Ở tập đầu tiên của chuỗi Podcast Video “Một Tách Codefee”, anh Lê Quốc Huy - Project Manager tại Netcompany đã cùng anh Hiếu PC đàm đạo về từ khóa Lay-off nóng hổi vừa qua. Trải lòng bên tách cà phê yêu thích, anh Huy đã mang đến những góc nhìn mới mẻ và đầy tích cực thông qua câu chuyện từ chính bản thân.

Lay-off không thực sự như mọi người nghĩ

Với góc nhìn chuyên gia trong ngành cũng như là người đã từng trải qua tình huống lay-off tương tự, anh Huy chia sẻ ngành IT vẫn chưa suy thoái như mọi người nghĩ. Nguyên nhân dẫn đến làn sóng lay-off lần này là do sự tuyển dụng ồ ạt của các Doanh nghiệp trong giai đoạn đại dịch Covid nhằm đón đầu xu hướng e-commerce và nhu cầu làm việc từ xa.

Nhưng khi bớt giãn cách, người ta bắt đầu nhìn thấy hậu quả của Covid. Các doanh nghiệp nhỏ đóng cửa hoặc cắt giảm ngân sách tối đa, kinh tế toàn cầu chậm lại, e-commerce không trở nên thiết yếu như dự kiến. Và một trong những bước cắt giảm ngân sách là lay-off. 

Anh cũng cho biết thêm, làn sóng lay-off không thực sự ảm đạm như mọi người nghĩ. Bởi các công ty lớn lay-off nhiều vị trí chứ không chỉ IT, và nó xảy ra ở nước ngoài, cũng theo một báo cáo tại Việt Nam năm 2023 chỉ 15.2% nhân sự bị lay-off, còn lại mọi người tự thôi việc để tìm những cơ hội khác.

Anh Huy khuyên rằng, nếu bạn có rơi vào tình huống bị lay-off thì cũng nên đón nhận một cách tích cực:

  • Trường hợp bị công ty cắt giảm khối lượng công việc hay lương thì đây là lúc các bạn tận dụng thời gian để nâng cấp hoặc học thêm kiến thức, công nghệ, mà bình thường bận việc không có thời gian học. Việc này cũng giúp tăng cơ hội được vào dự án khác, hoặc thậm chí là đi phỏng vấn. 
  • Với những bạn bị cho thôi việc thì công việc của các bạn bây giờ là đi tìm việc: cập nhật CV, rải CV, đừng nên kén chọn công ty, đi phỏng vấn để tìm hiểu: nhu cầu, range lương, tích lũy kinh nghiệm trả lời phỏng vấn.

Định nghĩa của một IT chất lượng cao

Bàn về sự thiếu hụt lớn về nhân sự IT chất lượng cao tại Việt Nam hiện nay, anh Huy cho biết “ Làm IT không chỉ là coder hay tester, thậm chí bây giờ AI cũng viết được code. Các công ty out-source nổi lên khoảng 20 năm trước ở Việt Nam, gần đây đã ít lại. Việt Nam bây giờ đã đủ sức làm IT Consulting chứ không chỉ làm low level task như code hay test. Có vẻ nhân lực IT ở Việt Nam chưa sẵn sàng những kỹ năng khác cho sự thay đổi này.”

Để là một IT chất lượng các bạn phải có những kỹ năng khác để đáp ứng sự thay đổi nhu cầu, 3 yếu tố lớn cho một IT chất lượng: 

1. Kỹ năng cứng: ngoài code/test, phải biết phân tích, thiết kế, viết tài liệu. Trong dự án, anh Huy nhận rất nhiều bạn freshers, vì quan điểm của anh và của Netcompany là ai cũng có thể phát triển bản thân, miễn là chịu học. Theo anh Huy các bạn trẻ đừng nên tập trung vào 1 công nghệ mà nên cross-skills, biết càng nhiều thì càng có nhiều cơ hội, nhất là trong tình hình dự án không về nhiều như trước. Khi đã thành thạo một công cụ hay ngôn ngữ nào đó, các bạn có thể xin chuyển dự án để học thêm những kỹ năng mới. Hơn hết, bây giờ học công nghệ không khó, thậm chí là miễn phí chẳng hạn như thông qua youtube

2. Kỹ năng mềm: quản lý thời gian, giao tiếp và trình bày, làm việc nhóm. 

3. Những phẩm chất cá nhân: kỹ năng lãnh đạo, tính chuyên nghiệp, sẵn sàng học hỏi. 

Song song với 3 yếu tố trên, các bạn còn phải có ngoại ngữ giỏi.

Việc làm CNTT lương thưởng hấp dẫn, mới nhất dành cho bạn!

Low code - no code không thể thay thế lập trình viên

Có nhiều chuyên gia dự đoán rằng trong tương lai không xa, việc coding dần sẽ không còn quan trọng nữa, bởi xu hướng "low code, no code". Tuy nhiên, theo anh Huy điều này chưa đúng lắm, vì low code, no code không chỉ xảy ra trong ngày 1 ngày 2. Nó có thể thay đổi cách suy nghĩ và xây dựng phần mềm, nói cách khác là lập trình viên sẽ trở thành "lập trình viên low code", chứ không thay thế hoàn toàn. 

Phần mềm không chỉ có "chạy được" hay "chạy đúng", đó chỉ là yêu cầu chức năng, làm phần mềm phải quan tâm cả yêu cầu phi chức năng, ví dụ như bảo mật (security), khả năng mở rộng (scalability), trải nghiệm người dùng (user experience), v.v... hiện tại vẫn chỉ có con người làm được. Do đó, hiện tại lập trình viên vẫn "an toàn", nhưng phải cập nhật xu hướng để trở thành "lập trình viên no code" sau này.

Lời kết

Có thể chắc chắn một điều, chúng ta chẳng ai mong muốn bị lay-off cả. Tuy nhiên, đôi khi “người tính không bằng trời tính”, nếu như chẳng may bản thân gặp phải chuyện không hay thì dù có là ai, quan trọng nhất vẫn là mindset, cách nhìn nhận vấn đề. Nếu mindset đủ rộng thì bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy những cơ hội, ngã rẻ bất ngờ trong những khó khăn.

Cũng hy vọng rằng qua cuộc trò chuyện này những ai còn đang hoang mang lo lắng, không biết nên làm gì tiếp theo ở thời điểm hiện tại thì sẽ tìm thấy câu trả lời cho mình. Hãy không ngừng update kiến thức, phát triển bản thân để chuẩn bị cho những những yêu cầu ngày càng cao của thị trường công nghệ sắp tới trong tương lai.

Đừng quên đón chờ những tập tiếp theo của “Một Tách Codefee” vào lúc 20h, Thứ 5 hàng tuần, trên Fanpage và Youtube VietnamWorks inTECH nhé!

Tìm hiểu thêm chương trình TẠI ĐÂY

VietnamWorks inTECH