Cách thức hoạt động của Blockchain?

Về cốt lõi, blockchain là một bảng tính Excel được tô điểm. Nói cách khác, đây là một cách mới để lưu trữ dữ liệu. Trong cơ sở dữ liệu truyền thống thường có một người phụ trách, một người quyết định ai có thể truy cập và nhập dữ liệu, một người có thể chỉnh sửa và xóa dữ liệu đó. Nhưng Blockchain thì khác, không ai chịu trách nhiệm và bạn không thể thay đổi hoặc xóa bất kỳ điều gì, chỉ có thể xem và nhập dữ liệu.

Thứ đầu tiên được biết nhiều nhất, khá thực tiễn và lấy công nghệ Blockchain làm nền tảng đó chính là Bitcoin - loại tiền tệ kỹ thuật số cho phép bạn chuyển tiền từ A đến B mà không cần sự có mặt của ngân hàng.

Vậy nó hoạt động ra sao? Hãy tưởng tượng rằng tiền cần được chuyển từ bạn sang James và các ngân hàng biết cách làm điều này. Bạn yêu cầu ngân hàng gửi tiền cho James, ngân hàng thực hiện các kiểm tra cần thiết như: có đủ tiền trong tài khoản không? Số tài khoản có tồn tại không? - Và sau cùng là nhập vào cơ sở dữ liệu của họ: gửi tiền từ bạn cho James.

Điều này hơi phức tạp hơn với bitcoin. Bạn thông báo yêu cầu thanh toán trong một cuộc trò chuyện khổng lồ: một bitcoin từ bạn cho James! Sau đó, có những người dùng (người đào bitcoin) thu thập các giao dịch khác nhau trong các khối (block) nhỏ.

Để thêm các khối giao dịch này vào sổ cái công khai của blockchain, những “thợ đào” phải giải một câu đố phức tạp (thực tế, họ phải đoán một số rất lớn từ một danh sách rất dài các con số). Việc giải câu đố đó mất khoảng 10 phút - và nếu nó được giải nhanh hơn, chẳng hạn như vì mọi người sử dụng nhiều phần cứng hơn, thì câu đố đó sẽ tự động trở nên khó hơn.

Sau khi giải đố, các thợ đào sẽ thêm các giao dịch vào phiên bản mới nhất của sổ cái blockchain, trong phiên bản mà họ đã lưu cục bộ. Họ đăng một thông báo trong cuộc trò chuyện: chúng tôi đã giải nó, thấy gì chưa! Mọi người đều có thể xác minh rằng giải pháp là đúng và ai cũng đều cập nhật sổ cái blockchain của riêng họ. Thế đấy! Giao dịch hoàn tất, và như một phần thưởng cho công việc của họ, những người thợ đào sẽ nhận được một ít bitcoin.

Câu đố đó là gì?

Tại sao lại có một câu đố? Nếu mọi người đều cư xử với nhau một cách tôn trọng, bạn sẽ không cần câu đố đó. Nhưng hãy tưởng tượng ai đó muốn chi cùng một số tiền đến hai lần. Bạn nói với cả James và John rằng: Tôi đang đưa cho các anh số bitcoin này. Ai đó cần phải kiểm tra xem có thể làm được chuyện đó hay không. Và các thợ đào làm công việc mà một ngân hàng thường làm: họ quyết định giao dịch nào được thực hiện.

Tất nhiên, một thợ đào có thể cố gắng lừa tiền hệ thống bằng cách chơi khăm bạn. Nhưng những người khác có thể nhận ra ngay nếu bạn chi cùng một khoản tiền đến hai lần và họ có thể từ chối cập nhật blockchain. Vậy nên, một thợ đào ác ý thì sẽ chỉ nhận được con số không tròn trĩnh. Rất khó đoán được con số, cho nên, bạn phải tuân thủ luật chơi.

Điều này có lẽ hơi kém hiệu quả nhỉ? Sẽ đỡ phức tạp hơn rất nhiều nếu bạn có ai đó để tin tưởng trong việc quản lý dữ liệu của mình (chẳng hạn như ngân hàng). Nhưng, đó không phải là những gì Satoshi Nakamoto - cha đẻ của bitcoin - đã làm. Ông nghĩ rằng các ngân hàng có thể làm cho tiền biến mất khỏi tài khoản của bạn, nên ông phát minh ra bitcoin.

Và bitcoin hoạt động, nó tồn tại, và theo số liệu mới nhất, có gần 1855 loại tiền tệ giống bitcoin khác trên mạng.

Tuy nhiên, sự thành công của bitcoin không phải là chưa được công nhận. Có rất ít cửa hàng chấp nhận tiền kỹ thuật số, bởi vì nó rất chậm (một giao dịch mất những chín phút, đôi khi tận chín ngày!), gây nhiều rắc rối (bạn hãy thử đi - việc cắt bao bì nhựa cứng bằng kéo còn thân thiện với người dùng hơn) và rất không ổn định (giá của nó đã tăng lên €17.000; giảm xuống còn €3.000 euro; tăng trở lại hiện nay là €10.000).

Không chỉ vậy, cái "phi tập trung” không tưởng mà Nakamoto mơ ước, cụ thể là chặn các bên thứ ba đáng tin cậy, vẫn vượt ngoài tầm với. Trớ trêu thay, hiện có ba mỏ đào (mining pool) - một loại công ty xây dựng các không gian chứa đầy máy chủ ở Alaska và các địa điểm khác phía trên gần Bắc Cực - chịu trách nhiệm cho hơn một nửa số bitcoin mới (và cũng để kiểm tra các yêu cầu thanh toán).

Vào thời điểm hiện tại, bitcoin đã đặc biệt thành công trong việc đầu cơ. Một người nào đó đã tình cờ mua €20 hoặc €20 giá trị tiền mã hóa (cryptocurrency) trong những ngày đầu tiên, giờ đây đã có đủ tiền cho hàng loạt chuyến đi vòng quanh thế giới.

Blockchain là một công nghệ bất khả xâm phạm, nó là một công thức đã được công nhận, và đột nhiên mang đến một sự giàu có kinh ngạc. Từ các ủy viên hội đồng, đến nhà quản lý, nhà tư vấn đều đọc về một loại tiền tệ bí ẩn trong các bài báo nói về việc mọi người đã trở thành triệu phú vì blockchain. Họ nghĩ rằng họ cần phải nhập cuộc. Bạn không thể làm được gì nhiều với bitcoin, nhưng chính công nghệ đằng sau nó – blockchain – mới khiến nó trở nên thú vị.

Blockchain khái quát hóa thị trường bitcoin: không chỉ loại bỏ các ngân hàng mà còn cả cơ quan quản lý đất đai, máy bỏ phiếu, công ty bảo hiểm, Facebook, Uber, Amazon, Lung Foundation, ngành công nghiệp phim người lớn, chính phủ và doanh nghiệp nói chung. Tất cả chúng đều không cần thiết, nhờ vào blockchain. Nó tạo ra khá nhiều quyền lực cho người dùng nhỉ?

Một ngành công nghiệp trị giá 600 triệu euro

Trong khi đó, Bloomberg ước tính ngành công nghiệp blockchain trên toàn thế giới vào khoảng 700 triệu đô la (hơn 600 triệu euro). Các công ty lớn như IBM, Microsoft và Accenture có hẳn bộ phận dành riêng cho công nghệ mang tính cách mạng này. Ở Hà Lan, có rất nhiều các loại trợ cấp dành cho việc đổi mới blockchain.

Tuy nhiên, thực tế thực sự tàn khốc, có vẻ như blockchain sẽ là lý tưởng nhất khi nằm trong các slide PowerPoint. Một bản kiểm kê của Bloomberg cho thấy rằng hầu hết các dự án blockchain không vượt qua được thông cáo báo chí. Cơ quan quản lý đất đai của Honduras đã có ý định sử dụng blockchain, nhưng kế hoạch đó đã bị gác lại. Nasdaq cũng sẽ làm điều gì đó với blockchain, Ngân hàng Trung ương Hà Lan cũng vậy, nhưng chẳng có điều gì xảy ra. Theo công ty tư vấn Deloitte, 92% của hơn 86.000 dự án blockchain được khởi chạy đã bị đình chỉ vào cuối năm 2017.

Tại sao họ quyết định dừng lại? Cựu lập trình viên blockchain kỳ cựu, Mark van Cuijk, giải thích: “Bạn cũng có thể sử dụng xe nâng hàng để đặt sáu gói bia lên quầy bếp của mình. Nhưng nó không hiệu quả lắm đâu."

Thứ nhất: công nghệ này đi trái lại với luật bảo mật Châu Âu, cụ thể là quyền được lãng quên. Một khi thứ gì đó nằm trong blockchain, nó không thể bị xóa, ví dụ như hàng trăm liên kết đến tài liệu lạm dụng trẻ em và các văn hóa phẩm trả thù tình (revenge porn) được những người dùng ác ý bỏ vào blockchain bitcoin. Không thể xóa chúng được.

Ngoài ra, trong blockchain, bạn không thể ẩn danh, mà là có "bút danh": danh tính của bạn được liên kết với một con số và nếu ai đó có thể liên kết tên của bạn với con số đó, thì bạn sắp gặp rắc rối to rồi. Mọi thứ bạn làm trên blockchain đều hiển thị với mọi người.

Chẳng hạn, những tin tặc hack email của Hillary Clinton đã bị bắt vì danh tính của chúng có liên kết đến các giao dịch bitcoin. Một số nhà nghiên cứu từ Đại học Qatar đã có thể xác định danh tính của hàng chục nghìn người dùng bitcoin một cách khá dễ dàng thông qua các trang mạng xã hội. Các nhà nghiên cứu khác đã chỉ ra cách mà bạn vô hiệu hóa sự ẩn danh của nhiều người hơn thông qua trình theo dõi trên các trang web mua sắm.

Mọi lỗi lầm trên blockchain là vô phương cứu chữa. Ngân hàng còn có thể đảo ngược yêu cầu thanh toán, còn bitcoin thì không và tương tự với các loại tiền mã hóa khác. Vì vậy, thứ gì đã bị đánh cắp thì sẽ vẫn bị đánh cắp. Có một làn sóng tin tặc liên tục nhắm vào các giao dịch và người dùng bitcoin, những kẻ lừa đảo thì lại tung ra các phương tiện đầu tư mà thực chất là các mô hình kim tự tháp (pyramid scheme). Theo ước tính, gần 15% tổng số bitcoin đã bị đánh cắp vào một thời điểm nào đó, nó thậm chí còn chưa tồn tại được 10 năm.

Bitcoin và Ethereum sử dụng lượng năng lượng bằng toàn bộ nước Áo

Và sau đó là vấn đề môi trường. Vấn đề môi trường? Không phải chúng ta đang nói về tiền kỹ thuật số sao? Điều này còn làm cho blockchain trở nên lạ lùng hơn. Giải quyết tất cả những câu đố phức tạp đó (phần trên) đòi hỏi một nguồn năng lượng rất lớn, lớn đến nỗi hai blockchain lớn nhất thế giới - Bitcoin và Ethereum - hiện đang sử dụng lượng điện năng tương đương với toàn bộ nước Áo. Thực hiện thanh toán bằng Visa cần khoảng 0,002 kW/h; cùng một khoản thanh toán, bitcoin tiêu thụ 906 kW/h, gấp hơn nửa triệu lần và đủ để cung cấp năng lượng cho một hộ gia đình gồm hai người trong khoảng ba tháng.

Và vấn đề môi trường sẽ ngày càng gia tăng, khi các thợ đào nỗ lực nhiều hơn để giải các câu đố (tức là xây dựng thêm nhiều máy chủ đáng nghi ở Alaska), các câu đố sẽ tự động trở nên khó hơn, đòi hỏi nhiều sức mạnh tính toán hơn. Đó là một cuộc chạy đua vũ trang phi nghĩa không lối thoát, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cùng một số lượng giao dịch ngày càng ngốn năng lượng.

Vậy để làm gì? Đây thực sự là câu hỏi quan trọng nhất: blockchain thực sự giải quyết được vấn đề gì? Với bitcoin, tiền trong tài khoản của bạn sẽ không thể nào bị bốc hơi như cách mà ngân hàng đã làm. Nhưng có thật là như vậy không? Nghe thật lạ khi nói về việc ngân hàng lấy tiền từ một ai đó, nếu một ngân hàng làm vậy, họ sẽ bị lôi ra tòa ngay lập tức và bị tước giấy phép hoạt động. Cơ bản là có thể; về mặt pháp lý, thì, đó là một bản án tử hình.

Những kẻ lừa đảo hiện diện khắp mọi nơi, ai cũng dối trá và lừa lọc. Nhưng vấn đề lớn nhất ở đây đó là bị lừa đảo bởi các nhà cung cấp dữ liệu (ví dụ: ai đó buôn đầu dê bán thịt chó), chứ không phải bởi các nhà quản trị dữ liệu (ví dụ: một ngân hàng làm cho tiền biến mất).

Một số người đã đề xuất đưa Cơ quan quản lý đất đai vào blockchain. Điều đó sẽ giải quyết tất cả các loại vấn đề ở các quốc gia có chính quyền tham nhũng. Lấy ví dụ như Hy Lạp, nơi 1/5 tòa nhà không được đăng ký, tại sao những tòa nhà này không được đăng ký? Bởi vì người Hy Lạp chỉ xây mà không khai báo với nhà nước.

Blockchain cũng chả khiến tình hình khá hơn, bởi nó là một cơ sở dữ liệu - nó không phải là một hệ thống tự điều chỉnh để kiểm tra tất cả dữ liệu về tính đúng đắn, huống hồ gì việc dừng xây dựng các tòa nhà trái phép. Các quy tắc tương tự áp dụng cho blockchain cũng như cho bất kỳ cơ sở dữ liệu nào: nếu mọi người bỏ những thứ tạp nham vào, thì cũng cho ra toàn những thứ tạp nham thôi.

Như một nhà báo của Bloomberg, Matt Levine, đã viết: "Hồ sơ blockchain của tôi chứng minh rằng tôi có 10.000 pound nhôm trong kho chứa, nó chả có lợi gì mấy cho ngân hàng nếu tôi buôn lậu nhôm bằng "cách khác".”

Dữ liệu nên phản ánh thực tế, nhưng đôi khi thực tế thay đổi và dữ liệu vẫn giữ nguyên. Đó là lý do tại sao chúng ta có công chứng viên, người giám sát, luật sư - những con người nhàm chán mà blockchain nghĩ rằng nó không cần.

Có rất ít blockchain thực sự hoạt động

Vậy còn thị trấn tiên phong Zuidhorn thì sao? Chẳng phải là blockchain đã thành công ở đó hay sao?

Không hoàn toàn, bạn có thể thấy thông qua một dự án ứng dụng gói viện trợ trẻ em trên GitHub - và có rất ít blockchain thực sự được áp dụng. Dù sao đi nữa, vẫn sẽ có một thợ đào cô đơn nào đó đang làm việc trên một máy chủ, không kết nối với internet, để nghiên cứu nội bộ. Nhưng những gia đình sống trong cảnh nghèo đói và những người chủ tiệm đang sử dụng lại là một ứng dụng cực kỳ đơn giản, sử dụng code vô cùng đơn giản, chạy trên cơ sở dữ liệu siêu đơn giản.

Vậy blockchain đang ở đâu?

Zuidhorn không phải là ngoại lệ. Nếu bạn xem xét kỹ lưỡng, bạn sẽ thấy rằng tất cả các thử nghiệm blockchain chỉ toàn là đề xuất về blockchain.

Take My Care Log, một trong những thí nghiệm từng đoạt giải thưởng, về chăm sóc thai sản. Tất cả những người Hà Lan vừa mới mới sinh con đều được chu cấp một khoản tiền chăm sóc thai sản nhất định. Cũng giống như gói viện trợ dành cho trẻ em ở Zuidhorn, đây là một cơn ác mộng quan liêu, nhưng giờ đây đã có một ứng dụng trên điện thoại thông minh của bạn, nơi bạn có thể ghi lại mức độ chăm sóc mà bạn đã nhận được và còn lại.

Báo cáo cuối cùng cho thấy Take My Care Log không sử dụng bất kỳ tính năng độc nhất vô nhị nào của blockchain. Một số bên thứ ba đã được xác định trước đó là những thợ đào độc quyền: nói cách khác, họ có quyền phủ quyết mọi dữ liệu chăm sóc thai sản được ghi lại. Để tốt hơn cho môi trường và phù hợp với các quy định về quyền riêng tư, báo cáo cho biết. Nhưng, chẳng phải đó là những gì blockchain mang lại hay sao, việc mà nó chẳng cần những bên thứ ba đáng tin cậy này? Vậy họ đang làm gì ở đây?

Họ đang xây dựng một cơ sở dữ liệu hoàn toàn bình thường, nhưng cực kỳ kém hiệu quả. Khi bạn đã hiểu rõ tất cả các thuật ngữ, báo cáo sẽ trở thành một mô tả nhàm chán về kiến ​​trúc cơ sở dữ liệu. Họ viết về sổ cái phân tán (distributed ledger) (đó là cơ sở dữ liệu được chia sẻ), về các hợp đồng thông minh (smart contract) (đó là một thuật toán) và về bằng chứng thẩm quyền (đó là quyền phủ quyết bất cứ điều gì được nhập vào cơ sở dữ liệu).

Merkle tree (một cách hủy liên kết dữ liệu từ các lần kiểm tra dữ liệu đó) là yếu tố blockchain duy nhất để thực hiện trong công đoạn cuối cùng. Và đó là công nghệ hoàn toàn tốt, không có vấn đề gì khi sử dụng nó. Merkle tree đã tồn tại từ năm 1979 và đã được sử dụng trong nhiều năm, chẳng hạn như trong Git, một hệ thống kiểm soát phiên bản (được hầu hết các lập trình viên trên thế giới sử dụng). Chúng không phải là duy nhất đối với blockchain.

Vẫn có một thị trường màu nhiệm to lớn

Đây là một một cuộc hành trình kỳ lạ đến với hư không. Tim Strijdhorst, một lập trình viên không biết nhiều về blockchain, nói: “Tôi làm việc với code, vì vậy mọi người xem tôi như một nhà ảo thuật,” anh nói một cách tự hào. Anh ấy dành một nửa thời gian của mình để la lối om sòm trước màn hình của mình một cách giận dữ, trong khi anh lập trình để sửa chữa script PHP cũ kỹ đã có từ nhiều năm trước.

Ý của Tim là ICT (Information & Communication Technologies) giống như phần còn lại của thế giới - một mớ hỗn độn cũ kỹ.

Những người ngoài cuộc, tay ngang, những người không chuyên về công nghệ… chỉ đơn giản là từ chối chấp nhận. Các ủy viên hội đồng và các nhà quản lý cho rằng các vấn đề - dù lớn và căn bản - đều bốc hơi ngay lập tức nhờ công nghệ mà họ đã nghe thấy trong một bản trình bày PowerPoint lạ mắt. Nó sẽ hoạt động thế nào? Không cần quan tâm! Đừng cố gắng hiểu nó, chỉ cần gặt hái những lợi ích!

Đây là thị trường màu nhiệm và nó rất to lớn. Cho dù đó là về blockchain, big data, điện toán đám mây, AI hay các thuật ngữ thông dụng khác.

Liệu có khi nào Maarten Velthuijs đã tạo ra ứng dụng gói viện trợ trẻ em tuyệt vời đó mà không tưới nó bằng blockchain không? “Không”, anh ấy thừa nhận. Nhưng anh ta rất độc đoán về công nghệ này. Velthuijs nói: “Hãy nhìn xem, trước khi chúng ta có thể bay, mọi thứ cũng không phải lúc nào cũng suôn sẻ. "Hãy xem trên YouTube, có một người đàn ông vừa nhảy khỏi Tháp Eiffel bằng dù tự chế! Đúng, tất nhiên là anh ấy đã chết. Nhưng chúng ta cần những người như vậy.” Vì vậy, nếu Maarten thành công trong việc ứng dụng blockchain – thì điều đó thật tuyệt! Còn nếu anh ấy không thành công, thì cũng không sao. Ít nhất anh ấy sẽ học được điều gì hiệu quả và không hiệu quả. Cuối cùng thì thị trấn cũng có một ứng dụng hay ho để sử dụng.

Có thể đây là điểm sáng nhất của blockchain: là một chiến dịch nâng cao nhận thức, mặc dù là một chiến dịch tốn kém. "Quản trị back office" không phải là một mục quan trọng trong các cuộc họp hội đồng quản trị, nhưng "blockchain" và "đổi mới" thì có.

Nhờ tất cả những lời quảng cáo rầm rộ, Maarten đã có thể phát triển ứng dụng gói viện trợ cho trẻ em của mình, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc thai sản bắt đầu nói chuyện với nhau một lần nữa và nhiều doanh nghiệp cũng như chính quyền địa phương đã được nhẹ nhàng nâng cao nhận thức về việc quản trị dữ liệu sơ sài của họ.

Đúng vậy, phải mất nhiều hứa hẹn lung tung, không thỏa đáng để có được kết quả là các quản trị viên giờ đây đã quan tâm đến những chủ đề nhàm chán, những chủ đề giúp làm cho thế giới hoạt động hiệu quả hơn một chút - không có gì ngoạn mục, chỉ tốt hơn một chút thôi.

Điều thông minh nhất về blockchain, Matt Levine đã viết, là phần còn lại của thế giới buộc phải "chú ý đến những nâng cấp công nghệ ẩn ngầm đó và nghĩ rằng chúng có thể mang lại một cuộc cách mạng".

 

Tổng hợp việc làm IT - Software trên VietnamWorks
VietnamWorks InTECH
Theo Jesse Frederik