Mỗi lần “được tăng lương” không chỉ là một lần sự tiến bộ của bạn “chờ mãi cũng được ghi nhận”, mà nó còn là cột mốc khi lời chủ động đề nghị của bạn tìm được tiếng nói chung với ban lãnh đạo công ty. Nhưng trước khi đưa ra yêu cầu, hãy thử tự hỏi những câu hỏi sau để hiểu hơn về bản thân, từ đó đi nhanh hơn trong chặng đường phát triển sự nghiệp nói chung và sự hài lòng trong công việc nói riêng.

1. “Tại sao mình cần được tăng lương?”

Trước khi đề xuất chuyện tăng lương với sếp, ta cần xác định được những lý do cơ bản để tự hiểu về nhu cầu của bản thân trước.

Bạn cần tăng lương để theo kịp lạm phát và bảo đảm tài chính giữa thời kỳ kinh tế đầy biến động? Hay trong thời gian vừa qua, bạn vừa nhận nhiều trách nhiệm hơn nhiệm vụ vốn có ở vị trí của bạn?

Nếu bạn có những sáng tạo trong công việc, thể hiện được khả năng lãnh đạo nổi bật hay giúp đỡ các đồng nghiệp khác cùng đem về lợi ích cho công ty, vậy thì đã đến lúc bạn tỏa sáng cho kỳ tăng lương tiếp theo rồi.

Khi bạn muốn được tăng lương thì các sếp cũng cần biết vì sao họ cần tăng lương cho bạn. Nó không phải là một câu hỏi chất vấn, mà đơn giản là một sự giao tiếp để hai bên thấu hiểu nhau hơn. Và việc bạn trả lời có hợp lý hay không sẽ quyết định chuyện tăng lương của bạn.

2. “Đây có phải thời điểm thích hợp để yêu cầu tăng lương?”

Theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu APD, những người thay đổi công việc trong nội bộ ngành sẽ có tiền lương tăng lên gần 5%, con số còn có khả năng cao hơn khi họ chuyển sang ngành khác.

Tuy nhiên, cùng nghiên cứu cũng chỉ ra rằng giữa thời kỳ kinh tế suy thoái như hiện nay, phần trăm tăng lương đã giảm dần trong vòng 12 tháng liên tiếp. Vì vậy, người đi làm ít có xu hướng nhảy việc, thay vào đó ưu tiên lựa chọn gắn bó với công ty trong thời gian dài để có khả năng được tăng lương cao hơn.

altNguồn: Pexels

Do đó, thời điểm phù hợp không chỉ đơn giản là khi bạn nghĩ mình cần tăng lương, mà nó còn phụ thuộc vào sự thay đổi của thị trường, tình hình kinh doanh của công ty, hoặc thậm chí là ‘sắc mặt’ sếp.

Bạn sẽ cần hỏi mình những câu hỏi mang tính chi tiết hơn để xác định liệu đây có phải là thời điểm hợp lý không. Ví dụ, trong thời gian vừa qua mình đã có những đóng góp gì, bạn có tự tin về những đóng góp ấy không, hay mức lương hiện tại có tương xứng với công sức bạn bỏ ra hay chưa.

Đơn giản hơn, bạn có thể tận dụng ngay những thời điểm “vàng” để yêu cầu xin tăng lương được xét duyệt dễ dàng, như là kỳ xem xét tăng lương định kỳ của công ty, sau khi bạn hoàn thành xuất sắc một dự án, hoặc những cột mốc gắn bó với công ty được 1,2,3.. năm.

Nếu bạn đã làm được một khoảng thời gian nhất định (từ 6 tháng trở lên) và công ty không có những đợt xem xét tăng lương, bạn cũng nên chủ động lên tiếng về lợi ích của mình, vì mức độ tăng lương cũng phụ thuộc vào thời gian gắn bó của bạn với công ty, hay cụ thể hơn là mức độ bạn hiểu các sản phẩm, dịch vụ, và định hướng của công ty.

3. “Mình cần lương tăng lên bao nhiêu?”

Yêu cầu mức lương tăng cao hơn lạm phát sẽ là một trong những con số đầu tiên ta nghĩ đến. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng đó chưa phải là phương án hợp lý nhất.

altNguồn: Pexels

Có hai thứ cần xem xét để đưa ra con số phù hợp. Việc đầu tiên cần làm là tham khảo một vòng thị trường xem mức tăng trưởng chung, đặc biệt trong nội bộ ngành của bạn. Mức tăng trưởng này cũng có thể thay đổi theo vùng, cho nên, hãy tìm hiểu mức tăng nơi bạn làm việc và so sánh với mức tăng khu vực bạn sinh sống. Vì nơi nào có mức tăng cao hơn thì có thể lạm phát cũng vậy.

Việc tìm kiếm thông tin bạn cần sẽ dễ dàng hơn với Bamboo Careers. Đây là ứng dụng tra cứu lương cung cấp cho bạn mức lương tiêu chuẩn cũng như những dự đoán về tăng trưởng lương trong lĩnh vực bạn làm việc.

Thứ hai, bạn cũng cần dựa trên những gì mình đã thể hiện ở công ty, nếu bạn xuất sắc hoàn thành những việc được giao, bạn hoàn toàn có thể mạnh dạn thương lượng một mức lương cao hơn một chút.

Nếu bạn cần một con số cụ thể để tham khảo, theo ý kiến của Lindsay Mustain, nhà tuyển dụng tại Amazon chia sẻ rằng mặc dù mức tăng lương đang chạm mốc trong vòng 1 thập kỷ, nó vẫn không theo kịp sự tăng trưởng của lạm phát. Vì thế, cô khuyên chúng ta nên đề xuất mức tăng tối thiểu 10% để khoản lương tăng thêm thực sự có ý nghĩa thay vì chỉ là một con số cho có.

4. “Mình sẽ làm gì nếu đề nghị tăng lương bị từ chối?”

Trong lúc thương lượng, bạn có thể hỏi thêm về những phúc lợi khác mà công ty có thể cung cấp thay thế cho việc trực tiếp tăng tiền lương.

Nếu vẫn không thành công, điều đầu tiên cần làm là nói lời cảm ơn. Vì một thái độ cầu tiến sẽ vẫn giữ được hình ảnh tốt sau khi bạn quay trở lại bàn làm việc, và ngày mai bạn vẫn sẽ còn gặp lại đồng nghiệp của mình mà.

altNguồn: Pexels

Bị từ chối không có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ được tăng lương nữa. Điều bạn có thể làm là tìm hiểu lý do để cải thiện cho đợt xem xét tăng lương lần sau. Bạn nên hỏi sếp lý do và đưa ra những đánh giá vì sao bạn không được tăng lương. Đôi khi vấn đề có thể không nằm ở bạn, mà ở tình hình kinh doanh của công ty.

Ngoài ra, tìm lời khuyên từ đồng nghiệp, gia đình sẽ giúp bạn có góc nhìn mới hơn xoay quanh việc tăng lương của bạn.

Và câu hỏi cuối cùng …

5. “Mình có thật sự muốn tăng lương không?”

Đàm phán tăng lương là một môn nghệ thuật cần thời gian để thuần thục. Trên con đường ấy, ở mỗi giai đoạn, điều quan trọng đôi khi không phải là “Ta cần được tăng lương bao nhiêu?”, mà là tự hỏi rằng liệu việc tăng lương có phù hợp với định hướng sự nghiệp hiện tại của mình.

altNguồn: Pexels

Vì tăng lương đôi khi đồng nghĩa với áp lực công việc, ít thời gian cho bản thân hơn hay phải làm những việc mà mình không thích. Có thể bạn của mấy năm sau sẽ mong muốn dành thời gian cho gia đình chứ không phải mở rộng cơ hội nghề nghiệp như bạn muốn hiện tại.

Hãy tìm hiểu về động lực thực sự khiến chúng ta mong muốn tăng lương. Đó có thể là nhanh chóng đạt đến những mục tiêu tài chính, mua nhà, mua xe, hoặc để trải nghiệm được nhiều điều hơn. Khi đã xác định được, hãy tự hỏi thêm rằng bạn có thể sử dụng phương tiện nào để đạt được mục tiêu đó, có nhất thiết phải là tăng lương trong công việc hiện tại không, hay bạn muốn có nhiều sự tự chủ về thời gian hơn để kiếm thêm thu nhập, chứ không chỉ là lương?

Mong cho sự chủ động tìm hiểu bản thân và đưa ra lựa chọn của bạn tìm được tiếng nói chung với ban lãnh đạo công ty.

Nguồn: Vietcetera

VietnamWorks inTECH

TẠO TÀI KHOẢN MỚI: XEM FULL “1 TÁCH CODEFEE” - NHẬN SLOT TƯ VẤN CV TỪ CHUYÊN GIA - CƠ HỘI RINH VỀ VOUCHER 200K