việc đúng luật là khi bạn có thông báo nghỉ việc trước và đảm bảo thời gian thông báo trước theo quy định công ty. Bên cạnh đó, bạn đã bàn giao công việc đầy đủ và cũng có văn bản xác nhận quá trình bàn giao này. Nếu nghỉ việc đúng luật thì không ai có quyền cản bạn nghỉ việc cả.

Công ty phải có trách nhiệm trả đủ lương cho những ngày bạn đi làm trong kỳ lương của công ty. Dù bạn chỉ đi làm 1 ngày thì công ty cũng phải trả lương cho 1 ngày. Nếu công ty bảo bạn đi làm thử vài ngày, thấy hợp thì làm tiếp còn không hợp thì không trả lương, là sai luật bạn nhé.

3. Nghỉ việc sai luật vẫn được trả lương sau tối đa 45 ngày

Công ty có quyền giữ lương và các khoản khác của bạn trong khoảng 30 ngày. Trường hợp bạn nghỉ việc sai luật và không bàn giao công việc, công ty vẫn phải trả lương cho bạn sau tối đa 45 ngày. 

Tuy nhiên, đừng dại dột nghỉ việc sai luật như nghỉ ngang đột ngột hoặc không bàn giao công việc… bạn nhé. Vì nguy cơ bạn bị HR đưa vào black list và không tái tuyển dụng là khá cao đấy. 

4. Người lao động thử việc có phải đóng bảo hiểm xã hội không?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định, người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gồm:

"Người làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng;

Người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng"

Theo đó, nếu bạn thử việc 2 tháng theo hợp đồng thử việc thì không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Nhưng bạn có thể thử việc qua 2 hình thức sau: Giao kết hợp đồng thử việc hoặc thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong HĐLĐ.

Trường hợp bạn có thời gian thử việc ghi trong HĐLĐ mà hợp đồng đó thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, thì cả công ty và bạn phải đóng BHXH bắt buộc cho cả thời gian thử việc.

5. Thuế thu nhập cá nhân nộp trong quá trình thử việc có được hoàn thuế không?

"Theo quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC về khấu trừ thuế và chứng từ khấu trừ thuế thì:

Với công ty trả tiền công cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng hoặc ký HĐLĐ dưới 3 tháng có tổng mức trả thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên, phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân."

Nếu bạn chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên, nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của bạn sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế, thì bạn có thể làm cam kết (theo mẫu ban hành kèm Thông tư) gửi công ty để công ty làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế TNCN.

Theo cam kết của bạn, công ty trả thu nhập sẽ không khấu trừ thuế. Kết thúc năm tính thuế, công ty vẫn phải tổng hợp danh sách và thu nhập của các cá nhân chưa đến mức khấu trừ thuế và nộp cho cơ quan thuế.

"Bạn phải cam kết chịu trách nhiệm về bản cam kết của mình, nếu phát hiện gian lận sẽ bị xử phạt theo quy định của Luật quản lý thuế. Lưu ý, người lao động làm cam kết phải đăng ký thuế và có MST tại thời điểm cam kết."

Trên đây là 5 quy định cần nắm rõ về hợp đồng thử việc và thủ tục nghỉ việc trước khi bạn muốn “dứt áo ra đi”. Nắm rõ luật để không bị thiệt thòi và giam lương bạn nhé. Chúc các bạn nghỉ việc trong “êm đẹp” và sớm tìm được công việc mới phù hợp hơn.

Nguồn: HR Insider

VietnamWorks inTECH