Trong làn sóng cắt giảm việc làm của các công ty Công nghệ hiện nay, nhân sự có chuyên môn cao, đa năng, khả năng học hỏi nhanh và sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới vẫn được nhiều nơi săn đón.

Nhiều tháng nay, tin tức về các Big Tech đều liên quan đến sa thải.

Châm ngòi cho làn sóng cắt giảm nhân sự quy mô lớn tại nhiều tập đoàn trên thế giới là Meta, công ty mẹ của Facebook, với hơn 11.000 người. Tháng 1 vừa qua, Google thông báo kế hoạch sa thải hơn 12.000 nhân sự, trong khi gần đây Amazon xác nhận sa thải thêm 9.000 người.

Những đợt cắt giảm nhân sự được dự đoán tiếp tục diễn ra trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam, vào năm 2023.

Dù vậy, nhiều công ty tại Việt Nam sẽ không gián đoạn hoạt động tuyển dụng. Thậm chí, một số còn tăng cường tuyển thêm nhân sự để đón những ứng viên tài năng vừa bị sa thải từ các doanh nghiệp lớn khác.

Khó khăn trong tuyển dụng

Nói về làn sóng cắt giảm nhân sự đang diễn ra trong thị trường việc làm, chị Trang Nguyễn, Quản lý tuyển dụng miền Bắc của đơn vị truyền thông quảng cáo, có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân sự - tuyển dụng, cho rằng đầu tiên phải nhắc đến lý do.

“Phát sinh từ những tín hiệu không tích cực về kinh tế sắp tới, thậm chí đã có sụt giảm trong một số ngành vào quý IV/2022, các doanh nghiệp, công ty phải rà soát hoạt động, cắt giảm một số hoạt động chưa hiệu quả và chi phí dẫn đến việc tinh gọn nhân lực xảy ra. Một số việc làm vẫn còn, nhưng không cần nhiều nhân sự. Một số công việc biến mất, không còn cần nữa, ví dụ như các dự án mới, không khả thi”, chị nhận định.

Theo nhận định của người trong ngành, vì tình hình kinh tế hiện nay nên các công ty không có nhu cầu build thêm tính năng mới mà chỉ cần người duy trì hệ thống hiện tại. Vì thế, những developer chỉ kiêm nhiệm một task duy nhất sẽ nằm trong danh sách những người bị sa thải. Ngược lại những nhân sự có trình độ kỹ thuật cao, đặc biệt là các Engineer vẫn sẽ được các công ty ưu ái và chào đón.

Với nhân viên thuộc diện bị sa thải, diễn biến tâm lý có thể theo hai hướng:

  • Tiêu cực: Họ nghĩ mình đang làm tốt công việc, đóng góp nhiều cho tổ chức rồi đột ngột bị cắt, ức chế và sẽ review khắp nơi về hoàn cảnh của bản thân.

  • Tích cực: Những người này thuộc diện luôn chủ động và dự phòng những tình huống xấu xảy ra. Thay vì đi than vãn, họ sẽ cập nhật CV, tìm kiếm cơ hội mới và vẫn không quên nói tốt về tổ chức vừa sa thải họ.

Mặc dù thị trường lao động đang dôi dư, theo Chị Trần Ngọc Thảo (N. Thao) nhà sáng lập cộng đồng HR Talks, Giám đốc Tuyển dụng tại tập đoàn ở Hà Nội cho hay, nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng và gặp khó khăn trong việc thu hút nhân tài bởi các nguyên nhân:

  • Tối ưu nguồn nhân lực: Nếu ngày trước bản mô tả công việc dành riêng cho một vị trí thì ngày nay, một chức danh công việc là sự kết hợp của nhiều vị trí trong một bộ phận. Việc này dẫn đến khó khăn khi năng lực và kỹ năng của ứng viên chưa đáp ứng được yêu cầu của tổ chức.

  • Chương trình làm việc linh động: Theo dữ liệu trên Linkedin, có 20% việc làm từ xa và nhận về hơn 50% ứng viên ứng tuyển so với các công việc khác không có chương trình làm việc từ xa hoặc linh động. Tuy nhiên, theo ý kiến từ lãnh đạo cấp cao, nhân viên phải đến làm việc tại công ty toàn thời gian thì mới có thể duy trì được văn hoá tổ chức và kỷ luật hơn.

san-don-nhan-su-chat-luong-cao

Thị trường nhân sự IT tại Việt Nam hiện tại vẫn thiếu 12.000 - 15.000 nhân sự:

Chia sẻ trong chương trình Tạp chí Kinh tế cuối tuần, bà Ngô Thị Ngọc Lan - Giám đốc Navigos miền Bắc cho biết có một xu hướng ngược lại với tình hình layoff hiện nay, khi các ngành tại Việt Nam đều cần áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nên vẫn có nhu cầu tuyển dụng cao. Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng đang chuẩn bị bộ máy về R&D cho mảng này.

Theo Trung tâm dịch vụ việc làm Thành phố Hà Nội, trong Quý 1/2023, các doanh nghiệp trong ngành IT có nhu cầu tuyển dụng 12.000 - 15.000 vị trí việc làm, tập trung vào các công việc đòi hỏi chuyên môn cao như lập trình viên, nhân viên phát triển phần mềm (software engineer).

Bên cạnh đó, các vị trí và lực lượng lao động trong mảng big data, AI, Machine Learning và Chuyển đổi kỹ thuật số vẫn rất thiết yếu. Các nhà tuyển dụng muốn duy trì một đội ngũ nòng cốt trong lĩnh vực này để đón đầu các xu hướng công nghệ mới. Do vậy, các doanh nghiệp vẫn đặt ra mức thu nhập hấp dẫn trong ngành này để săn đón thu hút ứng viên tiềm năng.

Người tài vẫn được săn đón

Theo chị Trang, những nhân viên làm công việc giản đơn, không có lõi năng lực cụ thể, không có chuyên môn đặc biệt hoặc những nhân sự không có tinh thần, thái độ tốt sẽ là mục tiêu nhắm đến trong làn sóng sa thải.

Ngược lại, đội ngũ nhân sự có năng lực, chuyên môn cụ thể, đòi hỏi chất xám và kỹ năng cao vẫn sẽ được săn đón. Nhóm này cũng có sự linh hoạt cao trong nhiều tình huống, có thể nhanh chóng học hỏi nhận nhiệm vụ mới hoặc kiêm nhiệm công việc.

Rất nhiều người có suy nghĩ “Tôi gắn bó với công ty 10 năm, sao lại bị sa thải mà không phải người làm việc với thời gian ngắn hơn?”. Thực tế, ngày nay, khái niệm trung thành đã được định nghĩa khác đi nhiều. Không nên nhìn vào thời gian nhân viên làm việc ở đó bao lâu, mà là những đóng góp trong thời gian đó thế nào.

“Do nhu cầu tối ưu nguồn nhân lực, ứng viên càng đa năng, càng được săn đón” chị Thảo nói.

Trong giai đoạn bất ổn định như hiện nay, chị Trang cho rằng “đầu tư để phát triển bản thân” là khoản đầu tư đáng giá nhất.

“Học, tự học về chuyên môn và kỹ năng, trau dồi liên tục. Rèn luyện sự linh hoạt và thích ứng nhanh chóng, không ngại thử thách điều mới. Hãy liên tục cập nhật những thông tin, công nghệ mới.

Thị trường bất ổn định thì cần nhất mỗi người phải có năng lực ổn định, sắc bén”, chị kết luận.

Để không bấp bênh trong thị trường lao động hay làn sóng sa thải, chị Thảo cũng đưa ra một số lời khuyên:

  • Nghiên cứu các yêu cầu công việc của thị trường và so sánh năng lực mình đang có. Mỗi lần rớt phỏng vấn, hãy nhớ lại mình đã trả lời hợp lý chưa, nếu chưa thì rút kinh nghiệm lần sau.

  • Nếu kinh nghiệm của những công việc mình làm quá đơn điệu, hãy học những kỹ năng mới để phù hợp hơn.

  • Thể hiện rõ tinh thần “Tôi làm được” thay vì “Đây không phải việc của tôi”.

Nguồn: Tổng Hợp

VietnamWorks inTECH