Có lẽ công nghệ chính là lĩnh vực năng động và thay đổi nhanh chóng nhất. Các công cụ và giải pháp thường lỗi thời trong vòng chưa đầy một thập kỷ và danh sách các kỹ năng hot nhất được báo cáo cập nhật gần như hàng quý.

Trong bài viết này, VietnamWorks InTECH sẽ giới thiệu với bạn danh sách các technical skills (kỹ năng kỹ thuật) sẽ khiến bạn trở nên “bất tử” trong bất kỳ chuyên ngành kỹ thuật nào. Khi thay đổi ngành nghề hay lĩnh vực, chắc hẳn bạn sẽ chật vật ít nhiều trong việc chuyển đổi kỹ năng cho phù hợp với bến đỗ mới. Tuy nhiên, có ba loại technical skills quan trọng có thể chuyển giao và góp phần giúp bạn trở thành một người giải quyết vấn đề tuyệt vời.

Toán học

Đầu tiên, đơn giản là toán học. Điều này rất dễ gây hiểu lắm với thực tế là toán học thuần túy hiếm khi được áp dụng để trực tiếp giải quyết các vấn đề. Đã bao giờ bạn được yêu cầu giải một số phương trình để fix bug chưa? Thật không may, tư duy về toán học được truyền dạy qua trường lớp vô tình khiến toán học trông có vẻ vừa khó nhằn vừa vô dụng.

Nhưng trên thực tế, toán học chứa đựng rất nhiều hơn thế! Nó là một môn khoa học dạy bạn tư duy trừu tượng. Cho dù bạn sử dụng nó hay không, nó không phải là về giải phương trình mà nó là về viết phương trình. Điều mà toán học cố gắng nói với bạn, đó là cách bạn có thể hiểu được vấn đề của mình và giúp bạn tìm ra một công thức chính xác. Nó là mô hình miền ở dạng thuần túy nhất vì nó không được gắn với bất kỳ miền cụ thể nào. Càng khám phá, bạn càng học được nhiều hơn về các lớp vấn đề nhất định và các cách có thể giải quyết chúng.

Mặc dù bạn sẽ không tính toán tích phân trong nhiều năm và có thể luôn phải gu-gồ “mọi thứ” trong quá trình lập trình. Nhưng nếu bạn cũng áp dụng lối tư duy tương tự và cho phép bản thân phát triển mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực toán học, bạn chắc chắn sẽ được hưởng tự do nghề nghiệp hơn khi có thể dễ dàng thích ứng với nhiều loại hình công việc kỹ thuật.

Lời dịch giả: Không phải ngẫu nhiên mà từ “problem” trong tiếng Anh vừa có nghĩa là “vấn đề” (thứ mà lập trình giải quyết), vừa có nghĩa là “bài toán”, đúng không nào?

Theo sau lỗi

Kỹ năng tiếp theo liên quan nhiều đến cái gọi là kỹ năng phân tích (analytical skills). Một từ thông dụng ngày nay, bởi vì ai cũng cuồng dữ liệu. Và bạn sẽ làm gì với dữ liệu? Bạn phân tích chúng. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích không thể sửa chữa máy tính của họ.

Một lần nữa, kỹ năng này không đơn giản như vẻ ngoài của nó. Những bộ óc giải quyết vấn đề đáng gờm nhất ngoài kia là những người kết hợp phân tích với hiểu biết về kỹ thuật. Những người này có khả năng rất lớn để phân tác bất kỳ vấn đề nào thành nhiều mảnh và sau đó kiểm tra từng chút một để sửa chữa các sự cố. Việc “theo sau một lỗi” đòi hỏi hình dung một hệ thống phức tạp là sự kết hợp của các hệ thống nhỏ hơn hoạt động cùng nhau. Giống như bất kỳ kỹ năng nào, nó đòi hỏi sự kiên nhẫn và kinh nghiệm, nhưng nó gần như đi ngược lại xu hướng chung ngày nay: trở thành ngôi sao toàn năng chỉ trong một loại công nghệ duy nhất (và thường là một công nghệ phổ biến). Họ nhìn thấy toàn bộ hỗn hợp công nghệ đó và sẵn sàng xử lý ở bất kỳ cấp độ nào hoặc bất kỳ mặt cắt nào.

Như vậy có nghĩa là bạn phải làm chủ toàn bộ công nghệ? Dĩ nhiên là không! Tuy nhiên, bạn sẽ cực kỳ hữu ích nếu có khả năng giải quyết các phần phụ nho nhỏ. Dù là phần mềm hay phần cứng, việc hiểu cách mọi thứ hoạt động ở mức độ cơ bản sẽ giúp bạn tạo ra một “bức tranh tinh thần” trong đó bạn khác biệt hơn hàng trăm nghìn người với “một công nghệ X tuyệt vời” trên CV của họ.

Lời dịch giả: Ông bà xưa có câu: “01 nghề cho chín, còn hơn 09 nghề.”, nhưng có lẽ trong thời hiện đại, một kỹ sư phần mềm tài ba cần đóng gói ba lô của mình với nhiều hơn là 01 nghề chín. Càng nhiều loại lỗi bạn có thể sửa được (không nhất thiết phải ở cùng một cấp độ), giá trị của bạn càng tăng, bạn có sẵn sàng “theo sau lỗi”?

Tổng hợp

Kỹ năng tổng hợp gần giống như phân tích nhưng nó đi theo hướng ngược lại. Mặc dù tổng hợp cũng đòi hỏi khả năng tạo ra một mô hình tinh thần, không giống như phân tích, nó tập trung vào việc đưa các mảnh ghép lại với nhau.

Một ví dụ về một hành động tổng hợp là thiết kế một chương trình máy tính. Trong quá trình đó, cách các mảnh được kết nối với nhau như thế nào quan trọng hơn bản thân từng mảnh. Một lần nữa, những lập trình viên khéo léo nhất sẽ xem xét các ngôn ngữ lập trình và framework không chỉ để thuận tiện. Họ tập trung nhiều hơn vào việc lựa chọn hoặc thiết kế các bộ phận theo để có được sự kết hợp hợp lý nhất. Tương tự, các nhà thiết kế phần cứng sẽ cung cấp các thành phần hỗ trợ bức tranh tổng thể, có tính đến các tính năng, giá cả, độ bền, tính khả dụng và cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng - giao diện.

Thành công không chỉ nằm ở việc “biết” các công cụ phù hợp cho quá trình làm việc trong ngành kỹ thuật. Mà một thành công lớn hơn sẽ đến với bạn nếu bạn học (trên khái niệm) cách thiết kế một hệ thống, ngay cả ở cấp độ trừu tượng, và sau đó điền vào các khối. Hay nói cách khác, bạn có hiểu biết về cái tổng quan cho nhiệm vụ đang thực hiện để ghép đúng mảnh. 

Tạm kết

Sự thay đổi của công nghệ có thể sẽ nhanh chóng hơn tuổi nghề của bạn. Khi buộc phải thay đổi để thích nghi, hãy chắc rằng bạn đã trang bị cho mình một tư duy rộng mở và cấp tiến trong cái nghề kỹ thuật đòi hỏi nhiều chất xám này. Hi vọng bài viết về 03 technical skills “chống chìm” bên trên đã giúp bạn có một cái nhìn và vài suy ngẫm thú vị cho sự nghiệp kỹ sư của mình.

Tổng hợp việc làm IT - Software trên VietnamWorks
VietnamWorks InTECH
Theo towardsdatascience