Bạn có cảm thấy mình đang bị mắc kẹt trong sự nghiệp hiện tại? Bạn mất phương hướng để phát triển công việc hay không dám rời khỏi vị trí mà mình không còn hài lòng? Dù trong cuộc sống, bạn đang mắc kẹt như thế nào thì bài viết này cũng có thể dành cho bạn. Trong bài viết này, mình sẽ thảo luận về ý nghĩa của cảm giác bế tắc trong sự nghiệp, làm thế nào để loại bỏ những cảm giác này và tiến về phía trước.

Mắc kẹt trong sự nghiệp có nghĩa là gì?

Bị mắc kẹt trong sự nghiệp có nghĩa là bạn cảm thấy mình không có cơ hội thăng tiến nghề nghiệp hoặc các khả năng nghề nghiệp khác. Bạn có thể cảm thấy mình không thể thay đổi con đường sự nghiệp của mình mặc dù công việc đó bạn không hài lòng. Cảm thấy bế tắc có nghĩa là bạn cho rằng mình không có lựa chọn nào để thay đổi hoàn cảnh hiện tại.

Một vài lý do khiến bạn cảm thấy bế tắc trong sự nghiệp của mình gồm:

Cảm giác như bạn không thể thay đổi công việc: Bạn bắt đầu một công việc chủ yếu vì tiền lương và đến thời điểm hiện tại bạn không muốn tiếp tục công việc đó nhưng không dám nghĩ vì sợ không tìm được cơ hội có mức lương tốt như vậy.

Đòi hỏi nâng cao chuyên môn: Khi công việc bắt đầu đòi hỏi bạn phải có chuyên môn cao khiến bạn nhận ra rằng những kỹ năng của mình quá hạn hẹp để đảm nhận.

Cảm thấy bị thụt lùi vì gắn bó với một vị trí quá lâu: Sau vài năm làm cùng một công việc, bạn có thể cảm thấy mình bị choáng ngợp bởi những ý tưởng sáng tạo của đồng nghiệp mới, cảm thấy mình không có cơ hội thăng tiến hay phát triển về chuyên môn như mong đợi.

Cảm thấy bị đe dọa bởi công nghệ hoặc kỹ năng mới: Bạn cảm thấy bị đe dọa bởi sự ra đời của các phần mềm AI, hoặc bạn cần học phải nhiều kỹ năng hơn nửa để thăng tiến trong sự nghiệp.

I. Chủ động thay đổi bản thân

Dù cho bạn đang là ai và đang mắc kẹt trong tình huống nào ở trên nhưng rằng điều đầu tiên bạn cần phải làm là chủ động thay đổi bản thân.

Bạn sợ hãi trước những điều chưa biết và cảm thấy mệt mỏi khi đứng yên tại chỗ, nhưng bạn sẽ không bao giờ biết ngoài kia có gì khác cho đến khi bạn chủ động “ nhìn”. Ít nhất hãy xem xét các lựa chọn của bạn và chủ động theo đuổi điều gì đó khác biệt.

Chỉ khi bản thân chủ động bạn mới có đạt được kết quả tuyệt vời và giúp bạn thoát khỏi trạng thái “mắc kẹt” trong hiện tại.

II. Đánh giá các mục tiêu và giá trị của bạn

Tiếp theo, thực hiện đánh giá các mục tiêu và giá trị của bản thân. Hãy đặt câu hỏi bạn thực sự muốn gì trong sự nghiệp của mình?. Bạn muốn cuộc sống của mình sẽ diễn ra như thế nào sau 5 hay 10 năm nữa, cả về nghề nghiệp và cá nhân?. Hãy tự hỏi bản thân xem công việc bạn đang làm có thể mang lại cuộc sống đó không hay liệu nó có cần phải thay đổi hay không. 

Ví dụ, nếu bạn muốn mua một căn nhà trong 5 năm tới, nhưng bạn biết rằng bạn không đủ khả năng với mức lương hiện tại, thì mục tiêu của bạn phải có thêm nguồn thu nhập hoặc mức lương cao hơn.

Ngoài ra, bạn nên xem xét lại các giá trị của bản thân và liệu công ty của bạn có đang sở hữu những điều mà bạn quan tâm hay không?. Đây là những yếu tố quan trọng để bạn cân nhắc có nên chuyển công ty hay thay đổi nghề nghiệp. Nếu bạn nhận ra công ty rất phù hợp với mình, nhưng bạn vẫn cảm thấy bế tắc, bạn có thể nghĩ đến việc chuyển sang một ngành khác.

III. Xác định điểm mạnh của bạn

Thay vì tập trung vào những kỹ năng bạn không có, hãy lập danh sách những điều bạn có thể làm và làm tốt. Bao gồm các kinh nghiệm và kỹ năng mềm của bạn. 

Sau khi có được danh sách này, hãy xem xét kỹ năng hoặc khả năng nào bạn tự tin nhất. Điều này giúp bạn xác định liệu bạn đang cảm thấy bế tắc vì không còn làm tốt các nhiệm vụ mà bạn yêu thích hay xuất phát từ vấn đề khác. Từ đó, dành thời gian để cải thiện những điều còn chưa tốt.

Có thể vai trò của bạn đã thay đổi theo thời gian, bao gồm phải thực hiện nhiều nhiệm vụ mà bạn không thích. Chủ động nói chuyện với người quản lý về cách bạn có thể kết hợp nhiều nhiệm vụ trong một ngày làm việc của mình.

IV. Mở rộng Network của bạn

Xây dựng network đa dạng có thể giúp bạn thăng tiến trong sự nghiệp nhờ sự kết nối với các anh chị trong ngành và đang làm việc ở các công ty khác nhau. Chủ động kết nối và chia sẻ với các chuyên gia sẽ giúp bạn hiểu được nhiều vấn đề trong hiện tại. Cho dù trao đổi trực tiếp hay online, hãy tận dụng network của mình để:

  • Tìm hiểu về các lĩnh vực và công ty khác nhau

  • Xin lời khuyên trong công việc và cuộc sống

  • Hợp tác phát triển cho các ý tưởng

  • Chia sẻ và lắng nghe kiến thức 

  • Khám phá cơ hội việc làm

V. Tập trung đầu tư kiến thức cho bản thân

Dựa vào một số lý do được đề cập ở đầu bài, bạn có thể thoát ra khỏi vùng an toàn của mình bằng cách học thêm kỹ năng mới. Cân nhắc tham gia khóa học trực tuyến vào thời gian rảnh để tìm hiểu một phần mềm mới, tham gia workshop về cơ hội phát triển nghề nghiệp hoặc các khóa kỹ năng mềm về giao tiếp, lãnh đạo. Phát triển và tích lũy nhiều kiến thức và kỹ năng sẽ là nền tảng cho sự thăng tiến nghề nghiệp ở bất kỳ công ty nào bạn muốn.

Đôi khi bạn cũng có thể cân nhắc học nâng cao tại trường để theo đuổi một con đường sự nghiệp mới. Lấy thêm bằng cử nhân để bắt đầu làm việc cho lĩnh vực mới hoặc lấy bằng thạc sĩ nếu bạn muốn theo đuổi vai trò quản lý.

VI. Tìm một người cố vấn

Tìm kiếm người lắng nghe và chia sẻ với bạn về những khó khăn và lo lắng sẽ giúp bạn cảm thấy bớt gánh nặng hơn. Có thể đó là người bạn ngưỡng mộ hay người đã trải qua những thử thách tương tự, họ sẽ thấu hiểu và đưa cho bạn những lời khuyên hữu ích.

Cân nhắc làm việc với một huấn luyện viên cuộc sống, cố vấn nghề nghiệp hoặc cố vấn chuyên nghiệp để xác định nguyên nhân cảm xúc của bạn và đưa ra giải pháp.

VII. Tìm kiếm nguồn cảm hứng

Nếu bạn muốn thoát khỏi lối mòn và bế tắc hiện tại, hãy tìm cách để  lấy lại nguồn cảm hứng để sẵn sàng cho một khởi đầu mới. Đây là một số ý tưởng:

  • Làm điều gì đó mà bạn từng yêu thích, chẳng hạn như vẽ hoặc tô màu

  • Bắt đầu một sở thích mới, chẳng hạn như khiêu vũ hoặc huấn luyện một đội bóng đá trẻ

  • Đi một chuyến

  • Kết nối lại với những người bạn cũ 

  • Tập yoga hoặc thiền

  • Đọc sách tạo động lực hoặc nghe podcast cải thiện bản thân

  • Dành thời gian trong tự nhiên

  • Sự tăng cường cảm hứng của bạn có thể châm ngòi cho sự sáng tạo và động lực mà bạn cần để tạo ra những thay đổi lớn trong cuộc sống cá nhân hoặc nghề nghiệp của mình.

VIII. Tạo mục tiêu rõ ràng để cố gắng

Một trong những nguyên nhân tạo nên bế tắc trong sự nghiệp có thể là do bạn không có mục tiêu rõ ràng. Bạn có thể muốn thực hiện thay đổi “tại một thời điểm nào đó”, nhưng nếu không có định nghĩa rõ ràng về kế hoạch của mình, thật khó để bắt đầu thực hiện thay đổi đó. 

Hãy thiết lập một mục tiêu S.M.A.R.T. cụ thể như sau:

  • Cụ thể (S) : Mục tiêu của bạn nên được xác định rõ ràng thây vì những định nghĩa mơ hồ.

  • Đo lường được (M) : Bạn có thể đo lường các mục tiêu theo những cách khách quan, như số lượng, xếp hạng hoặc tỷ lệ phần trăm.

  • Có thể đạt được (A): Đảm bảo mục tiêu có thể đạt được trong thực tế,

  • Có liên quan ( R ): Mục tiêu của bạn nên liên quan đến các mối bận tâm cụ thể nào đó và có tác động trực tiếp đến việc cải thiện chúng.

  • Giới hạn thời gian (T): Các mục tiêu và định hướng nên có sự giới hạn về thời gian hoàn thành phù hợp

Đôi khi sự “mắc kẹt” lại là một dấu hiệu tốt để bạn biết rằng hành trình bạn đang đi chưa thật sự ổn như bạn nghĩ. Để phát triển sự nghiệp một cách bền vững, bạn cần có kế hoạch và xác định mục tiêu mà mình thực sự muốn hướng đến. Mọi người rồi sẽ có những phút giây “mắc kẹt” như thế. Đó cũng là lúc chúng ta nên dành cho bản thân sự nghỉ ngơi, chủ động phát triển bản thân tốt hơn cho từng giai đoạn. 

Nguồn: HR Insider

VietnamWorks inTECH