“Sẽ là lỗi thời nếu nhận định IT sau 35 tuổi là đã hết thời.” theo anh Minh chia sẻ

Công nghệ thông tin là một ngành mà mọi người hay đùa rằng “chỉ cần không update kiến thức 1 ngày cảm giác như bản thân thụt lùi so với nhân loại tận 10 năm”. Đặc biệt, khi xã hội ngày càng phát triển các lớp trẻ càng có điều kiện học tập và phát triển hơn so với thế hệ trước, khiến đàn anh đàn chị có cảm giác bị “đe dọa” về sự nghiệp và có ý kiến cho rằng IT sau 35 tuổi đã là hết thời.

Nhưng liệu điều ấy có phải là sự thật như dân Tech vẫn hay đồn đoán? Hãy cùng nghe anh Mai Quang Minh - Tech Lead tại Niteco chia sẻ góc nhìn của anh về vấn đề này trong bài viết bên dưới nhé!

VietnamWorks inTECH xin chào anh Minh, đầu tiên để các bạn rõ về anh hơn, xin anh chia sẻ một chút thông tin về mình được không ạ?

Chào VietnamWorks inTECH, chào các bạn, anh là Minh, một lập trình viên đang làm việc tại công ty Niteco sắp được 10 năm rồi.

Theo số liệu khảo sát gần đây của Stack Overflow, độ tuổi phổ biến của lập trình viên đa số đều rơi vào khoảng từ 25-34 tuổi, chiếm tỉ lệ 46%, trong khi đó độ tuổi từ 35 - 44 chỉ chiếm 25,74%. Vậy theo anh Minh, tại sao càng ngày chúng ta lại càng thấy ít IT lớn tuổi trong ngành? 

Theo anh đây là thống kê sát với thực tế về tình hình nhân sự trong ngành IT những năm gần đây. Từ 25 đến 30 là giai đoạn phổ biến nhất về tuổi nghề của một lập trình viên, nhân sự đa phần là các bạn trẻ đã trải qua 1 đến 2 năm thử thách với nghề sau khi ra trường. 

Một số bạn cảm thấy sức hút về sự phát triển mạnh mẽ từ công nghệ cũng như những áp lực, thách thức hình thành trong công việc lại là động lực để các bạn lựa chọn gắn bó với nghề, trong khi số ít còn lại cảm thấy không phù hợp và quyết định rẽ hướng sau 1-2 năm làm việc. 

Bên cạnh những yếu tố về môi trường, chế độ đãi ngộ cũng như cơ hội nghề nghiệp thì gia đình cũng là lý do tại sao lại có sự tác động lớn về độ tuổi trong ngành IT. Dễ nhận thấy số đông các bạn lập trình viên (LTV) tập trung ở giai đoạn tuổi trẻ chưa vướng bận gia đình, có thể dành nhiều thời gian cho công việc, sẵn sàng chiến đấu để chạy deadline bằng tuổi trẻ (sức khỏe), và lòng nhiệt huyết chinh phục những bài toán khó trong công việc. Từ ngoài 30 hầu hết các bạn LTV khi đã có gia đình sẽ gặp phải vấn đề làm sao để cân bằng giữa công việc và gia đình, khiến họ nhiều lúc chạy như “con thoi” trong ngày.

Thực tế đây cũng là thực trạng của nhiều ngành nghề khác, tuy nhiên đặc thù trong ngành IT là bạn cần có khoảng thời gian tập trung cho công việc thật sự để giải quyết được những sự cố khó. Dần dần các LTV ở độ tuổi ngoài 35 sẽ xuất hiện những câu hỏi liệu mình có còn phù hợp để tiếp tục công việc này không? Cơ hội có còn cho mình không nếu làm việc không còn tập trung, công ty có thuê mình nữa không, . . . Bên cạnh đó có một số dạng công việc mới xuất hiện có thể giúp họ có nhiều thời gian hơn cho gia đình. Điều này khiến cho độ tuổi LTV từ 35 trở đi giảm đi đáng kể.

Theo anh ở giai đoạn độ tuổi này, nhân sự IT có gặp những khó khăn nào trong quá trình làm việc không?

Ở độ tuổi này hầu hết các bạn LTV đã đạt được kế hoạch phát triển bản thân, một phần các bạn sẽ làm ở vị trí thiên về quản lý, số còn lại tiếp tục đi theo hướng kỹ thuật (Coding). Nếu có khó khăn ở độ tuổi này thì thường là các bạn làm về kỹ thuật, bởi các bạn phải liên tục cập nhật những kiến thức mới để thích nghi, để tham gia được bất kỳ dự án nào mà công ty giao cho. Những kiến thức và kinh nghiệm được tích lũy trong những năm qua có thể đang đáp ứng cho nhu cầu công việc của bạn hiện tại, nhưng nó cần phải được bổ sung thường xuyên hơn bởi khách hàng của bạn có thể có mong muốn nâng cấp sản phẩm của mình lên nền tảng mới cho theo kịp xu hướng công nghệ trong tương lai. Khi đó nếu bạn không có sự chuẩn bị nắm bắt, học hỏi từ trước đó sẽ là rào cản chính bạn. 

Chẳng hạn như bạn đã quá quen làm việc với mô hình MVC của .Net Framework và đang rất tự tin với kinh nghiệm của mình cho những dự án kiểu này mà quên mất rằng thực tế công nghệ đã và đang thay đổi rất nhanh, bạn vẫn đang đi nhưng là theo lối mòn nếu bạn không nhìn ra bên ngoài để thấy những thứ rất quen thuộc với bạn đang thay đổi. 

Microsoft từ lâu đã không tập trung phát triển .Net Framework và 4.8 hiện đang đang là phiên bản cuối cùng, họ cũng không có kế hoạch nâng cấp trong tương lai, thay vào đó họ tập trung cho .Net Core với phiên bản mới nhất là 8.0. Khi khách hàng muốn ứng dụng của họ chạy trên đa nền tảng (Windows, Linux hay Mac) lúc đó nếu bạn đã nắm bắt và có những cập nhật kiến thức kịp thời về Microsoft .Net Core, Microservice, Cloud Service, và một chút về DevOps bạn sẽ có lợi thế tốt hơn để bắt đầu. 

Trình độ tiếng Anh cũng là rào cản với các LTV ở tuổi này, các công ty ngày càng có xu hướng tiếp cận khách hàng ở mức gần nhất, nghĩa là không chỉ đơn giản là nhận được những yêu cầu đã được hoàn thiện bởi một đối tác sau đó chỉ việc triển khai, thay vào đó công ty muốn các LTV làm việc trực tiếp với khách hàng, trao đổi hàng ngày để hiểu rõ yêu cầu về nghiệp vụ. Việc sử dụng tiếng Anh để giao tiếp hàng ngày cũng mang lại độ tin cậy, niềm tin hơn với khách hàng khi họ liên tục nhận được sự quan tâm và sự chủ động xử lý các tình huống gấp từ các LTV. 

Có một bạn đồng nghiệp của anh cũng đã trải qua giai đoạn khó khăn như vậy ở độ tuổi 35, sau một vài lần chuyển công ty để tìm kiếm sự phù hợp thì cuối cùng bạn quyết định bỏ nghề lập trình và chuyển sang làm kinh doanh BĐS.

Còn một điểm đặc biệt nữa mà anh nhận thấy đó là nhiều bạn LTV cũng cảm thấy bất lợi và khó theo kịp hơn khi công ty xuất hiện nhiều bạn trẻ năng động có lợi thế về tiếng Anh hơn. Bởi vì các bạn trẻ ngày nay có xu hướng chủ động, độc lập, tự tin và cái tôi cao hơn, điều ngày khiến các bạn LTV lâu năm sẽ có chút khó khăn khi hòa nhập cùng.

Vậy với những khó khăn như thế, làm thế nào để những nhân sự có tuổi nghề cao có thể gắn bó lâu dài với ngành mà vẫn thể hiện được giá trị của mình?

Cuộc sống vốn đã chẳng có gì là dễ dàng, nên để bớt khó khăn hơn chúng ta luôn cần phải cố gắng liên tục. Nghề LTV cũng vậy, chúng ta không thể hàng ngày đến công ty gõ những dòng code để ứng dụng chạy là được. Những dòng code đó ngày càng phải hoàn thiện hơn để đáp ứng được nhu cầu phát triển mạnh mẽ về công nghệ. Nghĩa là nó phải cần có độ tin cậy hơn, tốc độ hơn và khả năng thích ứng tốt hơn. Các công ty IT tại bất kỳ thời điểm nào cũng luôn cần những nhân sự có thái độ làm việc tốt, tận tâm và đặc biệt có kinh nghiệm lâu năm để phát triển cho hiện tại và vun đắp cho tương lai. 

Ở bất kỳ môi trường làm việc nào cũng vậy, cũng có áp lực cũng có thử thách nhưng nhớ rằng thách thức luôn đi kèm với cơ hội, đây chính là lúc các bạn LTV thể hiện giá trị của mình theo kiểu gừng càng già càng cay, tuy nhiên để có thể gắn bó với nghề lâu dài các bạn LTV cần phải:

- Giữ vững thái độ và phong độ làm việc như từng làm với quãng thời gian dài đã qua.

- Chủ động tìm hiểu những công nghệ mới.

- Đảm nhận những nhiệm vụ khó trong dự án, chia sẻ kiến thức và là chỗ dựa tin cậy cho các bạn trẻ.

Vậy anh nghĩ sao về nhận định “IT 35 tuổi là đã hết thời”?

Sẽ chưa là hết thời nếu bạn vẫn duy trì được niềm yêu thích với công việc, giữ được sự nghiêm túc với nghề nghiệp của mình, coi công việc chính là miếng cơm manh áo của mình. 

Quan trọng là bạn phải để công ty thấy được giá trị của mình trong công việc thông qua sự chủ động tham gia vào xử lý các tình huống khó, đứng ra gánh vác các công việc khó hay đưa ra giải pháp hợp lý. 

Công ty cũng mong muốn những bạn LTV ở độ tuổi này là chỗ dựa cho lứa trẻ cả về thái độ lẫn kinh nghiệm làm việc, nên các bạn IT ngoài 35 tuổi vẫn còn rất nhiều cơ hội. Nhìn xa hơn các bạn có thể thấy Developer ở nước ngoài có những bạn tận gần U60 nhưng vẫn hăng say làm việc, họ sẽ ít tham gia vào việc coding hơn thay vào đó họ đưa ra giải pháp và quản lý chất lượng code. 

Cho nên theo anh sẽ là lỗi thời nếu nhận định IT sau 35 tuổi là đã hết thời.

Đôi nét về anh Mai Quang Minh:

VietnamWorks inTECH