Những tháng qua, làn sóng sa thải tại các công ty công nghệ như Meta, Google, Microsoft, Shopee,... đã gây bất ngờ cho nhiều người. Nhiều nhân sự dù đã gắn bó cùng công ty đến hơn 20 năm đều đứng trước nguy cơ bị layoff. 

Trước khả năng có thể bị sa thải bất kỳ lúc nào như hiện nay, nhân sự cần làm gì để chuẩn bị cho bản thân mình và đâu là quyền lợi của bản thân bạn cần nắm rõ? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để được giải đáp.

Liên tục cập nhật thông tin về thị trường lao động

Để tránh bị ảnh hưởng từ làn sóng sa thải, các chuyên gia cho rằng nhân sự nên có những kế hoạch dự phòng. Đầu tiên, nếu bạn đã nghi ngờ công ty mình sắp tiến hành đợt sa thải, hãy nên cập nhật portfolio và CV ngay. 

Bạn cũng nên kiểm tra CV và portfolio thường xuyên để đảm bảo rằng chúng phản ánh đầy đủ các kỹ năng mới, cũng như liệt kê chi tiết những dự án bản thân đã tham gia thực hiện. Ngoài ra, bạn cũng nên giữ liên lạc và phát triển mối quan hệ với những người làm việc tại các công ty khác. Nếu đã từng cộng tác với ai đó và tin tưởng người đó, bạn có thể hỏi địa chỉ email và số điện thoại cá nhân của họ để có thể liên hệ trong trường hợp bị sa thải đột ngột. 

Bên cạnh việc tìm kiếm một “bến đỗ” mới, hãy nhớ kiểm tra các quyền lợi về sức khoẻ như bảo hiểm hoặc vấn đề hỗ trợ chi phí từ công ty. 

Tìm hiểu rõ ràng các quyền lợi sau khi bị sa thải

Căn cứ Điều 48 Bộ luật Lao động 2019, nhân sự khi chấm dứt hợp đồng lao động, tức là bao gồm cả trường hợp bị sa thải sẽ được giải quyết các quyền lợi sau:

– Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động được thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên.

– Người sử dụng lao động phải ưu tiên thanh toán tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động kể cả trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản.

Trong các khoản trợ cấp mà người lao động thường nhận khi nghỉ việc thì chỉ có trợ cấp thôi việc là người lao động bị sa thải không được nhận, còn trợ cấp thất nghiệp và bảo hiểm xã hội một lần nếu như đủ điều kiện luật định thì người lao động vẫn được hưởng.

Ngoài ra, khoản 3 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định khi nhân sự bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.

Quyết định đình chỉ công việc trước khi bị sa thải có hợp pháp không?

Thì căn cứ theo pháp luật, chỉ cho phép người sử dụng lao động đình chỉ công việc của người lao động khi xét thấy tình hình phức tạp, nhưng thời hạn tạm đình chỉ không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt cũng không được quá 90 ngày, và người lao động được tạm ứng 50% tiền lương.  

Yêu cầu công ty hỗ trợ quá trình tìm việc làm mới

Nhân sự nên yêu cầu cấp trên hỗ trợ thư giới thiệu (recommendation letter) hoặc giới thiệu về họ trên nền tảng LinkedIn. Thư giới thiệu từ công ty cũ không chỉ là một reference check mà còn giúp nhà tuyển dụng tìm hiểu kinh nghiệm trước đây, kỹ năng làm việc, tính chuyên nghiệp của nhân sự trong công việc.

Ngoài ra, nhân sự cũng có thể yêu cầu công ty cung cấp một lá thư chứng tỏ bản thân bị thôi việc như một phần của đợt sa thải lớn chứ không phải vì bất kỳ vấn đề nào liên quan đến hiệu suất và khả năng làm việc. Nhân sự có thể mang bức thư này đến các buổi phỏng vấn hoặc gửi kèm theo thư xin việc để nhà tuyển dụng tham khảo.

Nguồn: Tổng hợp

VietnamWorks inTECH