Không nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cấp trên là bất lợi nhưng vẫn có những cách để duy trì khả năng phát triển sự nghiệp.

Octavia Goredema là huấn luyện viên nghề nghiệp tại Mỹ, tác giả quyển "Prep, Push, Pivot: Essential Career Strategies for Underrepresented Women". Giai đoạn đầu sự nghiệp, cô từng cảm thấy bản thân "vô hình" trong mắt sếp và không có cơ hội nào để vươn lên.

Nhiều lần, việc đánh giá thành tích cho Octavia bị cấp trên bỏ qua. "Nếu bạn muốn thăng tiến nhưng sếp không quan tâm, điều đó có thể khiến bạn mất tinh thần và bực bội", cô nói.

Trường hợp của Octavia không hiếm. Nếu cảm thấy không được sử dụng đúng mức và bị đánh giá thấp, hãy nhớ sự nghiệp là của riêng bạn. Điều cần thiết là phải biết giá trị bản thân, ngay cả khi không được ghi nhận đầy đủ. Dưới đây là 4 cách gợi ý để bạn tiếp tục tiến lên phía trước trong hoàn cảnh không nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của cấp trên.

Tập trung những gì bạn có thể kiểm soát

Mấu chốt cho sự thăng tiến không nằm ở hành động của sếp mà ở chính suy nghĩ và hành động của bạn. Vì vậy, cách phản ứng với một tình huống mới là điều thực sự quan trọng. Khi có một ông chủ không quan tâm, bạn có hai lựa chọn: rút lui như một người "tàng hình"; hoặc tiếp tục tiến về phía trước để tìm cách cho mọi người nhìn thấy.

Lựa chọn thứ hai giải thích cho thực tế là sếp có thể đổi nhưng sự nghiệp của bạn là mãi mãi. Hãy chủ động chọn một tư duy tích cực để hành động. Đừng cho phép hành vi của người khác làm hỏng mục tiêu cá nhân và cảm xúc về công việc.

Cụ thể, tiếp tục làm tốt nhất công việc được giao và cố gắng vượt mong đợi càng tốt. Hãy là thành viên tích cực, gắn kết và sẵn sàng kết nối trong đội ngũ. Đồng thời, luôn tập trung vào mục tiêu nghề nghiệp và các bước tiếp theo của bạn.

Duy trì khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ và mở rộng các quan hệ công việc cần thiết giúp bạn tìm cơ hội phát triển khi sếp không hỗ trợ. Ảnh: Pixabay

Duy trì khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ và mở rộng các quan hệ công việc cần thiết giúp bạn tìm cơ hội phát triển khi sếp không hỗ trợ. Ảnh: Pixabay

Xây dựng cam kết nghề nghiệp bản thân

Việc tự thiết lập các cam kết cho phép bạn chủ động khi đặt mục tiêu và lập kế hoạch cho lộ trình tiếp theo trong sự nghiệp. Để làm được điều này, hãy suy ngẫm về 12 tháng sắp tới và tự hỏi: Tôi muốn làm gì nhiều hơn?. Tôi muốn được biết đến vì điều gì?. Tôi muốn có thêm những kỹ năng gì?. Tôi muốn bắt đầu làm điều gì chưa từng thử trước đây?. Tôi cần được mọi người nhận biết năng lực mình ra sao?

Tiếp theo, xem xét các câu trả lời và chọn một hành động để làm ngay lập tức trong mỗi câu trả lời. Hãy đặt mình vào vị trí người lái xe và dùng những câu trả lời của bản thân để tạo lộ trình nghề nghiệp phù hợp với mục tiêu đề ra.

Mở rộng tầm nhìn

Có được người sếp gắn bó và cam kết hỗ trợ là trải nghiệm tuyệt vời. Khi điều này xảy ra, hãy tận hưởng khoảnh khắc và cam kết sẽ đền đáp trong tương lai bằng cách tiếp tục giúp đỡ những người khác.

Nhưng nếu cảm thấy lạc lõng, sẽ rất hữu ích nếu bạn chịu mở rộng tầm nhìn. Có nhiều bên liên quan tác động đến cách bạn làm việc. Hãy lập danh sách những người quan trọng đối với sự nghiệp của bạn ngoài sếp. Danh sách này có thể bao gồm các đồng nghiệp, các cấp dưới trực tiếp nếu bạn có và các nhà lãnh đạo cấp cao. Khám phá cách bạn có thể tiếp tục vun đắp mối quan hệ với họ. Hãy hỏi cách họ học một kỹ năng mà bạn muốn có được hoặc tìm kiếm cơ hội tình nguyện tham gia các sáng kiến mới.

Tạo danh sách này và kết nối với những người ấy sẽ nhắc nhở rằng sự nghiệp của bạn không hoàn toàn phụ thuộc vào duy nhất mối quan hệ với sếp. Ngay cả khi người quản lý trực tiếp không đầu tư vào sự phát triển của bạn, vẫn còn những người có thể tác động. Tiếp tục khám phá các ý tưởng, cơ hội và kết nối có thể giúp đặt nền tảng cho những gì bạn muốn làm tiếp theo.

Tạo dựng các mối quan hệ chuyên nghiệp

Ngoài những mối quan hệ quan trọng cho sự nghiệp nêu trên, bạn còn cần cố vấn. Nếu chưa có, nên tìm kiếm và có nhiều hơn một người. Có ai trong công ty có thể thành cố vấn cho bạn không?

Nếu không thể là sếp, hãy xem xét lại danh sách những người quan trọng với sự nghiệp bạn đã lập ra và khoanh tròn tên các nhà lãnh đạo cấp cao. Nếu có thể, hãy tìm cơ hội để kết nối với họ, chia sẻ về mục tiêu của bạn và xin phản hồi.

Nếu bạn lo ngại các tương tác của mình có thể bị coi là qua mặt sếp, hãy bắt đầu với sự tích cực bằng cách nhớ về một thành tích quan trọng mà sếp bạn đã đạt được. Khi liên hệ với các nhà lãnh đạo cấp cao khác, hãy nói về thành tích đó và giải thích bạn hào hứng như thế nào khi muốn phát triển như thế.

Ngoài ra, có thể cho sếp biết rằng bạn đang chủ động tìm kiếm một người cố vấn và hỏi xem họ có muốn được cập nhật về tiến trình đó không.

Khi xem xét những cố vấn tiềm năng, đừng quên những sếp và đồng nghiệp cũ. Nếu có ai đó từng hỗ trợ bạn, hãy duy trì kết nối. Bạn cũng có thể tận dụng cơ hội từ các hiệp hội nghề nghiệp để học hỏi và gặp gỡ các nhà lãnh đạo cấp cao khác trong ngành của mình.

Việc bạn và sếp khó kết nối tất nhiên không phải là một cảm giác tuyệt vời, nhưng không phải là dấu chấm hết. Sự nghiệp bản thân là khoản đầu tư giá trị nhất và mang tính cá nhân nhất mà bạn từng thực hiện. Điều cần thiết là phải chủ động tái đầu tư vào tiềm năng chính mình trong những thời điểm khó khăn.

Đừng để một người quản lý thờ ơ làm hỏng tham vọng, giá trị nghề nghiệp hoặc mục tiêu của bạn. Nếu bạn biết mình có thể làm tốt hơn, hãy tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn. Không ai khác sẽ chịu trách nhiệm đầu tư vào sự nghiệp của bạn từ đầu đến cuối trừ chính bản thân. Đó là lý do tại sao bạn phải liên tục làm điều đó.

>>Xem thêm: Những kiểu sếp nơi công sở – Phải hiểu để tương tác tốt

Nguồn: VnExpress

VietnamWorks inTECH