Hẳn là trong các bài viết bạn đã đọc về "cách làm CV IT gây ấn tượng với nhà tuyển dụng", người ta luôn nêu ra hướng dẫn chung chung về những phần bắt buộc phải có trong một chiếc CV IT như: tóm tắt tiểu sử, thông tin cá nhân, học vấn,... Nhưng thật ra, trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, 1 CV IT lấy được ấn tượng tốt từ người sử dụng lao động là 1 CV IT ngắn gọn mà vẫn thể hiện được những điểm mạnh và phù hợp của người tìm việc. Bạn cũng biết "dân ngành này" yêu thích nhanh - gọn thế nào rồi đúng không?
Nhồi nhét nhiều hết mức có thể kinh nghiệm làm việc vào một chiếc CV IT bé nhỏ không hề tốt cho bạn trong việc tạo ấn tượng ban đầu với nhà tuyển dụng, thậm chí còn gây tác dụng ngược. Sau đây, VietnamWorks inTECH sẽ gợi ý cho ứng viên cách viết một CV IT với đủ các yếu tố: ấn tượng, khoa học và súc tích.
1. Thông tin cá nhân
Dù thế nào thì thành phần ngắn gọn này luôn là tối cần thiết cho bất kì CV IT nào. Ngoài thông tin cơ bản như: họ tên, chức vụ hiện tại, email, số điện thoại, bằng cấp và chứng chỉ thì bạn có thể tùy chọn một số thông tin khác đưa vào CV IT của mình để nhà tuyển dụng có thể tự do tìm hiểu thêm về bạn: link mạng xã hội, link LinkedIn, địa chỉ, một số tài lẻ cá nhân hoặc sở thích (nhưng lời khuyên từ VietnamWorks inTECH là chỉ nên đưa phần này vào CV IT nếu bạn đã tìm hiểu được chúng phù hợp với văn hóa công ty, và đừng đi quá chi tiết tránh lan man làm loãng CV IT nhé).
2. Tài sản quan trọng nhất của Developer cần được làm nổi bật
Một phần rất quan trọng mà VietnamWorks inTECH nhận thấy các ứng viên Developer/Engineer quên chú tâm vào: ngôn ngữ lập trình và framework thành thạo. Nhà tuyển dụng IT luôn quan tâm đến "của quý" này của developer, có thể dễ dàng thấy được trong yêu cầu công việc, ngôn ngữ lập trình và framework cần thiết luôn được nêu ra đầu tiên. Vậy thì tại sao bạn lại để "của quý" này khuất lập và rải rác trong phần Kinh nghiệm làm việc? Ngôn ngữ lập trình và framework là tài sản quan trọng nhất của Developer và chúng xứng đáng được tô đậm, đưa lên đầu trang CV IT để nhà tuyển dụng nắm ngay được điểm phù hợp sáng nhất của ứng viên này.
Ngoài ra, bạn nên liệt kê hết tất cả ngôn ngữ và framework bạn có thể sử dụng, từ trên xuống dưới theo mức độ phù hợp với yêu cầu công việc. Ai biết được những tài sản dự trù đó sẽ đánh trúng nhu cầu nào khác của nhà tuyển dụng đúng không nào?
3. Kể về những thứ bạn ĐẠT ĐƯỢC chứ không chỉ những thứ bạn ĐÃ LÀM
Cho dù bạn là chuyên viên IT (Senior) nhiều kinh nghiệm hay ít kinh nghiệm (Fresher / Junior) thì bạn cũng nên thể hiện được các thành tựu của cá nhân, dự án hoặc sản phẩm bạn đã tham gia xây dựng. Trình bày kinh nghiệm làm việc của bạn là cần thiết, nhưng để dễ dàng ghi điểm bạn phải nêu được những việc bạn đã làm đóng góp được gì cho tổ chức.
Kể cả khi không có thành tựu thật sự nổi bật, đặc biệt là đối với những sinh viên mới ra trường, hãy chắc chắn rằng bạn viết về các kỹ năng sẽ đóng vai trò then chốt trong vị trí mới của bạn và bạn đã nắm vững nó trong những công việc trước đó. Bạn nên bắt đầu mỗi mô tả với kỹ năng mà bạn mạnh nhất hoặc có liên quan nhất và sau đó là những kỹ năng liên quan khác.
VietnamWorks InTECH gợi ý cho bạn một công thức trình bày đơn giản nhưng rất logic:
Đã hoàn thành [X], đo bằng [Y], bằng cách thực hiện [Z]
Cụ thể, hãy sử dụng động từ ở thể chủ động, đo lường kết quả của bạn dưới dạng số liệu, cung cấp thông tin để đưa ra so sánh và nêu chi tiết những gì bạn đã làm để đạt được mục tiêu của mình. Hãy cùng xem xét hai kiểu mô tả kinh nghiệm bên dưới.
-
Xây dựng phần mềm quản lý thời gian làm việc và cập nhật các tính năng theo yêu cầu
-
Hiệu suất làm việc của nhân viên được cải thiện 12% trong một năm nhờ áp dụng phần mềm quản lý tối ưu xyz. Phần mềm xyz hiện sở hữu 5000 lượt tải về trên App Store và Google Store, đứng đầu danh sách các phần mềm cùng loại nhờ các chức năng đáp ứng nhu cầu người dùng luôn được cập nhật liên tục
Việc bổ sung cải tiến 12% giúp cho tuyên bố của bạn trở nên mạnh mẽ hơn và chứng minh bạn (hoặc nhóm của bạn) có thực hiện theo dõi một cách khoa học về kết quả của sản phẩm mà mình xây dựng. Bên cạnh đó, việc nêu ra con số tải về hiện tại của một phần mềm sẽ thể hiện mức độ được ưa thích của người dùng dành cho sản phẩm, so sánh kèm theo để làm rõ hơn ý nghĩa của con số đó. Cuối cùng, việc giải thích ngắn gọn cách bạn đã làm sẽ tăng thêm uy tín và cung cấp cái nhìn sâu sắc về điểm mạnh của bạn.
Một ví dụ khác cho những bạn muốn mô tả dựa trên kỹ năng:
-
Mô tả kỹ năng đơn thuần: Kỹ năng lập trình với JavaScript tuyệt vời. Tinh thần teamwork cao
-
Mô tả kỹ năng theo công thức của VietnamWorks inTECH: Kỹ năng lập trình với JavaScript tuyệt vời và tinh thần teamwork cao: luôn nhận phản hồi tích cực từ khách hàng và được tuyên dương là nhân viên của tháng trong bốn tháng liên tiếp năm 2021
Và ngay cả khi bạn không có thành tích nào thật sự ấn tượng, nhà tuyển dụng vẫn sẽ yêu thích sự đặc biệt. Code xong tính năng trước deadline với độ chính xác 100%; hoặc debug trong vòng x giờ (với thời gian trung bình để debug là y giờ, điều kiện: y>x);... Hãy tự tạo sự đặc biệt cho CV IT của bạn, nhưng vẫn đảm bảo tính xác thực.
4. Tính thẩm mỹ thể hiện sự chuyên nghiệp
4.1. Độ dài
CV IT của bạn chỉ nên gói gọn trong 1 hoặc 2 trang giấy khổ A4. Hồ sơ có thể lên đến 3 trang nếu như bạn có kinh nghiệm làm việc từ 25 năm trở lên, và ở những vị trí cấp cao. Mỗi mười năm kinh nghiệm làm việc chỉ nên được gói gọn trong 1 trang sơ yếu lý lịch. Nghe có vẻ khó nhằn, nhưng sẽ chẳng ai đủ thời gian và kiên nhẫn đọc kỹ một CV IT dài 3, 4 hoặc 10 trang A4 cả.
Như Blaise Pascal đã viết: "Tôi đã có thể viết cho bạn một lá thư ngắn hơn, nhưng tôi không có thời gian." Một sơ yếu lý lịch súc tích và sắc nét thể hiện khả năng tổng hợp, ưu tiên và truyền đạt thông tin của bạn. Hãy suy nghĩ theo cách này: mục đích duy nhất của chiếc CV là để giúp bạn có một cuộc phỏng vấn. Nó chưa đủ để thuyết phục nhà tuyển dụng nói "có" với bạn, hay để kể câu chuyện cuộc đời bạn. Một CV IT quá dài dòng còn có thể trở thành điểm trừ trong mắt những nhà tuyển dụng khó tính.
4.2. Định dạng
Để thuận tiện cho nhà tuyển dụng, hãy đặt phần thông tin liên lạc ở phần đầu của hồ sơ, kế đến là tóm tắt về chuyên môn, những kỹ năng và kinh nghiệm của bạn, cuối cùng là phần học vấn và bằng cấp. Hãy định dạng đơn giản và thông dụng nhất, để nhà tuyển dụng dễ dàng thấy được những điểm bạn muốn nhấn mạnh. Tránh dùng nhiều màu sắc, chữ in đậm hoặc viết hoa quá nhiều, chỉ gây khó chịu khi nhìn vào CV của bạn.
Trừ khi bạn đang xin việc với vai trò nhà thiết kế hoặc nghệ sĩ, bạn nên tập trung vào việc làm cho hồ sơ của bạn thật sạch sẽ và dễ đọc. Font chữ ít nhất cỡ 10. Ít nhất có 0.5 inch lề. Giấy trắng, mực đen. Khoảng cách nhất quán giữa các dòng, cột. Định dạng trong một tệp Word có thể bị cắt xén khi di chuyển trên các nền tảng khác nhau (Google Docs, Email, WPS,...). Vì thế, hãy lưu CV dưới dạng PDF để tăng sự chuyên nghiệp và tránh các định dạng trong CV "phản chủ" nhé.
5. Một số lưu ý khác để CV IT của bạn được nhà tuyển dụng chú ý
-
Nhà tuyển dụng thường đọc lướt qua CV IT vì vậy điều quan trọng là bạn phải đảm bảo rằng nó bắt mắt và chuyên nghiệp - ấn tượng lần đầu tiên rất quan trọng!
-
Không cần phải đặt một bức ảnh vào CV IT của bạn - chúng tôi thực sự khuyên bạn điều này. Hãy để kinh nghiệm và trình độ của bạn lên tiếng.
-
Tránh lặp lại - nó sẽ trở nên nhàm chán khi bạn luôn nhắc lại có kỹ năng giao tiếp tuyệt vời, phát triển đội nhóm,… trong mỗi vai trò bạn đã tham gia và nhà tuyển dụng sẽ bỏ qua hồ sơ của bạn.
-
Giữ mọi thứ súc tích. Càng tối ưu hóa, nhà tuyển dụng càng thích đọc.
TẠO TÀI KHOẢN MỚI: XEM FULL “1 TÁCH CODEFEE” - NHẬN SLOT TƯ VẤN CV TỪ CHUYÊN GIA - CƠ HỘI RINH VỀ VOUCHER 200K