Đặc trưng của IT là công việc đòi hỏi khả năng tư duy cao, ngồi nhiều, thời gian tiếp xúc trực tiếp với màn hình máy lâu, thường đi kèm với tăng ca, thức khuya, tình trạng stress… 

Từ đây dẫn tới các thói quen không lành mạnh như ăn uống không điều độ, lạm dụng cà phê, thuốc lá, các loại đồ ăn nhanh…  Đây là thói quen không tốt, dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm đến sức khỏe. Trong số đó, có 8 loại bệnh phổ biến của dân IT cần phải lưu ý: 

1. Bệnh tim

Theo trang NPR, một nghiên cứu cho thấy rằng "những người có thời gian ngồi kéo dài hơn 23 giờ/tuần có nguy cơ tử vong vì bệnh tim lớn hơn 64% so với những người chỉ ngồi khoảng 11 giờ/tuần". Do đó, để bảo vệ sức khỏe tim mạch, sau mỗi 15 phút ngồi máy bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi, đi lại một chút sẽ góp phần ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh.

2. Hội chứng ống cổ tay

Programmer Typing Code on desktop computer, Developing programming and  coding technologies concept. Stock Photo | Adobe Stock

Hội chứng ống cổ tay (Carpal tunnel syndrome) xảy ra khi dây thần kinh chính ở cổ tay, phụ trách việc dẫn truyền cảm giác từ các ngón cái, trỏ, giữa, và một nửa ngón đeo nhẫn của bàn tay bị chèn ép sau khi bị căng thẳng liên tục. Ban đầu, người bệnh xuất hiện các triệu chứng nhẹ nhàng như nóng hoặc ngứa ran ở bàn tay, theo thời gian sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, có thể dẫn đến đau trầm trọng và giảm tính di động cổ tay. 

Để giảm nguy cơ mắc bệnh, cần lưu ý làm việc sao cho đúng tư thế, thường xuyên xoa bóp giúp cổ tay thư giãn, nghỉ ngơi, nên ngồi cách màn hình khoảng 0,6 m, khi gõ, phải giữ sao cho cổ tay phải thẳng, khuỷu tay ở góc 90 độ.

3. Thiếu Vitamin D

Hầu hết những người làm việc trong văn phòng đều bị thiếu vitamin D, loại vitamin cần được dung nạp từ ánh sáng mặt trời. Sự thiếu hụt vitamin D có thể làm gia tăng nguy cơ mắc một số bệnh về xương và ung thư. Bạn cần ăn những thực phẩm chứa nhiều vitamin D hoặc bổ sung viên uống để đảm bảo đủ lượng cho cơ thể.

4. Nhiễm khuẩn

Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, bàn phím và điện thoại di động đều chứa rất nhiều các loại vi khuẩn và các vi sinh vật khác nếu không được vệ sinh liên tục. Các loại vi khuẩn này sẽ lây lan những căn bệnh như cảm lạnh và cúm, đồng thời dẫn đến việc nhiễm tụ cầu khuẩn và những bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng khác. Hãy vệ sinh các thiết bị định kỳ để bảo vệ bạn thân trước các vi khuẩn này.

5. Áp lực tâm lý, dễ trầm cảm

Theo các nhà khoa học Anh, một vài nghiên cứu gần đây đã chỉ ra mối liên hệ giữa sử dụng máy tính và trầm cảm. Nguyên nhân được cho là do IT thường phải quản lý và khôi phục thông tin khi xảy ra sự cố, đối mặt với áp lực căng thẳng rất lớn. Điều đó không những dẫn đến việc thay đổi tâm trạng và trạng thái lo âu, dẫn tới khả năng trầm cảm, mà việc căng thẳng thường xuyên còn có thể dẫn đến một loạt các triệu chứng khác cho sức khỏe. Do đó, nên dành thời gian cho các hoạt động giải trí, vui chơi hoặc cùng gia đình để giải tỏa bớt áp lực.

6. Mất ngủ

Nhiều Dev thường sử dụng máy tính rất khuya khiến đôi mắt phải nhìn chằm chằm vào màn hình trong thời gian dài. Ánh sáng xanh sẽ khiến cơ thể hạn chế sản xuất melatonin, một hormone trong cơ thể có thể giúp bạn đi vào giấc ngủ. Mất ngủ mãn tính có thể dẫn đến vấn đề sức khỏe khác. Bạn có thể sử dụng tính năng hạn chế ánh sáng xanh từ màn hình để bảo vệ mắt, đồng thời hạn chế nạp vào các thức uống chứa caffein và đảm bảo ngủ ít nhất 6 tiếng/1 ngày để có một thể trạng tốt.

7. Đau thắt lưng

Thói quen ngồi lâu, ngồi sai tư thế, ít di chuyển ắt sẽ dẫn tới những vấn đề liên quan tới cột sống. Những cơn đau ở phần lưng dưới hay phần thắt lưng là một vấn đề mà mọi người phải thường xuyên đối mặt. Theo thời gian, việc này có thể làm hỏng cấu trúc cột sống, dẫn đến đau nặng, đau mãn tính. Bạn nên dành thời gian tham gia các khóa yoga, các bài tập trị liệu để cải thiên cột sống của mình tốt lên. Thay đổi ghế ngồi hiện tại sang các loại hỗ trợ cải thiện bệnh như: ghế thái công học,...

8. Mỏi cổ và mỏi mắt

Thường xuyên sử dụng máy tính có thể dẫn đến căng cơ ở cổ, thường là do màn hình không được đặt đúng cách. Thói quen dùng tai và vai để kẹp điện thoại khi nghe về lâu dài cũng có thể dẫn đến tình trạng cơ cổ bị cứng và chuột rút. Ngoài ra, nheo mắt vào màn hình máy tính hoặc màn hình thiết bị di động nhiều giờ cũng có thể khiến cho bạn bị mỏi mắt và nhức đầu.

Để hạn chế tình trạng này, nên điều chỉnh ghế và máy tính sao cho màn hình máy tính ngang với tầm mắt và cổ. Đồng thời, hãy áp dụng quy tắc 20/20/20 để thư giãn mắt: sau 20 phút làm việc với máy tính, hãy nhìn vào một đối tượng cách khoảng 20 feet (hơn 6m) trong khoảng 20 giây.

Và trên đây là tất cả các loại bệnh mà các IT hay mắc phải. Hãy thực hiện các biện pháp cải thiện mà bài viết đã gợi ý để có một sức khỏe tuyệt vời. Từ đó, có thể chinh phục cuộc sống một cách tốt hơn.

Nguồn: Tổng hợp

VietnamWorks inTECH