Một trong những vị trí lãnh đạo đáng mơ ước trong lĩnh vực IT, chắc chắn không thể thiếu CTO. Quản lý hàng chục lập trình viên, thu nhập cao, cơ hội thăng tiến tốt … tất cả đã thôi thúc ước mơ chinh phục vị trí này ở hàng nghìn nhân sự IT lâu năm. Tuy nhiên, luôn có một trăn trở, là một vị trí lãnh đạo trong đội ngũ lập trình viên, liệu làm CTO có cần phải “siêu giỏi’ code không? giỏi lĩnh vực IT khác có ứng tuyển được không? Để hóa giải sự trăn trở này, hãy cùng theo dõi bài viết bên dưới.

1. CTO là gì

CTO - Chief Technology Officer – tạm dịch Giám đốc công nghệ hay Giám đốc kỹ thuật – là một trong những chức danh quản lý cao cấp trong ngành kỹ thuật, trong đó phổ biến nhất là ngành IT (công nghệ thông tin)

CTO đảm nhận vai trò điều hành, chịu trách nhiệm các vấn đề liên quan đến khoa học và công nghệ trong tổ chức. Trong ngành IT, CTO chính là một trong những thiên tài “code” sáng giá của phòng lập trình, bên cạnh đó, công tác quản lý cũng đặt ra nhiều thách thức dành cho họ.

2. Nhiệm vụ của một CTO

Tùy thuộc vào quy mô, lĩnh vực, định hướng phát triển, yếu tố nhân lực… mà trọng trách đặt lên vai CTO sẽ khác nhau. Sau đây là nhiệm vụ của một CTO trong một ngày sẽ bao gồm như sau:

2.1. Quyết định nền tảng và thiết kế kỹ thuật 

CTO sẽ là người kiểm soát chặt chẽ mọi vấn đề liên quan đến kỹ thuật, thậm chí có thể trực tiếp tham gia cùng đội ngũ code để tìm ra giải pháp, chạy đua kịp tiến độ công việc. Toàn bộ quy trình một dự án đều phải có quyết định chấp thuận từ CTO:

- Tham mưu, tư vấn sáng tạo ý tưởng

- Thiết lập kế hoạch,  vạch ra chiến lược thực hiện

- Phân bổ nhiệm vụ cho từng nhân sự

- Kiểm soát quá trình triển khai ý tưởng

- Chịu trách nhiệm tiến độ, năng suất, hiệu suất của dự án…

2.2. Tuyển dụng, lựa chọn nhân sự cho team code 

CTO sẽ phối hợp cùng phòng nhân sự trong việc hoàn thiện bản mô tả công việc, thống nhất tiêu chuẩn tuyển dụng, phê duyệt ứng viên tiềm năng, trực tiếp tham gia phỏng vấn và đánh giá tuyển dụng ứng viên.

Ngoài việc tuyển nhân sự chính thức thì việc thuê outsourcing code cũng là nội dung mà CTO chịu trách nhiệm. Từ việc sẽ outsourcing phần nội dung gì, đến việc lựa chọn đơn vị / cá nhân outsourcing code chất lượng, CTO đều sẽ tham gia với vai trò chủ chốt. Chất lượng tốt hay xấu, ban lãnh đạo đều sẽ tìm CTO đầu tiên.

2.3. Phát triển bảo mật an ninh mạng

Cơ sở dữ liệu, trang web công ty, các ứng dụng kỹ thuật số mà các team trong toàn doanh nghiệp đang sử dụng, kho bí mật thông tin các dự án đang phát triển… tất cả đều phải được bảo đảm an toàn bảo mật tuyệt đối. Và nhiệm vụ này CTO và đội ngũ nhân sự an ninh mạng sẽ phải phối hợp thực hiện.

2.4.  Kiểm tra chất lượng sản phẩm

Dù là sản phẩm chạy thử hay thành phẩm hoàn thành, chỉ sau khi có sự chấp thuận của CTO và nhiều cấp lãnh đạo, nhưng vai trò chính vẫn là CTO. Trọng trách này liên quan đến nguồn tài nguyên doanh nghiệp rất lớn, do đó, trực tiếp CTO sẽ kiểm tra cẩn trọng chất lượng, đưa ra những yêu cầu phản hồi hoàn thiện cho đội ngũ lập trình. Quyết định cải tiến, sửa chữa hay sản xuất hàng loạt là nhiệm vụ không thể thiếu của CTO.

2.5. Sáng tạo những bước tiến mới 

Chuyên viên code thì chỉ tập trung hoàn thành sản phẩm theo tiêu chuẩn đề ra. Còn tiêu chuẩn đề ra từ đâu mà có thì phải hỏi CTO. Dựa trên những chiến lược vĩ mô mà ban lãnh đạo đã định hướng, kết hợp cập nhật xu hướng công nghệ, phân tích năng lực doanh nghiệp, nghiên cứu thị hiếu khách hàng, CTO sẽ sáng tạo những sản phẩm lập trình chất lượng, đón đầu xu hướng, tạo bước tiến mới cho tổ chức.

3. Làm CTO có cần phải "siêu giỏi" code không?

Để ngồi được vào chiếc ghế CTO, bạn sẽ phải có một vài năm trực tiếp thực hiện “code” phần mềm. Tuy nhiên, trăn trở của các bạn ứng viên là có cần “siêu giỏi code” hay không thì Ms. Uptalent đã tiếp cận và ghi nhận chia sẻ từ nhiều chuyên gia tuyển dụng CTO cũng như những CTO kỳ cựu, câu trả lời là “Không nhất thiết phải siêu giỏi code”

Bởi lẽ vị trí CTO là một vị trí quản lý cao cấp, đảm nhận những vai trò ở tầm vĩ mô nên không đánh giá hoàn toàn dựa trên trình độ kỹ thuật code. Mặc dù “code” là kiến thức, là kỹ năng không thể thiếu đối với một CTO vì các CTO đều là những kỹ sư phần mềm, đều đã từng miệt mài code năm này qua tháng nọ, nhưng trên hết, điều mà doanh nghiệp lập trình kỳ vọng ở CTO nhiều hơn năng lực “code” rất nhiều. 

Đó là khả năng quản lý đội nhóm, khả năng thúc đẩy hiệu suất công việc, khả năng tiếp cận và triển khai tiến bộ kỹ thuật phù hợp…, rất rất nhiều thứ cần phải để tâm trau dồi và hiện thực hóa, cho nên, CTO sẽ không có nhiều thời gian nghiên cứu các thuật toán “code” chuyên sâu, nhưng họ hoàn toàn có kiến thức và có nền tảng “code” tốt.

Tóm lại, câu trả lời là một CTO vẫn cần phải biết code, vẫn định kỳ trau dồi bổ sung kiến thức code, nhưng không phải để trở thành người “code siêu giỏi” trong team mà để biết cách định hướng xây dựng các sản phẩm mới, tiếp cận nhanh công nghệ mới, phân bổ nhiệm vụ hợp lý cho toàn team. Còn việc code chi tiết ra sao, code thuần thục thế nào để hoàn thiện sản phẩm đó đã có đội ngũ lập trình viên chuyên tâm nghiên cứu code thực hiện.

4. Những kỹ năng cần thiết ở một CTO

Phấn đấu trở thành một CTO là cả một chặng đường dài. Quyền lợi nhận được rất lớn, nhưng chỉ những ai đủ năng lực hoàn thành tốt mọi trách nhiệm thì mới có cơ hội ngồi vào chiếc ghế này. Muốn có đủ năng lực đó, nền tảng vẫn luôn là những kỹ năng cần thiết, tuyệt đối không thể thiếu ở một CTO:

Free Photograph of Men Having Conversation Seating on Chair Stock Photo

4.1. Kỹ năng giao tiếp linh hoạt

Dù khởi nguồn là dân kỹ thuật, yêu thích sự tập trung, tĩnh lặng để nghiên cứu, khám phá, nhưng một khi muốn chinh phục vị trí CTO thì kỹ năng giao tiếp linh hoạt là yếu tố các ứng viên phải nâng cao. Vì sao ư?

- Lãnh đạo cả một đội ngũ code chuyên nghiệp

- Định hướng lèo lái cả một tập thể lập trình

- Đầu tàu thôi thúc năng lượng vượt qua mọi khó khăn

- Gắn kết giao tiếp cùng các phòng ban trong doanh nghiệp

- Tiếp cận, nắm bắt nhu cầu khách hàng…

Chỉ sơ sơ vậy thôi, nếu không có kỹ năng giao tiếp, cho dù có được đề bạt làm CTO thì liệu CTO thiếu năng lực giao tiếp có thể vững vàng ngồi ở cương vị lãnh đạo được không?

4.2. Kỹ năng sáng tạo, giải quyết vấn đề hiệu quả

Những vấn đề CTO gặp phải không chắc sẽ ít hơn các chuyên viên code, nhưng chắc chắn mức độ nghiêm trọng sẽ cao hơn vì luôn là sự vụ tác động đến tầm vĩ mô. Cái khó nữa là CTO hầu như không thể dựa vào ai để đưa ra quyết sách hộ mình cả, nhân viên thì không rành việc quản lý, ban lãnh đạo thì không rành việc chuyên môn.

Tựu chung lại, cuối cùng, CTO vẫn sẽ là người trực tiếp quyết định giải pháp và đứng ra giải quyết. Các bên khác có thể hỗ trợ nguồn lực thực hiện nhưng trách nhiệm về hiệu quả giải quyết sẽ thuộc về CTO. Chính vì vậy, từ khi còn là chuyên viên code, các bạn ứng viên nên chủ động tập dần năng lực sáng tạo, linh hoạt giải quyết vấn đề, đặc biệt là vấn đề kỹ thuật.

4.3. Kỹ năng lãnh đạo quản lý

Một sản phẩm phần mềm chất lượng cần có sự chung sức của cả một tập thể lập trình. Truyền lửa nhiệt huyết cho từng nhân sự, khích lệ họ vượt khó khăn, thuyết phục họ tin tưởng vào sự thành công của dự án, đồng hành cùng họ trong quá trình khám phá giải pháp… chính là những gì mà kỹ năng lãnh đạo sẽ mang đến cho CTO.

Trau dồi kỹ năng này từ trường lớp, từ những bài giảng sẽ không hiệu quả bằng thực tế trải nghiệm. Trải nghiệm ở đâu? Ở việc học tập kỹ năng lãnh đạo hay từ những người quản lý mà bạn từng cộng tác, ở việc nâng dần năng lực quản lý thông qua các vị trí lãnh đạo mà bạn từng đảm nhiệm (tổ trưởng/trưởng nhóm / trưởng bộ phận/ trưởng phòng…)

4.4. Kỹ năng tự học liên tục

Công nghệ thông tin có tốc độ phát triển nhanh khủng khiếp, không tự bổ sung kiến thức cho bản thân, đồng nghĩa bạn đang lùi dần so với thời đại. Nhưng với áp lực công việc của một CTO, việt tham gia đầy đủ các buổi học tại lớp sẽ khó lòng đạt được. Thay vào đó, học trực tuyến, học qua sách vở, học qua các hội nhóm chuyên ngành, học từ những tiến bộ của thế giới… sẽ hiệu quả hơn, và tất cả những cách học hiệu quả này đều đòi hỏi sự kiên trì cùng kỹ năng tự học tốt từ bạn.

4.5. Kỹ năng tư duy chiến lược

1+1 = 2 là đúng, nhưng với CTO 1+1 phải phát triển thành 3, thành 4 mới gọi là thành công. Những thông tin, kiến thức, tiến bộ của thế giới, rất nhiều lập trình viên có thể thu thập được, nhưng làm sao để từ những yếu tố đó mang đến những sản phẩm sáng tạo, khả năng tiết kiệm chi phí, tương thích cao với thị trường tiêu thụ phần mềm chủ lực của doanh nghiệp thì chỉ những người có kỹ năng tư duy chiến lược nhạy bén, kỹ năng phân tích và phối hợp linh hoạt mới hiện thực hóa được.

Ước mơ chinh phục vị trí CTO của các bạn ứng viên có lẽ đã bớt trăn trở hơn khi biết rằng làm CTO không cần phải “siêu giỏi” code, tuy nhiên, bù lại, những tố chất cần trau dồi để chinh phục nhà tuyển dụng vị trí này cũng không hề đơn giản. Đừng vội vàng tạo áp lực cho mình, không ai ngày một ngày hai mà lên CTO cả. Ai cũng cần có thời gian để rèn luyện, chỉ cần bạn luôn lên kế hoạch khoa học, kiên định mục tiêu và nghiêm khắc chinh phục từng nấc thang dẫn đến mục tiêu đó, Ms. Uptalent tin chắc con đường thành công sẽ luôn rộng mở. 

Nguồn: Tổng hợp

VietnamWorks inTECH